Tiêu điểm kinh tế tuần: Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nộp đơn xin thôi việc, khởi tố bắt giam ông Trầm Bê, doanh nghiệp được chủ động điều chỉnh giá sữa... là nội dung chú ý tuần qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã nộp đơn xin thôi việc
 
Sáng 2/8, Bộ Công Thương đã phát đi thông tin chính thức về việc bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương nộp đơn xin nghỉ việc. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, ngày 28/7/2017, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có đơn xin nghỉ công tác vì lý do cá nhân gửi đến Lãnh đạo Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cho biết, theo các quy định hiện hành, việc giải quyết đơn xin nghỉ việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau khi có ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan.
Chiều 3/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí liên quan đến thông tin Thứ trưởng Bộ Công Thương xin thôi việc.
Theo Luật Công chức và Nghị định 46 năm 2010 thực hiện luật này, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, đang trong quá trình xem xét kỷ luật thì không được thực hiện chấp nhận thôi việc
Trước đó, tại kỳ họp thứ 16 diễn ra ngày 31/7, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc xem xét, thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa.
Theo đó, UBKT Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010) như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 15 của UBKT Trung ương.
UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Khởi tố, bắt tạm giam ông Trầm Bê
 
Ngày 1/8, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an), cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Ông Trầm Bê (SN 1959, nguyên quán Trung Quốc, nơi hộ khẩu đăng ký thường trú Q1, TP.HCM) có trình độ cử nhân quản lý doanh nghiệp.
Ông Trầm Bê nguyên là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank bị khởi tố về hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng bị khởi tố về tội danh trên còn có ông Phan Huy Khang (nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank).
Cả ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Sacombank.
Doanh nghiệp được chủ động điều chỉnh giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi
 
Tại hội nghị đại diện các sở công thương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh cũng nêu ý kiến thắc mắc về những điều chưa rõ trong thông tư, nổi bật là vấn đề không phân biệt được sữa trẻ em dưới 6 tuổi; Việc lập danh sách thương nhân nhập sữa trên địa bàn;
Việc bán giá cao hơn khuyến nghị nếu không kê khai thì không quản lý được; Việc phân cấp quản lý cho sở công thương các địa phương… Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và các cấp ngành liên quan đã có những giải đáp tương đối đầy đủ, chi tiết theo Thông tư, Nghị định.
Chia sẻ thêm về những điểm mới của Thông tư 08, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Lộc An cho biết, so với trước đây, Thông tư lần này có khá nhiều sự đổi mới. Theo đó, thông tư tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức kê khai theo đúng chế độ hạch toán kế toán hiện hành” – ông An nói.
Đồng thời khẳng định, điểm quan trọng trong sự đổi mới của Thông tư 08 là tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ hàng hóa. Bởi, đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận và cũng chính là mục tiêu quản lý của Nhà nước đối với mặt hàng nhạy cảm này.
“Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tế nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi đã quy định cho phép doanh nghiệp kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối, khu vực địa lý hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối đặc biệt”, ông An cho biết thêm.
Đề xuất bán hết hơn 2.600 tỷ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam
 
Xung quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) ngành dệt may trong nước, Vinatex đã có kiến nghị gửi Thủ tướng và Chính phủ về những giải pháp cụ thể cho toàn ngành và cho các DN dệt may.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Vinatex đề nghị cho phép tập đoàn này được thoái hết vốn Nhà nước để củng cố năng lực và phát triển trong thời gian tới.
Cụ thể, Vinatex đã chính thức cổ phần hóa từ tháng 1/2015, với vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng, song tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước hiện vẫn chiếm hơn 53,49% (khoảng 2.675 tỷ đồng) trong DN này.
Theo Quyết định của Thủ tướng năm 2016, Vinatex không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ vốn. Vì thế, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, để tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế, đòi hỏi Vinatext phải đưa ra những khoản đãi ngộ phù hợp, không theo thang bảng lương do Nhà nước quy định để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vinatex rất cần có các cổ đông có năng lực quản trị chuyên nghiệp và nắm giữ, phát triển thị trường để hỗ trợ Tập đoàn về công tác quản trị và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, tập đoàn này đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước hơn 2.600 tỷ đồng tại đây cho các cổ đông bên ngoài.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex cho hay: Theo Hiệp định của Chính phủ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm 2015, Vinatex được tham gia chương trình "Cải cách DN Nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty - dự án 2", được ADB cho vay 100 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường (có lãi suất) và 5 triệu USD từ nguồn vốn vay đặc biệt, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý khoản vay.
Đến nay Vinatex mới giải ngân được 61 triệu USD, phần còn lại chưa giải ngân được vì vướng mắc về tài sản đảm bảo.