Tiêu điểm kinh tế tuần: ADB có kế hoạch mua lại ngân hàng 0 đồng của Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch xử lý mua lại một số ngân hàng thương mại yếu kém trong nước.

Việt Nam được hỗ trợ để xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém
Phát biểu trước rất nhiều đối tác quốc tế tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một số đối tác tư nhân của Việt Nam đang có kế hoạch mua lại một số ngân hàng yếu kém (đã bị mua lại với giá 0 đồng) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ADB cũng sẵn sàng giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém.
 
Trên thực tế, thời gian vừa qua có một số ngân hàng thương mại yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, trong đó nổi bật là Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank)...
Động thái mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng của NHNN được coi là chính sách ổn định thị trường tài chính, ổn định hệ thống ngân hàng và thực hiện chính sách tái cơ cấu hệ thống tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thời gian qua. Đây là biện pháp đảm bảo an toàn cho thị trường tiền tệ, bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.
"Sếp" PV Power trốn ở nước ngoài
Trong một thông cáo báo chí mới được phát đi từ PV Power (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), ông Lê Chung Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc của Tổng công ty này đã xin nghỉ phép, đi việc cá nhân ở nước ngoài hơn 3 tuần nay vẫn chưa về.
 
Cụ thể, vào ngày 10/10/2016, ông Lê Chung Dũng có Đơn gửi PV Power xin được nghỉ phép 15 ngày để giải quyết công việc gia đình, không nêu rõ địa điểm nghỉ phép. PV Power đã chấp thuận cho ông Dũng được nghỉ phép theo đúng quy định từ ngày 10/10/2016 đến hết ngày 20/10/2016 (9 ngày) và đề nghị ông Dũng có mặt ở Tổng Công ty sau khi hết thời hạn nghỉ phép.
Mặc dù vậy, hết thời hạn nghỉ phép, ông Lê Chung Dũng đã không đến cơ quan làm việc mà lại tiếp tục có đơn gửi Tổng Công ty xin đi học khóa dự bị MBA của trường Đại học SP Jain School Of Management tại Singapore trong thời gian 6 tháng, ngày nhập học 20/10/2016. Không chấp nhận việc này, PV Power đã nhiều lần liên hệ (qua điện thoại, email) cũng như gửi các văn bản yêu cầu ông Lê Chung Dũng trở lại Tổng Công ty để tiếp tục làm việc và giải quyết các thủ tục liên quan nhưng vị nguyên Phó Tổng giám đốc này vẫn chưa trở lại Tổng Công ty làm việc.
Thời điểm này cũng là thời hạn bổ nhiệm lại chức vụ Phó tổng giám đốc đối với ông Lê Chung Dũng, vì các lý do nêu trên nên theo quy định quản lý cán bộ ông Lê Chung Dũng không được bổ nhiệm lại và không còn là Phó Tổng giám đốc của PV Power. Tổng Công ty đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về Đảng và tiến hành các thủ tục để kỷ luật lao động theo quy định của Nội quy lao động của Tổng Công ty và Luật lao động đối với ông Lê Chung Dũng, PV Power cho biết.
Theo thông tin mà Kinh tế & Đô thị có được, ông Lê Chung Dũng được cho là có trách nhiệm trong việc triển khai các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, hầu hết trong số này đang bị thua lỗ, đình trệ và có nhiều sai phạm trong đầu tư.
6 Hiệp hội truy doanh nghiệp đứng sau tài trợ khảo sát nước mắm
Tuần qua, 6 Hiệp hội bao gồm: Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hôi nước mắm Cát Hải, Hội Lương thực thực phẩm TPHM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã có kiến nghị gửi lên các bộ ngành về các giải pháp phát triển nước mắm truyền thống.
 
Tại văn bản này, các Hiệp hội cho biết đã thống nhất đánh giá cao những động thái quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các bộ xử lý kịp thời sự cố “nước mắm truyền thống nhiễm asen” và đồng tình với kết luận xử lý của Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương thành lập về chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đối với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas).
Về việc Vinastas đăng tải văn bản xin lỗi vào ngày 24/11, nhóm các nhà sản xuất nước mắm cho rằng “Qua nội dung văn bản xin lỗi, chúng tôi cho rằng Vinastas chưa thật sự thấy lỗi quan trọng nhất của mình đó là: nhân danh Hội bảo vệ người tiêu dùng tiếp tay cho một doanh nghiệp để làm hại cho những doanh nghiệp khác".
“Việc công khai danh tính đơn vị chủ trì các hoạt động tài trợ cùng với lời xin lỗi của đơn vị chủ trì gây nên sự cố sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng việc “gắp lửa bỏ tay người”, sử dụng truyền thông và nhiều tổ chức khác nhau, gây tác động lớn đến người tiêu dùng như vừa qua”, văn bản nêu rõ.
Hàng loạt ngân hàng nằm trong danh sách kiểm toán năm 2017
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã ban hành kế hoạch kiểm toán năm 2017. Theo đó, KTNN sẽ tập trung kiểm toán một số nội dung trọng tâm như ngân sách Nhà nước (NSNN), đầu tư dự án, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng và kiểm toán chuyên đề.
 
Cụ thể, KTNN sẽ tổ chức kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, Viettinbank, Viettinbank, Vietcombank và Co-opbank. Ngoài ra còn có 2 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng là Ocean Bank và GP Bank.
Ở danh sách kiểm toán 2017 còn có 25 Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước. Trong đó có những cái tên đáng chú ý như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO), Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ...
Bên cạnh đó là 83 dự án đầu tư xây dựng gồm 20 dự án BOT, 1 dự án BT, 1 dự án BOT kết hợp BT và 14 dự án sử dụng vốn ngoài nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần