Tiêu điểm kinh tế tuần: Gia đình Thứ trưởng sắp nhận hơn 17 tỷ đồng cổ tức Điện Quang

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần lưu ý, đây mới chỉ là một nửa số cổ tức 2016 được chia của Bóng đèn Điện Quang.

Gia đình Thứ trưởng được hưởng 17,7 tỷ đồng tiền mặt

Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán DQC) vừa ban hành Nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông trả nốt cổ tức đợt 2 năm 2016 bằng tiền mặt. Dự kiến công ty này sẽ dự chi khoảng 48 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức.

 
Theo báo cáo quản trị năm 2016 của DQC, gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện đang nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này. Như vậy trong đợt tạm ứng cổ tức đợt 2 này, gia đình Thứ trưởng Thoa dự kiến sẽ thu về hơn 17,7 tỷ đồng tiền mặt.

Trước đó, vào cuối năm 2016, DQC cũng đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2016 cho cổ đông cũng với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Tổng mức chi trả cổ tức năm 2016 được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 công ty thông qua là 30%.

Được biết, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của DQC sẽ được tổ chức vào ngày 29/4/2017 tại TP Hồ Chí Minh.

Dự án Đạm Ninh Bình: Làm rõ trách nhiệm cá nhân thực hiện hợp đồng với Trung Quốc

Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về những tồn tại của hợp đồng tổng thầu (EPC) dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Tổng thầu của dự án này là Tổng công ty Tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu, Trung Quốc.

 
Cụ thể, Bộ Công Thương được giao chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát tính pháp lý của hợp đồng EPC của dự án, bảo đảm tuân thủ các quy định về hợp đồng xây dựng. Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ yêu cầu, cần làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng, trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Về phần Vinachem, tập đoàn này căn cứ vào kết quả giải quyết các nội dung tồn tại của hợp đồng để thực hiện quyết toán hợp đồng EPC. Đối với các nội dung công việc, gói thầu, hạng mục công trình độc lập hoàn thành đưa vào sử dụng, việc quyết toán thực hiện theo quy định Thông tư số 09 năm 2016 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

Trước đó, Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương về công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã cho thấy nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này với nhà thầu Trung Quốc.

Sẽ "cắt" đầu tư công nếu bộ, địa phương không rà soát, báo cáo dự toán vốn

Tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có công văn gửi các Bộ, ngành và địa phương về quy định rà soát, báo cáo vốn đầu tư công khi có chỉ thị của Chính phủ và Quốc hội thời gian vừa qua.

 
Theo đó, đến hết ngày 22/3, Bộ KH&ĐT cho biết vẫn còn một số bộ, ngành trung ương và địa phương chưa gửi phương án rà soát. Phương án phân bổ chi tiết chưa phù hợp với các quy định của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng. Các tồn tại như chưa phân bổ hết số vốn được giao, bố trí vốn chưa đúng nguyên tắc, tiêu chí đề ra, bố trí vốn còn dàn trải, bố trí vốn trung hạn rất thấp, chưa làm rõ nguồn vốn bổ sung để hoàn thành dự án, một số dự án khởi công mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ KH&ĐT lưu ý Chính phủ đưa ra “hạn chót” chậm nhất ngày 31/3/2017, các bộ, ngành và địa phương còn "nợ" báo cáo phương án rà soát danh mục đầu tư, phương án dự kiến phân bổ vốn chưa đúng quy định, phê duyệt đầy đủ các thủ tục đầu tư dự án khởi công mới theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Nếu quá thời hạn trên, nếu các đơn vị không gửi báo cáo về Bộ KH&ĐT, trình Chính phủ và UBTV Quốc hội xem xét, theo quyết định của Chính phủ, sẽ điều chuyển toàn bộ phần vốn đầu tư công trung hạn của bộ, ngành và địa phương vào nguồn dự phòng chung cả nước trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ KH&ĐT khẳng định.

Hà Nội "bêu" tên 262 doanh nghiệp nợ thuế, phí

Trong lần công bố thứ 4 của năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã chỉ đích danh 262 DN với số tiền nợ thuế, phí lên đến hơn 2.203 tỷ đồng. Ở 3 đợt công khai trước đó từ đầu năm đã có 372 DN và dự án bị nêu tên với tổng số tiền nợ là trên 408 tỷ đồng.

 
Dẫn đầu trong số các DN nợ thuế, phí lần này là Công ty Cổ phần Tập đoàn điện tử Công nghiệp Việt Nam và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tạp Phẩm với số tiền cùng là 75 tỷ đồng. 6 DN có mức nợ từ 40 - 60 tỷ đồng gồm: Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Viglacera (nợ gần 58 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây lắp và Vật liệu Công Nghiệp (57 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 118 - Momota (51 tỷ đồng)... và 52 DN có số nợ từ 10 - 30 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế TP Hà Nội, nhằm đảm bảo ổn định thu ngân sách Nhà nước, do vậy bên cạnh việc quyết liệt áp dụng cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, mời người nộp thuế trực tiếp lên làm việc tại trụ sở Cơ quan thuế, Cục sẽ liên tục công danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trong thời gian tới.