Tiêu điểm công nghệ: Tăng hậu kiểm các trang thông tin điện tử, mạng xã hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan điểm của Bộ TT&TT đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong nước sẽ là tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm các sai phạm để hoạt động đúng quy định pháp luật.

Điện thoại "vô địch" về xuất khẩu
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, ước tính trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 349,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015; trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 175,94 tỷ USD, tăng 8,6% và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6%.
 
Giống như năm trước, nhóm hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là điện thoại và linh kiện. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2016 của nhóm hàng này ước đạt 34,51 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2015. Chỉ tính riêng trong tháng 12, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đã đạt 2,9 tỷ USD.
Một nhóm hàng xuất khẩu nữa cũng đang mang lại nguồn thu đó là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện khi kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12/2016 đạt 1,8 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước nhưng cũng nâng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 18,48 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2015.
Tăng hậu kiểm các trang thông tin điện tử, mạng xã hội
Chia sẻ tại một cuộc hội thảo mới diễn ra, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTT&TTĐT cho biết: Hiện nay Bộ TT&TT đang thực hiện đổi mới cơ chế quản lý đối với lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội. Thời gian qua, Bộ đã ban hành các văn bản pháp luật quản lý như Nghị định 72, Thông tư 09, Thông tư 24. Hiện Bộ cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013 để tăng cường quản lý.
 
Bên cạnh đó, đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội cung cấp qua biên giới (Facebook, YouTube…), Bộ TT&TT sắp ban hành Thông tư quản lý việc cung cấp dịch vụ nội dung công cộng xuyên biên giới. Mục tiêu quản lý là ngăn chặn thông tin xấu, độc hại chứ không hạn chế quyền tự do ngôn luận chính đáng, hợp tác kinh doanh hay chia sẻ thông tin tình cảm một cách chính đáng của cộng đồng người sử dụng.
“Những hành vi, chủ thể tham gia cung cấp thông tin đó trên mạng xã hội sẽ tập trung quản lý. Với những vụ việc gần đây (như một số vụ việc tung hình ảnh bịa đặt cô giáo tại Hà Tĩnh đi tiếp khách, đối tượng Nguyễn Danh Dũng sử dụng các tài khoản YouTube, Facebook chuyên đăng tải các video clip xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước) cho thấy hoàn toàn có thể làm được”, Cục trưởng Cục PTTT&TTĐT Nguyễn Thanh Lâm cho hay.
Theo ông Lâm, quan điểm của Bộ TT&TT đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong nước sẽ là tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm các sai phạm để hoạt động đúng quy định pháp luật.
Bộ Công Thương cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương vừa được khai trương tại địa chỉ online.moit.gov.vn, cho phép người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của Bộ bằng 1 tài khoản duy nhất trên cổng này.
 
Theo thống kê, thời điểm hiện tại, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tại địa chỉ: online.moit.gov.vn, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 68 thủ tục hành chính công, gồm 56 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 12 dịch vụ công trực tuyến mức 4, thuộc 17 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương: Công nghiệp nhẹ; Hóa chất; Nhượng quyền thương mại; Dịch vụ thương mại; Năng lượng; Vật liệu nổ và công nghiệp; Kiểm định An toàn kỹ thuật; Khoa học công nghệ; Công nghiệp nặng; Điều tiết điện lực; Thương mại điện tử; Xuất nhập khẩu; Công nghiệp địa phương; An toàn thực phẩm; Xúc tiến thương mại; Lưu thông hàng hóa trong nước; và Quản lý cạnh tranh.
Sau khi được chính thức đưa vào hoạt động, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.moit.gov.vn sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại Bộ Công Thương.
Xiaomi chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam ?
MIUI - diễn đàn chuyên về sản phẩm của Xiaomi tại Việt Nam - vừa thông báo tuyển dụng cho công ty này tại Việt Nam.
 
Theo đó, vị trí truyển dụng không được nhắc đến cụ thể, nhưng bản mô tả công việc cần người lập kế hoạch và tham gia tổ chức các sự kiện cho cộng đồng người dùng tại Việt Nam, thực hiện các kế hoạch được điều phối từ trụ sở Xiaomi tại Trung Quốc, theo dõi dữ liệu và bảo trì diễn đàn.
Hiện thống kê của IDC lẫn GfK ở Việt Nam đều chưa tính đến Xiaomi. Oppo là đại diện duy nhất từ Trung Quốc hiện chiếm thị phần cao và có đủ sức cạnh tranh với những thương hiệu toàn cầu như Apple, Samsung. Trong khi đó, những "đồng hương" khác như Lenovo, Huawei, Meizu... vẫn đang chật vật tìm khách hàng.