Tiêu điểm tuần: Khởi tố các đối tượng sát hại 2 “hiệp sĩ" TP Hồ Chí Minh

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi tố bị can, bắt tạm giam Tài “mụn” và đồng bọn trong vụ sát hại 2 “hiệp sĩ” TP Hồ Chí Minh; Hà Nội: Quan tâm đặc biệt vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch; Y án 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng: Không để cuộc sống người dân khó khăn vì dự án Thủ Thiêm

Ngày 15/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng và Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, UBND TP.HCM về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ thiêm. Các đồng chí nguyên lãnh đạo UBND và Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng tham dự cuộc họp.
Tiêu điểm tuần: Khởi tố các đối tượng sát hại 2 “hiệp sĩ" TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1
Sơ đồ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng QĐ 367/TTg năm 1996. Dự án này đã điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ nhất quán với chủ trương đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định, theo đề nghị của UBND TP.HCM, là mong muốn xây dựng một khu đô thị hiện đại, là một công trình trọng điểm về kinh tế, xã hội của TP.HCM. Dự án này có diện tích đất thu hồi rất lớn liên quan đến hàng ngàn hộ dân.

Với nỗ lực của TP.HCM và sự ủng hộ tích cực của người dân, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã đạt 99%.

"Chúng ta đánh giá cao những người dân vì mục tiêu phát triển của Thành phố, đã di dời, bàn giao nhà đất để triển khai dự án. Cần nhận thức việc này để thấy rõ trách nhiệm phải lo cho cuộc sống của người dân, không để người dân vì dành đất cho dự án phục vụ sự phát triển của Thành phố mà phải chịu cuộc sống khó khăn", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan có các sai sót về quản lý đất đai, quy hoạch, lưu trữ hồ sơ, giải quyết khiếu nại… dẫn đến người dân khiếu kiện bức xúc, kéo dài. Trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành liên quan, trước hết là chính quyền các cấp của TP.HCM.

Thủ tướng nêu rõ, việc giải quyết phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, thuyết phục; việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của TP.HCM, vì cuộc sống của người dân. 

Quá trình giải quyết phải kiểm tra, làm rõ các tình tiết vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi thống nhất, tạo đồng thuận về hướng giải quyết. Nếu có thiếu sót thì phải khắc phục; phải xác định rõ thời gian, lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Trường hợp người dân khiếu nại gặp khó khăn, cần xem xét vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tiến hành rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2018.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp và UBND TP.HCM có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong quá trình rà soát, giải quyết các vụ việc người dân khiếu nại.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương rà soát, giải quyết các khiếu kiện của người dân; thực hiện ngay các chính sách phù hợp đối với người dân, nhất là những người đã bàn giao đất mà chưa nhận nhà tái định cư hoặc bị cưỡng chế mà chưa có chỗ ở thì phải có ngay các giải pháp cần thiết để lo cho người dân, không để người dân quá khó khăn trong cuộc sống.

Hà Nội: Quan tâm đặc biệt vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

Chiều 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô để chuẩn bị cho kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa XIV.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị về phía Trung ương có Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; về phía Hà Nội có Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc…

Tại hội nghị, đaị biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận xét, từ đầu năm đến nay, tình hình an ninh quốc phòng trên địa bàn TP được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Đại biểu cũng chỉ ra điểm nổi bật trong tình hình kinh tế xã hội, công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP Hà Nội là việc cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin được cải thiện thêm một bước. “Chúng tôi theo dõi sát và rất phấn khởi về sự chuyển biến này”, đại biểu Quốc Khánh bày tỏ.

Đại biểu cũng băn khoăn với một số vấn đề cử tri kiến nghị như vấn để xử lý môi trường nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ - sông Đáy, trong đó, cần xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không có hệ thống xử lý nước thải, đổ thẳng ra môi trường, thực hiện nghiêm minh pháp luật trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đại biểu cũng nêu vấn đề cử tri quan tâm về việc mở rộng quốc lộ 21B và xây dựng cải thiện giao thông khu vực phía nam TP.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu việc cử tri tổ dân phố số 5 phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) kiến nghị 10 năm nộp hồ sơ làm sổ đỏ, trong đó, UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hai Bà Trưng xử lý. Sau đó, Quận Hai Bà Trưng cho biết việc này không thuộc trách nhiệm của quận mà thuộc Xí nghiệp nhà số 2, do vậy quận chuyển Xí nghiệp nhà số 2 xử lý. Đơn vị này cũng tiếp nhận nhưng cho đến nay việc giải quyết chưa có kết quả.

