Tiêu điểm kinh tế tuần: Giá điện tăng lên 1.720 đồng/kWh

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá điện chính thức tăng lên 1.720 đồng/kWh; thoái 53% vốn tại Sabeco, thu về gần 110.000 tỷ đồng; rà soát đất đai tại DN trước khi cổ phần... là điểm nhấn tuần qua.

Giá điện chính thức tăng lên 1.720 đồng/kWh
Giá điện chính thức tăng 1.720 đồng/kWh từ 1/12. Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về việc điều chỉnh với mức giá bán lẻ điện mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Mức giá này tăng 6,08% so với mức bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điều chỉnh là từ 1/12.

Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016. Kết quả này đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi tổ công tác liên bộ.

Trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Việc tăng giá điện lần này, theo một số chuyên gia kinh tế là có thể dự đoán được do đã gần 3 năm giá điện chưa tăng, kể từ thời điểm tháng 3/2015. Điều này có thể gây nên mất cân bằng tài chính cho EVN và khó thu hút vốn đầu tư phát triển nguồn điện mới.

Theo Bộ Công Thương, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%).

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đ/kWh.

Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh). Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng.

Trước đó, một số thông tin dự đoán giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được điều chỉnh theo 6 bậc giá. Giá từng bậc sẽ tính theo % giá bán lẻ điện bình quân với mức tiêu thụ từ thấp đến cao. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chưa có thông tin chính thức.
Thoái 53% vốn tại Sabeco, thu về gần 110.000 tỷ đồng
Giá khởi điểm SAB phá kỷ lục 10 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo thông tin từ Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương) công bố vào sáng 29/11, trong đợt chào bán đầu tiên này, Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản của Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ thoái 53,59% vốn điều lệ, trong tổng số hơn 89% vốn điều lệ đang nắm giữ tại công ty này.

Được biết, phương thức bán 343.662.587 cổ phiếu, tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco, sẽ theo hình thức cháo bán cạnh tranh. Giá khởi điểm là 320.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị thoái vốn gần 110.000 tỷ đồng.

Giá khởi điểm được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong 3 mức giá. Mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin bán vốn là 281.500 đồng/cổ phiếu. Mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn là 184.700 đồng/cổ phiếu. Giá đóng cửa của ngày giao dịch trước công bố thông tin 320.000 đồng/cổ phiếu.

Tỷ lệ room tối đa của SAB là 49%. Như vậy, số lượng nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa trong đợt này là 38,59%, tương đương gần 247,5 triệu cổ phần. Ngày đấu giá chính thức sẽ diễn ra vào 18/12 tại Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE).

Tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán. Đối tượng tham gia là tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.

Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.
Rà soát đất đai tại doanh nghiệp trước khi cổ phần

Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát toàn bộ đất đai mà các DN đang quản lý, sử dụng trước khi cổ phần hóa.

Văn phòng Chính phủ ngày 29/11 đã có công văn gửi các bộ, ngành và địa phương về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Về cơ cấu lại DNNN, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án cơ cấu lại DN, trình cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện triển khai đúng quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu: Khẩn trương cổ phần hóa, thoái vốn tại các DN và các công việc liên quan theo kế hoạch đã được Thủ tướng phân công trong danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hoá.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần cần thực hiện đăng ký doanh nghiệp giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán khi đủ điều kiện 1 năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý cơ quan bộ, ngành phải giám sát DN thuộc diện cổ phần hóa; yêu cầu các DN công khai các thông tin và hoạt động của mình theo yêu cầu của Chính phủ.

Đối với vấn đề luôn gây lo ngại thất thoát và sai lệch tài sản Nhà nước, xã hội khi định giá trước cổ phần hoá là đất đai, nhà xưởng. Phó Thủ tướng yêu cầu: "Phải rà soát toàn bộ diện tích đất mà các DNNN đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai".
Xử phạt hành chí địa ốc Alibaba, chuyển cơ quan điều tra
Xử phạt hành chính đối với Công ty địa ốc Alibaba.

Ngày 28/11, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đang soạn thảo nội dung xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba - DN liên tục bị các cơ quan chức năng cảnh báo.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thanh tra của Sở này sẽ xử phạt hành chính đối với Công ty địa ốc Alibaba về các lỗi vi phạm quy định trong Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở.

Cũng theo ông Tuấn, việc Công ty Alibaba chưa phải là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi nhưng đã “mạo danh” chủ đầu tư rao bán dự án và cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ là sai quy định.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh (Sở TNMT) đã phát đi cảnh báo khẩn về những thông tin sai sự thật của Công ty Địa ốc Alibaba và Công ty Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh.

Theo Sở TNMT, thời gian qua Sở nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc hai công ty nói trên có hành vi rao bán dự án chưa đầy đủ thủ tục cần thiết.

Qua kiểm tra và xác minh, Sở TNMT TP Hồ Chí Minh nhận thấy những quảng cáo của Công ty Địa ốc Alibaba không đúng sự thật.

Cụ thể, dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3" (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa được phép công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ. Thế nhưng, công ty Địa ốc Alibaba và công ty Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh vẫn ngang nhiên rao bán nền và thu tiền giữ chỗ của hơn 400 khách hàng.

Thông qua vụ việc này, Sở mong muốn người tiêu dùng và các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, cần cảnh giác và tỉnh táo để tránh bị thiệt hại có thể xảy ra.

Trong lần làm việc với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46-Bộ Công an), đại diện Công ty Alibaba cho biết, tính đến ngày 21/11, Công ty Alibaba đã nhận đăng ký đặt chỗ của 493 khách hàng với tổng số tiền hơn 16,6 tỷ đồng trong dự án Khu đô thị Tây Bắc.