Tiêu chuẩn phong GS, PGS: Quan trọng là chất lượng công trình khoa học

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu chuẩn để công nhận GS, PGS vẫn đang được bàn luận với các góc nhìn đa chiều. GS.TSKH Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận định, tiêu chuẩn GS, PGS của Việt Nam mang nặng yêu cầu số lượng, hình thức, thủ tục, mà không quan tâm đầy đủ đến chất lượng.

 GS.TSKH Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Nhiều yêu cầu không cần thiết

Ông có thể nói rõ hơn về những tiêu chuẩn công nhận đạt GS, PGS của Việt Nam?

- Tiêu chuẩn GS tưởng là dễ, nhưng thực ra nhiều nhà khoa học kêu khó quá, thậm chí có những người Việt ở nước ngoài tài năng thực sự, nhưng nếu xét đăng ký theo tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ không đạt. Bởi yêu cầu của Việt Nam có nhiều nội dung không cần thiết và thế giới chẳng quan tâm.
Theo tôi, vấn đề hiện nay là chúng ta phải đưa ra được các yêu cầu phù hợp với mục đích phong GS, PGS để làm gì, trách nhiệm của GS, PGS ra sao, đó mới là điều quan trọng. Còn nếu đưa ra tiêu chí khó, nhưng không phục vụ mục đích công việc thì chẳng để làm gì. Nếu cứ làm như thế, những tài năng xuất sắc sẽ bị loại, còn những người làng nhàng lại đạt tiêu chuẩn.
Vậy nên, cần phải trên cơ sở các chuẩn mực, quy trình xét công nhận GS, PGS theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế, tốt nhất nên theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất nhiên không phải sao chép hoàn toàn mà phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Dự thảo tiêu chuẩn công nhận GS, PGS vẫn đang được lấy ý kiến. Theo ông, để công nhận GS, PGS, tiêu chuẩn nào là quan trọng nhất?

- Đó là công trình khoa học. Vấn đề là chất lượng của công trình chứ không phải số lượng. Chất lượng được cụ thể hoá bằng việc được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nằm trong hệ thống ISI, S-Coups. Số lượng công trình công bố quốc tế cũng cần cân nhắc quy định cho phù hợp với từng lĩnh vực. Hiện nay, ngành Toán và lĩnh vực Khoa học tự nhiên đang áp dụng yêu cầu công bố quốc tế; với các lĩnh vực khác, công bố quốc tế là yêu cầu khó, cần có lộ trình và mức độ thực hiện. Còn nếu yêu cầu ngay năm tới phải thực hiện sẽ dẫn đến một số ngành không còn ai đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Tất nhiên, đi kèm với công trình công bố quốc tế là phải được ứng dụng vào thực tiễn ở các mức độ khác nhau. Có công trình nhấn mạnh yếu tố ứng dụng, có công trình nhấn mạnh yếu tố sáng tạo về mặt khoa học.

Chính sách cho GS, PGS là cần thiết

Dư luận cho rằng, vừa qua nhiều người chạy đua chức danh GS, PGS vì gắn liền với bổ nhiệm chức vụ và tăng lương, thưa ông?

- Trước hết, GS, PGS là chức vụ, vị trí việc làm. Nhà nước đã quy định trong hệ thống đào tạo, GS, PGS có trách nhiệm phải làm những công việc có tính chuyên môn và trình độ khoa học cao mà những người chưa phải GS, PGS khó có thể thực hiện. Và đương nhiên, chức vụ, vị trí việc làm của GS, PGS phải gắn liền với chế độ chính sách. Hiện nay, chế độ chính sách dành cho GS, PGS còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
 Chuyên gia làm việc tại Viện nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Vậy, chúng ta có nên giao việc phong GS, PGS cho các trường?

- Theo tôi thì chưa nên, ít nhất là trong hoàn cảnh hiện tại với hai lý do. Một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) ở Việt Nam có nhiều GS, PGS trình độ giỏi, có thể thẩm định được nghiêm túc và chính xác năng lực, trình độ của cán bộ mình. Nhưng có những trường lại thiếu GS, PGS, nếu giao cho họ tự thẩm định, đánh giá lại không được. Trường hợp, nếu giao cho các trường tự làm, cách tiếp cận và hiểu về tiêu chuẩn, việc thẩm định và mức độ nghiêm túc có sự chênh lệch lớn giữa các trường. Điều này có thể dẫn đến chất lượng GS, PGS của các cơ sở đào tạo khác rất khác nhau. Thực tế, đã có trường hợp bị Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đánh trượt, nhưng về trường lại tự phong. Hiện tượng này không được công nhận vì trái với quy định của Việt Nam.

Thứ hai, hệ thống cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam, nhất là khối công lập sử dụng chung một thang bảng lương. Khi GS trường này luân chuyển sang nơi khác vẫn hưởng mức lương GS ở nơi cũ. Khi chúng ta đang thực hiện thang bảng lương thống nhất, nếu giao cho các trường tự bổ nhiệm, có thể chất lượng GS, PGS ở mỗi nơi khác nhau lại trái với thiết kế. Vì thế, bây giờ vẫn nên làm trên mặt bằng chung, Nhà nước công bố tiêu chuẩn thống nhất và có hội đồng thẩm định và công nhận những người đạt chuẩn. Sau khi ứng viên GS, PGS có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn thì các trường bổ nhiệm.

Điều tôi muốn nói, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước tổ chức lễ công bố những người đạt tiêu chuẩn GS, PGS tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khiến người ta hiểu nhầm đã được công nhận GS, PGS. Đáng nhẽ, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước nên để cơ sở đào tạo bổ nhiệm GS, PGS và tổ chức vinh danh. Với những người đủ tiêu chuẩn, nhưng không được nhà trường bổ nhiệm, nên đi tìm những chỗ có nhu cầu. Có lẽ, trong tương lai, việc công nhận đủ trình độ GS, PGS nên có thời hạn. Ví dụ, ứng viên được công nhận, nhưng trong 3 năm không được trường nào bổ nhiệm thì chức danh GS, PGS mất giá trị.

Nhà quản lý không nên làm GS, PGS

Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang thừa GS, PGS?

- Nói thừa là không đúng. Việt Nam thừa GS, PGS không có chất lượng, nhưng lại thiếu GS, PGS có chất lượng. Chất lượng đang là mối lo, kể cả những người được công nhận chính thức thì vẫn có khoảng cách lớn so với các nước tiên tiến. Như tôi đã nói, mình yêu cầu cao, nhưng lại là những cái không cần thiết. Còn những tiêu chuẩn mang tính chất lượng thì lại không quan tâm. Vì thế, Việt Nam cần thay đổi tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng và phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Tỉ lệ GS, PGS của chúng ta so với các nước là thấp, nhưng lại đang có nhiều GS, PGS làm quản lý. Theo ông, tới đây những người làm quản lý có nên đăng ký xem xét đạt GS, PGS?

- GS, PGS được phong là để giảng dạy ĐH và nghiên cứu khoa học ở trình độ cao. Bởi vậy ai được bổ nhiệm GS, PGS thì không nên chuyển quá nhiều sang làm quản lý. Rất nhiều ngành không yêu cầu người làm công tác quản lý phải có trình độ khoa học sâu và cao như GS, PGS (loại trừ một số lĩnh vực như giáo dục, khoa học công nghệ, y tế rất cần quản lý có năng lực và uy tín chuyên môn nhất định). Nhưng ở nước ta, một số người xuất thân từ cán bộ khoa học, giảng dạy chuyển sang làm quản lý vẫn tiếp tục dành một thời gian nhất định để tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Theo tôi, không nên khuyến khích nhà quản lý, lãnh đạo làm GS, PGS vì đây không phải là nhiệm vụ số một của họ. Còn nếu họ muốn làm GS, PGS để tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học thì phải có lợi cho công tác quản lý của mình. Trong một số trường hợp, họ có thể tham gia giảng dạy một số môn học cần sự trải nghiệm của người quản lý. Chỉ có điều nhiệm vụ chính của họ là quản lý thì phải thực hiện cho thật tốt.

Xin cảm ơn ông!