Trả lời các kiến nghị của đại biểu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết trong thời gian qua, TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các sông Tô Lịch, sông Nhuệ…

TP đã có dự án bằng vốn ODA của Nhật Bản tại Yên Xá với số vốn 16 nghìn tỷ đồng để xử lý được nước sông Tô Lịch. Khi hoàn thiện dự án này sẽ xử lý được 40% nước sông Tô Lịch.

Ngoài ra, TP còn đang triển khai dự án BT để thu gom toàn bộ nước thải khu vực S3, các quận còn lại ở phía đầu sông Tô Lịch gồm quận Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ… quay ngược trở lại xử lý nhà máy nước thải Tây Hồ và bổ cập sông Tô Lịch.

Dự kiến 2 dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2020 - 2021 và lúc đó sông Tô Lịch cơ bản được thu gom toàn bộ nước thải đổ ra sông và xử lý....

Phát biểu kết luận hội nghị, với tư cách là lãnh đạo TP, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp thu ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội để thực hiện mục tiêu của đảng bộ TP và ý kiến của các đại biểu.

Y án 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng

Ngày 14/5, HĐXX đã tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, y án sơ thẩm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Lược lại nội dung vụ án cũng như bản án sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa cho biết, sau phiên sơ thẩm, 15/22 bị cáo và một người có quyền lợi và nghĩa liên quan có đơn kháng cáo. Các bị cáo không có đơn kháng cáo và các nguyên đơn dân sự được triệu tập đến tòa phúc thẩm với tư cách người làm chứng.
Tiêu điểm tuần: Khởi tố các đối tượng sát hại 2 “hiệp sĩ" TP Hồ Chí Minh - Ảnh 3
Y án 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng
Trước phiên phúc thẩm, Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo, đồng thời xin vắng mặt tại tòa phúc thẩm vì lý do sức khỏe. Tại tòa, anh Trịnh Hùng Cường - con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh - cũng có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo. TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ phúc thẩm với bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bản án sơ thẩm trong vụ án này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi quyết định đình chỉ phúc thẩm được ra.

Tại bản án phúc thẩm, HĐXX cho rằng, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai và tranh luận công khai tại phiên tòa có thể thấy, việc bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo chỉ định tổng thầu là PVC, chỉ đạo chi tiền tạm ứng cho nhà thầu, dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn là hoàn toàn có căn cứ. Vì vậy, kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực cho rằng không phạm tội “Cố ý làm trái” và kháng cáo xem xét lại tội danh là không có căn cứ.

HĐXX khẳng định, kháng cáo của bị cáo Thăng và quan điểm của luật sư bào chữa chỉ là giả thiết nên không có căn cứ để chấp nhận. Khi quyết định hình phạt, tòa cấp sơ thẩm đã căn cứ các quy định pháp luật và tuyên phạt bị cáo Thăng 13 năm tù là hoàn toàn cần thiết. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có căn cứ để giảm hình phạt cho bị cáo Đinh La Thăng.

Về bị cáo Phùng Đình Thực, HĐXX xác định, với cương vị TGĐ PVN và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nên bị cáo này phải chịu trách nhiệm về các sai phạm tại Dự án Thái Bình 2. Việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc với bị cáo là cần thiết.

Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, bị cáo Thực đã nhận có thiếu sót và không kiểm tra các vấn đề liên quan đến Dự án Thái Bình 2. Bên cạnh đó, bản thân bị cáo từng có nhiều đóng góp cho PVN; gia đình bị cáo thuộc trường hợp có công với cách mạng. Hiện bản thân bị cáo tuổi cao sức yếu và đang điều trị tim mạch. Từ khi nghỉ hưu đến nay, bị cáo vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, có đóng góp lớn cho đất nước nên có cơ sở xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với 11 bị cáo có kháng cáo trong vụ án, HĐXX phúc thẩm cho rằng, các bị cáo này đều thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Quý ban đầu cho rằng không phạm tội “Cố ý làm trái” nhưng trong phần tranh luận lại thừa nhận tội.

HĐXX đã tuyên bị cáo Phùng Đình Thực 6 năm tù (giảm 3 năm so với án sơ thẩm); Nguyễn Quốc Khánh 7 năm tù (giảm 2 năm); Vũ Đức Thuận 21 năm tù cho cả hai tội (giảm 1 năm tù); Lê Đình Mậu 3 năm 6 tháng tù (giảm 1 năm); Nguyễn Ngọc Quý 5 năm, 6 tháng tù (giảm 1 năm tù).

Tuyên y án 13 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng. Các bị cáo Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa, Bùi Mạnh Hiển, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Mạnh Tiến, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên cũng bị tuyên y án.

Về dân sự, tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên trách nhiệm dân sự đối với tất cả các bị cáo Theo đó, buộc các bị cáo bồi thường hơn 119 tỷ đồng.

Khởi tố, bắt giam Tài "mụn" và đồng bọn sát hại 2 "hiệp sĩ" TP Hồ Chí Minh

Chiều 17/5, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 3 nghi can Nguyễn Tấn Tài (Tài “mụn”, SN 1994, ngụ quận 12); Nguyễn Hoàng Châu Phú (SN 1994, ngụ huyện Hóc Môn) can tội “trộm cắp tài sản” và “giết người”. Trong khi đó Ngô Văn Hùng (SN 1986, ngụ quận Gò Vấp) bị khởi tố về hành vi “che giấu tội phạm”.

Tiêu điểm tuần: Khởi tố các đối tượng sát hại 2 “hiệp sĩ" TP Hồ Chí Minh - Ảnh 4
 “Tài mụn” và hiện trường vụ án tối 13/5

Theo hồ sơ cá nhân của 3 nghi can, “Tài mụn” có 1 tiền án về “trộm cắp tài sản” và 1 tiền sự về hành vi “đánh bạc”. Nguyễn Hoàng Châu Phú cũng từng có 1 tiền án về tội “trộm cắp tài sản”. Hùng cũng có 1 tiền án về tội “cướp giật tài sản”. Tuy nhiên, Hùng không phải là bạn tù với Tài như thông tin mạng xã hội lan truyền mà Tài quen biết với vợ của Hùng qua mạng xã hội.

Về vai trò của các nghi can, bước đầu xác định Tài là người trực tiếp cầm dao tấn công khiến 5 “hiệp sĩ” TP Hồ Chí Minh thương vong. Còn Phú không dùng hung khí tấn công các nạn nhân nhưng có tham gia với vai trò đồng phạm tích cực. Nghi can Hùng đã giúp Tài lẩn trốn sau khi đối tượng gây án.

Như đã đưa tin, khoảng 20h30 ngày 13/5, nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình gồm các anh: Trần Văn Hoàng (50 tuổi); Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy (cùng 22 tuổi); Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp); Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định, trú quận Tân); Đinh Văn Tài (27 tuổi, ngụ quận 10) và anh Lê Văn Tuyên (24 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa, trú quận 1) lưu thông trên 4 xe máy trên khu vực quận 3.

Khi nhóm đi đến khu vực Bắc Hải, quận 10 thì phát hiện Tài và Phú đi xe máy hiệu Exiter có biểu hiện trộm cắp tài sản nên tiến hành bám đuổi theo từ khu Bắc Hải, quận 10 về đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3.

Khi 2 đối tượng đi xe máy hiệu Exiter chạy đến trước số 348C đường Cách Mạng Tháng Tám thì phát hiện một xe SH đang dựng trước địa chỉ trên. Lúc này, Tài ngồi sau xe Exiter xuống xe, đi lại xe SH dùng dụng cụ bẻ khóa xe để trộm cắp tài sản. Thấy vậy, nhóm “hiệp sĩ” đường phố tổ chức vây bắt.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, qua trích xuất camera cho thấy, thời gian đối tượng rút dao tấn công các “hiệp sĩ” diễn ra trong thời gian rất nhanh, chỉ 13 giây. Trong đó, Tài là đối tượng ngồi sau, là nghi can chính, trực tiếp đâm các “hiệp sĩ”.

Sau khi đâm anh Trần Văn Hoàng, Tài chạy lên xe Phú đang đợi thì một số “hiệp sĩ” đến sau, xông vào bắt. Tài tiếp tục đâm nhóm người này.

Hậu quả đã làm 2 “hiệp sĩ” tử vong là anh Nguyễn Hoàng Nam và anh Nguyễn Văn Thôi. Anh Trần Văn Hoàng bị thương rất nặng, đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115. Trong khi đó anh Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy hiện sức khỏe ổn định hơn và đang được chăm sóc tại Bệnh viện Thống Nhất.