Tiêu điểm tuần qua: Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch HĐTV Lọc hóa dầu Bình Sơn; VKSND cấp cao đề nghị y án 13 năm tù với ông Đinh La Thăng... là nội dung chú ý tuần qua.

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII 
Sáng 12/5, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên bế mạc.
Trước phiên bế mạc, dưới sự điều hành của đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trung ương đã nghe báo cáo và tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện 3 Đề án: Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới; về cải cách chính sách tiền lương; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tiếp đó, Trung ương đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của hội nghị.
Tại hội nghị lần này, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn, các đồng chí Ủy viên Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng vào các đề án, báo cáo.
Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất thông qua 3 nghị quyết quan trọng: Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, về cải cách chính sách tiền lương; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới.
Tổng Bí thư yêu cầu, phải nghiêm túc, kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Hội nghị đã đề ra. Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ gắn với việc học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, bí thư cấp ủy các cấp; kiểm soát, quản lý tốt đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận về công tác tổ chức cán bộ...
Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm....
Trên cơ sở thống nhất đánh giá những kết quả đã đạt được, hạn chế yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được rút ra từ những lần cải cách tiền lương trước đây; phân tích, dự báo tình hình kinh tế-xã hội đất nước thời gian tới, Trung ương đã đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương với nhiều nội dung mới, có tính cải cách, đột phá, khả thi cao.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên bế mạc.
Trung ương nhấn mạnh: Việc cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Theo đó, đối với khu vực công, thiết kế cơ bản cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng.
Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo; và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỉ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc. Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng mức chi thu nhập tăng thêm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là ở vùng động lực. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị...
Đối với khu vực doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng để bảo vệ người lao động yếu thế; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ...
Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước thực hiện điều tiết tiền lương thông qua công cụ quản lý; tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương...
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách, tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập để bảo đảm đủ nguồn cho cải cách tiền lương; bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động.
Trung ương nhấn mạnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để Bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng-hưởng," "công bằng", "bình đẳng," "chia sẻ" và "bền vững." Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, sự hấp dẫn và hài lòng của người dân, cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.
Coi cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ quan trọng, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; đánh giá cao và khẳng định việc kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản, diễn ra trong không khí thẳng thắn, chân tình, cầu thị và tự phê bình sâu sắc.
Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn với quyết tâm cao hơn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, củng cố và tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Cũng tại Hội nghị này, sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, Trung ương đã kiện toàn nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bầu bổ sung 2 đồng chí vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và xem xét, quyết định thi hành kỷ luật Đảng.

Quốc hội sẽ xem xét đơn xin thôi đại biểu của bà Phan Thị Mỹ Thanh

Ngày 9/5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe.

Tiêu điểm tuần qua: Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - Ảnh 3
 

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc bà Thanh có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 24, khai mạc ngày 14/5, sẽ xem xét vấn đề này.

Theo ông Tuý, bà Thanh là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý nên phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị và Ban Bí thư để xem xét cho thôi hay bãi nhiệm bà này.

Trước đó, ngày 4/5, Ban Bí thư đã quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng của bà Thanh và đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà này theo quy định của pháp luật.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội, quyền bãi nhiệm đại biểu là của Quốc hội, còn cho thôi nhiệm vụ do Thường vụ quyết định. Luật này cũng quy định đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm, với ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Tại cuộc họp ngày 4/5, Ban Bí thư nhận thấy, trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp (năm 2003 đến tháng 1/2009), bà Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân; đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai.
Khi chuyển công tác, bà Thanh đã không bàn giao dự án cho người kế nhiệm, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.
Với cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh (thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), bà Thanh đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký quyết định số 2230, ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án lấn sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương theo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Ngoài ra, bà Thanh còn ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực bà phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách; báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình....
Trước đó tại kỳ họp 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (tháng 7/2017), cơ quan này đã kết luận về những vi phạm, khuyết điểm của bà Thanh và đưa ra kỷ luật cảnh cáo. Bà Thanh sau đó có đơn khiếu nại.
Đến kỳ họp thứ 23 (diễn ra ngày 12 và 13/3), Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo bà Thanh còn có một số vi phạm, khuyết điểm khác và đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với bà này.
Hà Nội: Điều động, bổ nhiệm 5 Phó Giám đốc Sở, Ban Quản lý dự án

Ngày 11/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao quyết định bổ nhiệm 5 Phó Giám đốc các sở, ngành TP Hà Nội.

Tiêu điểm tuần qua: Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - Ảnh 4
Lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ.

Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đã công bố các quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về điều động và bổ nhiệm đối với 5 đồng chí.

Cụ thể, tại Quyết định số 2223/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thanh (sinh ngày 22/9/1973), Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông TP Hà Nội đến nhận công tác tại Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. Ông Nguyễn Xuân Thanh được hưởng phụ cấp lãnh đạo hệ số 0,8.

Tại Quyết định số 2224/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội điều động và bổ nhiệm ông Phạm Văn Khương (sinh ngày 10/1/1963), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đến nhận công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Ông Nguyễn Phạm Văn Khương được hưởng phụ cấp lãnh đạo, hệ số 0,8.

Tại Quyết định số 2225/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội điều động và bổ nhiệm ông Lê Văn Bính (sinh ngày 20/6/1976), Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội đến nhận công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp TP Hà Nội. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. Ông Lê Văn Bính được hưởng phụ cấp lãnh đạo, hệ số 0,8.

Tại Quyết định số 2226/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Đức (sinh ngày 16/11/1977), Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đến nhận công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. Ông Nguyễn Văn Đức được hưởng phụ cấp lãnh đạo, hệ số 0,8.

