Tiêu điểm tuần: Nhiều phản đối quanh đề xuất tăng thuế môi trường với xăng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đơn vị như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, VCCI đều có ý kiến muốn Bộ Tài chính đánh giá tác động một cách cẩn trọng việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Tăng thuế môi trường với xăng, dầu: Phản đối nhiều hơn đồng thuận
Tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý với Bộ Tài chính về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Theo quan điểm của cơ quan này, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
 
Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.
Cũng theo VCCI, xét về dài hạn, việc nới khung thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Chính sách này sẽ làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.
Về phía Bộ Ngoại giao, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc thật kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế, phí. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với phương án nâng mức sàn, mức trần biểu khung thuế của xăng trong dự thảo báo cáo.
Cũng có ý kiến tương tự, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn lên gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa.
Việc điều chỉnh tăng mức thuế tối thiểu - tối đa trong biểu khung thuế cũng sẽ dẫn đến tăng mức thuế suất cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, Bộ Tư pháp băn khoăn.
Chỉ duy nhất Bộ Nội vụ đồng tình với Bộ Tài chính khi có ý kiến ngắn gọn là “nhất trí với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, do Bộ Tài chính chuẩn bị".
Phải cổ phần hóa các tổng công ty phát điện thuộc EVN, PVN và Vinacomin
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
 
Theo đó, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, với khâu phát điện, ngành điện sẽ thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các tổng công ty phát điện tiếp tục trực thuộc các tập đoàn và do các tập đoàn nắm giữ ít nhất 51% cổ phần.
Các tổng công ty phát điện sau khi cổ phần hóa chịu trách nhiệm thực hiện các dự án đầu tư nguồn điện mới được giao theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020, tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước tại các tổng công ty phát điện xuống dưới mức chi phối và tách các tổng công ty phát điện ra khỏi các tập đoàn sau khi có đánh giá kết quả hoạt động sau 2 năm thực hiện cổ phần hóa, đảm bảo tuân thủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.
Vay tiêu dùng không được vượt quá 100 triệu đồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực từ 15/3 tới.
 
Theo đó, đối với khách hàng cá nhân tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100 triệu đồng. Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định rõ, công ty tài chính phải ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng để hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, kiểm tra số liệu, quản lý thông tin khách hàng, nhận dạng các thông tin sai lệch và ngăn ngừa gian lận để quyết định cho vay, kiểm soát khoản vay và thu hồi nợ vay ...
Bên cạnh đó, công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và gửi Ngân hàng Nhà nước để giám sát.
Bộ Giao thông Vận tải: Uber đang hoạt động trái quy định
Tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Công ty TNHH Uber Việt Nam trả lời về Đề án thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải hành khách theo hợp đồng của doanh nghiệp này.
 
Cụ thể, Bộ GTVT cho rằng, việc ủy quyền của Uber BV cho Uber Việt Nam tham gia Đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ là chưa phù hợp. Nguyên nhân do Uber Việt Nam là đơn vị xây dựng và đề xuất Bộ GTVT phê duyệt Đề án thí điểm dựa trên ủy quyền của Uber BV không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Uber BV trong việc thực hiện Đề án.
Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.
Đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Đề án thí điểm chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách. Bên cạnh đó, việc Uber BV ủy quyền cho Uber Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh tại Việt Nam sẽ không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.
Do vậy, Bộ GTVT yêu cầu Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.