Tiêu điểm kinh tế tuần: Hàng loạt dự án bất động sản sắp bị thanh tra

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính thanh tra hàng loạt dự án bất động sản vi phạm, phí dịch vụ ngân hàng điện tử tăng, thanh tra đa cấp Nhã Khắc Lâm... là nội dung đáng chú ý tuần qua.

Bộ Tài chính đề nghị thanh tra dự án bất động sản
 
Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế tính từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Để chấn chỉnh, xử lý các tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước.
Do vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư.
Danh sách tổng hợp này bao gồm nhiều dự án lớn trên cả nước như: khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan và 1141 Giải Phóng (Hà Nội), dự án Pandora 53 Triều Khúc (Hà Nội), dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng...
Ngân hàng tăng phí dịch vụ điện tử
 
Ngày 8/5, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chính thức áp dụng biểu phí mới đối với dịch vụ ngân hàng điện tử. Theo đó, phí chuyển dưới 10 triệu đồng tăng từ 6.600 đồng lên 7.000 đồng. Mức phí cho số tiền chuyển đến 500 triệu đồng cũng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng...
Trong khi đó, TP Bank cũng vừa tiến hành tăng phí dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS Banking lên 11.000 đồng mỗi tháng (trước đó là 8.800 đồng). Tại Eximbank, phí này còn cao hơn TP Bank, khi mỗi thuê bao phải đóng 50.000 đồng mỗi quý, tức trên 16.000 đồng một tháng.
Trước đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cũng chính thức tăng phí Internet Banking. Theo đó, từ đầu tháng 5 này, Sacombank tăng phí dịch vụ Internet Banking của khách hàng cá nhân từ 33.000 đồng lên 44.000 đồng một quý.
Mới đây, một số ngân hàng thương mại cũng đã kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các ngân hàng đầu tư hệ thống ATM.
Bởi mức chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của mỗi ngân hàng) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay ngân hàng đang bị lỗ.
Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, khi nhiều chủ thẻ cho rằng hiện sử dụng thẻ ATM đã phải gánh quá nhiều loại phí (khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản) trong khi chất lượng chưa tương xứng.
Petrolimex lãi hơn 750 tỷ đồng
 
Theo kết quả kinh doanh quý I/2017 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh thu thuần hợp nhất tăng mạnh (30%) so với cùng kỳ, đạt 35.801 tỷ đồng.
Bản thuyết trình báo cáo của Petrolimex cho hay, nguồn thu tăng vọt trong quý đầu tiên năm nay chủ yếu là do giá dầu thô trên thị trường thế giới đứng ở mức cao - 51,78 USD một thùng (tăng 54% so với cùng kỳ 2016).
Dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất mà tập đoàn này ghi nhận lại khá khiêm tốn, chỉ 1.350 tỷ (bằng 98,4% cùng kỳ năm ngoái).
Trong đó, kinh doanh xăng dầu vẫn đem lại khoản lãi lớn nhất cho Petrolimex, khi đạt 755 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ so với cùng kỳ và chiếm 56% tổng lợi nhuận của quý I.
Trong tháng 4/2017, Petrolimex đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán, với mã cổ phiếu PLX. Với vốn điều lệ 12.938 tỷ đồng và mức giá chào sàn là 43.200 đồng một cổ phiếu, vốn hóa PLX đạt 55.892 tỷ (khoảng 2,5 tỷ USD).
Bộ Công Thương thanh tra đa cấp Nhã Khắc Lâm
Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây, báo chí, dư luận phản ánh và cung cấp các thông tin và bằng chứng về việc Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm đã tuyên truyền, quảng bá và ký hợp đồng bán hàng đa cấp với các cá nhân trong khi chưa được Cục Quản lý cạnh tranh cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Về vấn đề này, ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ chủ trì.
Thành phần gồm Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế nhằm kiểm tra, xác minh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp với các cá nhân của Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm.
Đoàn kiểm tra phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trong trường hợp cần thiết) làm việc với Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm; xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm nếu có. Đồng thời có những khuyến cáo và biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.
Trước đó, Bộ Công Thương đã phát đi thông cáo khẳng định đến hiện tại, do chưa hoàn thành việc bổ sung hồ sơ, thủ tục cho việc sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nên Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm chưa được phép tổ chức bán hàng đa cấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần