Tiêu điểm tuần: Chính phủ lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu; Học sinh Hà Nội thi vào lớp 10; Đề xuất kỷ luật Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh... là nội dung chú ý tuần qua.

Các đại biểu Quốc hội tâm huyết, trách nhiệm, tích cực tranh luận

Sau ba ngày làm việc tích cực và trách nhiệm, chiều 06/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc các ĐB Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn.

Tiêu điểm tuần: Chính phủ lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu - Ảnh 1
 

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau ba ngày làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5.

Qua các phiên chất vấn cho thấy các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, bức xúc được đông đảo các vị ĐB Quốc hội và cử tri cũng như dư luận xã hội và Nhân dân cả nước quan tâm.

Nhìn chung, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn, đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các ĐB Quốc hội và cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Tại các phiên chất vấn đã có hơn 250 lượt ĐB Quốc hội chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời hầu hết tất cả các câu hỏi đặt ra, mặc dù Quốc hội đã dành 3 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhưng vẫn còn nhiều ĐB Quốc hội đặt câu hỏi mà chưa đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại hội trường và các thành viên Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản sau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc các ĐB Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn. Nhưng cũng còn một số ĐB đặt nhiều câu hỏi hoặc hỏi nhiều nội dung trong câu chất vấn, chất vấn quá thời gian quy định, đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm chắc tình hình thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, đã trả lời thẳng thắn và giải trình rõ nhiều vấn đề ĐB nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình và cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy Quốc hội, các ĐB Quốc hội không chỉ nêu ra những hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng Chính phủ, với các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân.

Trong những vấn đề Quốc hội, cử tri yêu cầu có nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành có thể chấn chỉnh, triển khai ngay, nhưng cũng có những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần xem xét, sửa đổi chính sách pháp luật để triển khai một cách đồng bộ mới có hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐB Quốc hội, ý kiến của cử tri và Nhân dân gửi đến các kỳ họp.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Chính phủ đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu
Chính phủ vừa thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc trình Quốc hội xem xét lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa 14) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Theo thông báo gửi lúc 3h sáng, Chính phủ cho hay việc đề nghị lùi thông qua Luật Đặc khu được thực hiện sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước.
Dự Luật Đặc khu đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn. Dự Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Chính phủ đánh giá, việc lùi thông qua Dự Luật vào kỳ họp thứ 6 là để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 6 Chương 85 Điều, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 15/6.
Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm) và một số ưu đãi được cho không cần thiết. Giải trình ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận ngày 23/5, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị "cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây là một chính sách vượt trội".
Chỉ trong bốn ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần trao đổi với báo giới về một số vấn đề được dư luận quan tâm trong dự luật.
Ngày 4/6, Thủ tướng nói thời hạn cho thuê đất 99 năm không phải là điểm mấu chốt trong dự Luật mà với đặc khu, điều quan trọng là tạo cơ chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Sáng 7/6, Thủ tướng cho hay, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để có điều chỉnh phù hợp với tình hình; cùng với các giải pháp khác "đảm bảo quốc gia trường tồn, độc lập, phát triển bền vững".
Học sinh Hà Nội thi vào lớp 10 bị lọt đề Ngữ Văn, Toán
Ngày 7/6, gần 95.000 thí sinh Hà Nội bắt đầu dự thi vào lớp 10 THPT. Sau đó, hơn 8.800 thí sinh đăng ký vào 4 trường THPT chuyên của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội thi môn điều kiện tiếng Anh vào ngày 8/6.
 
Trong kỳ thi vào ngày 7/6, đã có hiện tượng đề thi Ngữ Văn được tuồn ra ngoài sau thời điểm tính giờ làm bài khoảng 60 phút
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đã khẩn trương phối hợp với Công an thành phố xác minh sự việc này. Theo nghi vấn của cơ quan điều tra, có thể đối tượng đã sử dụng thiết bị công nghệ cao để chụp đề thi và gửi ra ngoài.
Vào chiều cùng ngày 7/6, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội xác nhận đề thi Toán bị lọt ra ngoài khi chưa kết thúc thời gian làm bài thi. Thầy giáo tại điểm thi Trường THPT Vân Nội đã chụp ảnh đề Toán tung lên mạng sau thời gian làm bài khoảng hơn 1 tiếng.
Sở GD&ĐT Hà Nội xác nhận: Giáo viên Nông Hoàng Phúc, giáo viên Trường THCS Mai Đình - Sóc Sơn là cán bộ coi thi số 2 của điểm thi THPT Vân Nội đã mang điện thoại vào phòng thi truyền đề ra ngoài.
Giáo viên này đã khai nhận hành vi và thừa nhận mình cũng là người đã tung đề thi Ngữ Văn lên mạng vào sáng nay. Đây là hiện tượng để lọt đề thi. Việc này không ảnh hưởng đến kết quả bài thi của thí sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội đang phối hợp với Công an Hà Nội để điều tra mở rộng.
Đề xuất kỷ luật Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang
Liên quan việc chuyển nhượng đất tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè do Công ty Tân Thuận (100% vốn Thành ủy TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
 
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ ra những vi phạm của ông Cang như: quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp Nhà nước, về kinh doanh bất động sản, không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh và thiếu kiểm tra trong kiểm tra thực hiện các quyết định của mình.
Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để gửi báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Trong vụ việc này, Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết đã cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Công Thiện, Bí thư Chi bộ, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.
Dự án Khu dân cư Phước Kiển do Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư được UBND TP chấp thuận địa điểm đầu tư tại Công văn số 4051/UBND-ĐTMT, ngày 10/8/2009.
Công ty Tân Thuận đã thực hiện thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân với diện tích 331.100,6m2 từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh và vốn vay của doanh nghiệp để thực hiện dự án. Tuy nhiên, công ty chưa tiến hành các thủ tục đầu tư, dẫn đến dự án hết hạn vào ngày 31/12/2013.
Trong quá trình thực hiện hợp tác, chuyển nhượng phần đất đã đền bù nêu trên, công ty Tân Thuận đã tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Văn phòng Thành ủy về việc chỉ định hợp tác, chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là thực hiện không đúng quy định.
Tập thể lãnh đạo Công ty đã không họp bàn bạc, thảo luận để thống nhất chủ trương chuyển nhượng và giá chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, dẫn đến việc đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo giá trị ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng và thấp hơn giá do Hội đồng thẩm định giá Thành phố thẩm định.
Đồng thời, giá bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng thấp hơn giá do công ty xây dụng phương án giá dự kiến thỏa thuận đền bù tiếp theo với người dân. Vì vậy, ngày 18/4/2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã kết luận yêu câu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng.
Việc hủy hợp đồng chuyển nhượng nêu trên, qua đàm phán chưa gây thiệt hại kinh tế cho Công ty Tân Thuận, tuy nhiên đã gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng bộ thành phố và của công ty Tân Thuận.
Những khuyết điểm, vi phạm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Công ty Tân Thuận. Vụ việc sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được Ban Thường vụ Thành ủy phát hiện, chỉ đạo xử lý ngăn chặn kịp thời.
VTV đã có bản quyền phát sóng World Cup 2018
Đêm 7/6, công ty Infront Sports & Media đã gửi thông báo, chấp thuận bán bản quyền phát sóng toàn bộ 64 trận đấu cho Đài truyền hình quốc gia Việt Nam. Dự kiến, tất cả các trận đấu của World Cup 2018 sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV6.

VTV chiều 7/6 đã đưa ra mức giá đề xuất cuối cùng với Infront Sports & Media - đơn vị sở hữu bản quyền của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á.
Và đến đêm cùng ngày, công ty có trụ sở ở Thuỵ Sĩ, nhưng thuộc tập đoàn Dalian Wanda Group của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin, đã hồi đáp. Họ đồng ý với mức trả giá mà VTV đưa ra. Đôi bên sẽ tiến hành ký hợp đồng chính thức trong vài ngày tới.
Việt Nam là thành viên cuối cùng thuộc FIFA mua bản quyền truyền hình World Cup 2018. Theo phụ lục do FIFA công bố hôm 2/6, 218 trong 219 quốc gia và vùng lãnh thổ đã sở hữu quyền phát sóng giải đấu.
Chi tiết hợp đồng không được công bố, nhưng số tiền VTV phải chi năm nay thấp hơn hoặc bằng mức 7 triệu đôla mà họ đã bỏ ra ở World Cup 2014.
Một lãnh đạo VTV đã khẳng định ở các giải bóng đá lớn trước đây như World Cup hay Euro, tiền quảng cáo thu về không thể bù đắp chi phí bỏ ra, thậm chí thường xuyên lỗ khoảng 40% đến 50%. Chính vì vậy năm nay VTV không mua bằng mọi giá, dẫn đến việc đàm phán kéo dài.
Vào phút chót, một doanh nghiệp lớn của Việt Nam được cho là đồng ý tài trợ 5 triệu đôla để VTV có thêm kinh phí. Nhờ đó, sự việc được chốt lại bảy ngày trước khi giải đấu khởi tranh ở Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần