Tiêu điểm tuần qua: Chủ tịch nước giáng bậc hàm 2 tướng công an

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang giáng bậc hàm 2 tướng công an; Đà Nẵng đề nghị khai trừ Đảng cựu Chủ tịch Trần Văn Minh; Hà Nội xây dựng chính quyền đô thị một cách thận trọng, chặt chẽ... là nội dung chú ý tuần qua.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang giáng bậc hàm 2 tướng công an
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang ký các quyết định giáng cấp bậc hàm cấp tướng Công an nhân dân. Ngày 9/8, theo thông tin từ Văn phòng Chủ tịch nước, tại Quyết định số 1387/QĐ-CTN, giáng cấp bậc hàm Thượng tướng Trần Việt Tân xuống Trung tướng và Quyết định số 1388/QĐ-CTN, giáng cấp bậc hàm Trung tướng Bùi Văn Thành xuống Đại tá. 2 Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
 
Trước đó, chiều 8/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định thi hành kỷ luật đối với các ông: Trần Việt Tân - Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an và Bùi Văn Thành - Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Cụ thể, theo Quyết định số 988/QĐ-TTg, Thủ tướng thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách Thứ trưởng Bộ Công an giai đoạn 2011 - 2016 đối với ông Trần Việt Tân - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 822-QĐNS/TW ngày 31/7/2018.
Theo Quyết định số 989/QĐ-TTg, Thủ tướng thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Thứ trưởng Bộ Công an đối với ông Bùi Văn Thành, do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 823-QĐNS/TW ngày 31/7/2018.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Tờ trình Chủ tịch nước giáng cấp bậc hàm từ Thượng tướng xuống Trung tướng đối với ông Trần Việt Tân và giáng cấp bậc hàm từ Trung tướng xuống Đại tá đối với ông Bùi Văn Thành.
Liên quan đến việc kỷ luật ông Trần Việt Tân và ông Bùi Văn Thành, ngày 28/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thi hành kỷ luật cán bộ.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 130-TTr/UBKTTW, ngày 27/7/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Chính trị nhận thấy:
Trung tướng Bùi Văn Thành, với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật. Cá nhân Trung tướng Bùi Văn Thành đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật; vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an; ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công; tự ý ký quyết định cho Phan Văn Anh Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phan Văn Anh Vũ không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.
Những vi phạm của Trung tướng Bùi Văn Thành gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Công an và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu và bức xúc trong xã hội. Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010 - 2015). Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với Trung tướng Bùi Văn Thành, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.
Sau khi xem xét Tờ trình số 131-TTr/UBKTTW, ngày 27/7/2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Thượng tướng Trần Việt Tân - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Chính trị nhận thấy:
Thượng tướng Trần Việt Tân, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, đã ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của ngành Công an và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu trong xã hội. Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Thượng tướng Trần Việt Tân bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với Thượng tướng Trần Việt Tân bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.
Kiểm điểm 67 cá nhân và tập thể để xây dựng trái phép ở Tràng An
Liên quan đến vụ việc “Công trình “khủng” xâm hại di sản Tràng An” tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Ninh Bình đã có kết quả kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo Kết luận Thanh tra số 27/KL-UBND ngày 7/6/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình.
 
Theo đó, có 14 tập thể phải kiểm điểm vì có liên quan đến vụ việc. Trong đó, “Khiển trách” 3 tập thể gồm: Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và Phòng Quản lý du lịch thuộc Sở Du lịch Ninh Bình; UBND xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. 11 tập thể kiểm điểm “Rút kinh nghiệm”.
Có 53 cá nhân phải kiểm điểm, trong đó 2 cá nhân gồm: ông Bùi Việt Thắng - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và ông Nguyễn Đức Lợi - Chủ tịch UBND xã Trường Yên (Hoa Lư) nhận hình thức kiểm điểm “Khiển trách”; Kiểm điểm “Rút kinh nghiệm” 51 cá nhân.
Trước việc các cá nhân và tập thể nhận hình thức kiểm điểm, trách nhiệm có liên quan đến sai phạm nghiêm trọng… quá nhẹ, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản “hỏa tốc” yêu cầu các tập thể, cá nhân phải nhận lại hình thức điểm điểm, đúng với trách nhiệm.
Theo Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Ninh Bình về những sai phạm của Công ty CP Du lịch Tràng An, hàng loạt Giám đốc Sở tại Ninh Bình cũng như nhiều tập thể và cá nhân “dính tràm” vì có liên quan đến vụ việc. Theo báo cáo thì các cá nhân Giám đốc Sở cũng như tập thể các Sở này đa số chỉ nhận hình thức kiểm điểm “Rút kinh nghiệm”.
Việc xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại núi Cái Hạ, xâm hại, phá vỡ cảnh quan vùng lõi di sản nhân loại Tràng An kiểu “Rút kinh nghiệp toàn tập” khiến dư luận bất bình, cho rằng đó là mức xử lý quá nhẹ, không thể chấp nhận được!
Hà Nội xây dựng chính quyền đô thị một cách thận trọng, chặt chẽ
Ngày 9/8, tại UBND quận Hà Đông, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, các Hội nghị T.Ư, nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị các cấp nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan T.Ư của toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, cũng là TP lớn với mật độ dân số cao.
Khu vực đô thị của TP với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng cơ bản đồng bộ, thống nhất và tương đối hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, phường. Khu vực nông thôn và đô thị cũng không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý.
Tại các huyện, xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của Nhân dân có sự đan xen giữa các yếu tố của nông thôn và đô thị và ngày càng phát triển theo hướng đô thị hóa....
Tuy nhiên, tổ chức chính quyền các cấp ở TP Hà Nội hiện nay trên thực tế còn có một số hạn chế, bất hợp lý, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng.
Với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử, cuộc cách mạng 4.0 và hình thành các đô thị thông minh hiện nay đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, phương thức quản lý, tác động đến các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân, DN và xã hội.
Tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã “đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.
Hà Nội là địa phương đầu tiên được T.Ư và Chính phủ giao cho xây dựng mô hình chính quyền đô thị, theo hướng xây dựng mô hình chính quyền đô thị Hà Nội với đặc trưng Thủ đô và đô thị đặc biệt đang trong quá trình đô thị hóa nhanh.
“Xuất phát từ những căn cứ, cơ sở thực tiễn trên, việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền TP Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Đồng thời, nêu rõ mục tiêu của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).
Tại hội nghị, đa số các đại biểu tán thành thiết kế mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo phương án 1. Đó là, xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và cấp quận huyện); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn).
Trân trọng tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng của các đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, nhiều ý kiến phát biểu tập trung làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Trên cơ sở nhất trí tổ chức mô hình thí điểm với phương án 1, các ý kiến đã tập trung làm rõ hơn về cơ sở đề xuất mô hình. Đánh giá, bổ sung những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án. Đánh giá những hạn chế, vướng mắc, những thuận lợi và khó khăn trên thực tế đối với bộ máy chính quyền cấp huyện và cấp xã.
Đánh giá tác động đến việc phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương và cuộc sống của người dân khi thực hiện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT. Đặc biệt là gắn việc xây dựng chính quyền đô thị với xây dựng thành phố thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Về tổ chức, hoạt động và mối quan hệ của tổ chức Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong mô hình bao gồm mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền các cấp; mối quan hệ giữa cấp ủy với các đảng viên hoạt động trong HĐND, UBND; giữa người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu HĐND, UBND; mối quan hệ giữa Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội với chính quyền các cấp, đảm bảo giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong đó, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân thông qua hoạt động giám sát, đối thoại…
Về lộ trình tổ chức và các giải pháp để thực hiện Đề án, các ý kiến cho rằng cần phải thận trọng, chặt chẽ, tăng cường các điều kiện đảm bảo thực thi thông qua việc động viên hợp lý các nguồn lực tài chính, thực hiện cân đối ngân sách tích cực và sự đồng tâm nhất trí, sự tham gia của các Bộ, Ban ngành T.Ư, các cơ quan Đảng của TP, chính quyền TP và chính quyền các cấp thuộc TP, MTTQ và các Đoàn thể của TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, khi Đề án đã được thông qua thì phải thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Trong quá trình thực hiện, cần làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức từ TP đến cơ sở, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Hà Nội: Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 17 lãnh đạo sở, ngành

Ngày 10/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao quyết định bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cho 17 lãnh đạo các sở, ngành TP Hà Nội.

 

Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng công bố các quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 17 đồng chí.

Cụ thể, Quyết định số 3765-QĐ/UBND ngày 26/7/2018 kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đối với ông Vũ Ngọc Minh, sinh ngày 5/4/1959 đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Quyết định số 3766-QĐ/UBND ngày 26/7/2018 bổ nhiệm bà Nguyễn Thúy Hằng, sinh ngày 15/01/1972. Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo Thanh tra TP Hà Nội giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội.

Quyết định số 3767-QĐ/UBND ngày 26/7/2018 bổ nhiệm lại ông Nguyễn Tất Vinh, sinh ngày 20/7/1962 tiếp tục giữ chức vụ Trưởng ban Ban Dân tộc TP Hà Nội đến thời điềm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Quyết định số 3768-QĐ/UBND ngày 26/7/2018 bổ nhiệm lại ông Tô Văn Động, sinh ngày 01/01/1961, Thành ủy viên, tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đến thời điềm đủ tuổi nghi hưu theo quy định.

Quyết định số 3769-QĐ/UBND ngày 26/7/2018 bổ nhiệm lại ông Nguyễn Huy Đăng, sinh ngày 16/7/1961, tiếp tục giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn TP Hà Nội đến thời điểm đủ tuổi nghi hưu theo quy định.