Tại Quyết định số 2227/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội điều động và bổ nhiệm ông Hoàng Trọng Tùng (sinh ngày 15/1/1974), Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Giao thông TP Hà Nội, đến nhận công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. Ông Hoàng Trọng Tùng được hưởng phụ cấp lãnh đạo, hệ số 0,8.

Trao quyết định và thay mặt Ban cán sự Đảng, Tập thể UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm và bày tỏ mong muốn các đồng chí sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trên cương vị mới.

VKSND cấp cao đề nghị y án 13 năm tù với ông Đinh La Thăng
Ngày 10/5, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN), cùng các bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tiêu điểm tuần qua: Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - Ảnh 5
 
Tại bản đánh giá đọc hơn một tiếng tại phiên phúc thẩm, cơ quan công tố cho rằng trong những ngày thẩm vấn vừa qua, ông Thăng không có tình tiết giảm nhẹ mới, vì thế đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thăng và cần giữ nguyên hình phạt như án sơ thẩm - 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo kêu oan, đề nghị thay đổi tội danh nhưng kháng cáo này không có căn cứ.
Xét vai trò của bị cáo Phùng Đình Thực (cựu Tổng giám đốc PVN) trong vụ án và bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đã khắc phục toàn bộ 7,5 tỷ đồng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Thực và bị cáo Khánh mỗi bị cáo 9 năm tù.
Đối với bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC), đại diện Viện Kiểm sát xét thấy bị cáo có sự khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả nên cũng đề nghị giảm một phần hình phạt ở tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Thuận trước đó bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái”, 15 năm tù về tội “Tham ô”; tổng hợp hình phạt là 22 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến cũng được đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt tội tham ô do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo công khai tại phiên tòa có đủ cơ sở kết luận, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Sau đó, bị cáo Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Trước đó, phiên sơ thẩm vào tháng 1/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh cựu Chủ tịch HĐQT tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) án chung thân; 20 bị cáo khác nhận các bản án từ 30 tháng tù treo đến 22 năm tù giam.
Sau đó, 15 người gửi đơn kháng cáo đến cấp phúc thẩm, đa phần xin giảm nhẹ hình phạt. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh kêu oan toàn bộ kết luận của tòa sơ thẩm và mong Tòa án nhân dân Cấp cao xem xét lại tội danh, mức án.
Tuy nhiên trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo. Qua đó, Hội đồng xét xử đã đình chỉ phúc thẩm đối với Trịnh Xuân Thanh theo trình tự phúc thẩm.
Còn bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo cho rằng án sơ thẩm quá nghiêm khắc, Hội đồng xét xử chưa đánh giá phù hợp vai trò, trách nhiệm của bản thân trong vụ án xảy ra tại PVN. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến việc Hội đồng xét xử đánh giá về vai trò, trách nhiệm của bị cáo chưa phù hợp, chưa công bằng và quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc.
Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch HĐTV Lọc hóa dầu Bình Sơn
Cơ quan Cảnh sát điều tra C46 (Bộ Công an) ngày 10/5 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Chủ tịch HĐTV công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Bị can Nguyễn Hoài Giang (trái) và bị can Phạm Xuân Quang (phải). Ảnh:Bộ Công an
Theo C46, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”xảy ra tại BSR và ngân hàng Đại dương (Oceanbank) theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 55/C46-P11 ngày 13/9/2017. Vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng.
Căn cứ kết quả điều tra vụ án, ngày 10/5/2018, C46 đã ra các quyết định khởi tố bị can số 64;65; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 19; 20 và lệnh khám xét số 24,25 đối với Nguyễn Hoài Giang (SN 1968), Chủ tịch HĐTV và Phạm Xuân Quang, SN 1980, Kế toán trưởng BSR về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của bị can Giang, Quang và mở rộng điều tra đối với những đối tượng liên quan, thu hồi tài sản cho nhà nước (Oceanbank hiện là NH 100% vốn nhà nước).
BSR được thành lập ngày 9/5/2008, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD.
Đường phố Hà Nội ngập nặng sau trận mưa lớn nhất từ đầu năm

Cơn mưa lớn từ khoảng 19h ngày 12/5 đã làm nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội ngập nặng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Trường Chinh, Xuân Thủy, Thụy Khuê, Ngọc Lâm, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Giải Phóng...

 Nhiều tuyến đường Hà Nội ngập nặng sau mưa lớn.

Mưa lớn cũng khiến giao thông đoạn hầm chui Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến bị tê liệt, các phương tiện ùn ứ dài hàng trăm mét. Đây được coi là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Theo ghi nhận, khu vực quận Tây Hồ tại các phố Thụy Khuê, Văn Cao, Đội Cấn, Đốc Ngữ... nước ngập khoảng 30-50cm, nhiều điểm ngập qua đầu gối người dân.

Tương tự, khu vực quận Thanh Xuân tại các đường Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Lương bị ngập nặng. Đường ngập đã làm nhiều phương tiện bị chết máy, người dân phải khó nhọc dắt xe dầm mình trong mưa lớn.

Đến 22h30, nhiều tuyến đường vẫn còn bị ngập sâu, giao thông vẫn ùn tắc do nước ngập sâu, trời vẫn còn mưa nặng hạt dẫn đến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lượng mưa ở khu vực Hoàn Kiếm là 24,3mm; Cầu Giấy 70mm; Hoàng Cầu 15,3mm; Láng 12mm; Hoàng Quốc Việt 35,6mm; Hà Đông 35mm, Xuân Đỉnh: 67mm…

Các tuyến đường bị ngập như: Láng (Ngã Tư Sở); Trường Chinh; Hoàng Cầu; Nguyễn Xiển; Cầu Dậu; Thái Hà; Phạm Ngọc Thạch; Lương Đình Của; Nguyễn Chính (Tân Mai); Hoàng Mai; Định Công; Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy); Vân Hồ; Nguyễn Khang, Hoa Bằng.