Quyết định số 4094-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm lại bà Nguyễn Thị Thúy, sinh ngày 08/8/1968, tiếp tục giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây.

Quyết định số 4095-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, sinh ngày 25/9/1969, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội.

Quyết định số 4096-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Nghĩa, sinh ngày 09/8/1963, Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội.

Quyết định số 4097-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm lại ông Phạm Văn Đại. sinh ngày 17/8/1961, tiếp tục giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Quyết định số 4098-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 điều động, bổ nhiệm ông Võ Tuấn Anh, sinh ngày 28/11/1973, nguyên Phó trưởng ban phụ trách Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội đến nhận công tác tại Văn phòng UBND TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chánh VP UBND TP Hà Nội.

Quyết định số 4099-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm lại ông Nguyễn Trọng Đông, sinh ngày 3/9/1969, Thành ủy viên, tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội.

Quyết định số 4100-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm lại ông Đặng Vũ Tuấn sinh ngày 08/4/1961, tiếp tục giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đến thởi điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Quyết định số 4101-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm lại ông Nguyễn Xuân Quang, sinh ngày 15/8/1961, tiếp tục giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Quyết định số 4102-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm lại ông Phạm Thanh Cao, sinh ngày 04/9/1965, tiếp tục giữ chức vụ Phố Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội.

Quyết định số 4103-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm lại ông Nguyễn Anh Tuấn, sinh ngày 30/4/1962, tiếp tục giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Quyết định số 4104-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 bổ nhiệm lại ông Bùi Văn Định sinh ngày 26/12/1963, tiếp tục giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội.

Quyết định số 4105-QĐ/UBND ngày 9/8/2018 kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội đối với ông Trần Văn Hải, sinh ngày 30/7/1959, đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Phát biểu giao nhiệm vụ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP chúc mừng 17 đồng chí được nhận quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đồng thời mong muốn các đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.

“Thời gian qua, các đồng chí nỗ lực phấn đấu, được sự tín nhiệm của tập thể, đảng ủy nơi công tác. Trong thời gian tới, các đồng chí tiếp tục phát huy sở trường năng lực trên tinh thần đoàn kết, đạt nhiều thành tích, hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc hơn nữa”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bầy tỏ.

Thay mặt cho các lãnh đạo được bổ nhiện lại, kéo dài thời gian công tác, Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao Hà Nội Tô Văn Động bày tỏ xúc động được Thành ủy, UBND TP tin tưởng, giao nhiệm vụ tiếp tục làm Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao.

Nhận thức trách nhiệm nặng nề, ông Tô Văn Động hứa cá nhân mình nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ và cùng với lãnh đạo Sở giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất.

Đại diện các đồng chí mới được bổ nhiệm, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội cảm ơn lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội tín nhiệm, trao cương vị mới. Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh hứa sẽ cùng với lãnh đạo sở tăng cường khối đoàn kết, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo “Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021”

Ngày 9/8, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo “Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021”. Tới dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, quá trình sáp nhập, chia, tách ĐVHC trong từng giai đoạn của đất nước đã đạt một số kết quả tích cực, song việc chia tách các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng dẫn đến một số bất cập, trong đó việc tăng số ĐVHC các cấp khiến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, tăng chi NSNN...

Vì vậy, Đề án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021 cơ bản sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định; từ 2022-2030 hoàn thành sắp xếp các ĐCHC cấp huyện, cấp xã không đạt hai tiêu chuẩn này.

Tại hội nghị có hơn 10 ý kiến tham luận của các địa phương, bộ ngành trên cả nước, hầu hết cho rằng: Sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã không đạt tiêu chuẩn diện tích, dân số là chủ trương đúng đắn, sẽ giúp tăng quy mô ĐVHC để góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tinh gọn số ĐVHC, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, xây trụ sở…; từ đó tăng chi đầu tư, chi cho an sinh xã hội. Song, vẫn cần đảm bảo ổn định xã hội, tạo thuận lợi cho quản lý Nhà nước cũng như đảm bảo lợi ích người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về mục tiêu, số lượng, lộ trình sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã từ nay đến 2021; về việc lấy ý kiến mà không được trên 50% cử tri đồng ý; về các yếu tố đặc thù của các địa phương… và nhất là băn khoăn về giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức (CBCC) diện dôi dư sau sắp xếp.

Tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Với việc ban hành Nghị quyết 18 của T.Ư và một số nghị quyết của UBTV Quốc hội, Chính phủ, đã đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý để xây dựng Đề án, và Bộ Nội vụ đã tích cực triển khai, lấy ý kiến rộng rãi từ các địa phương để xây dựng dự thảo.

Đa số ý kiến thống nhất từ nay đến 2021 sẽ sắp xếp 16 ĐVHC cấp huyện và 637 ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số. “Đây là số ĐVHC cấp huyện, xã buộc phải xem xét sắp xếp từ nay đến 2021. Song, nếu các địa phương mở rộng thêm số ĐVHC sẽ sắp xếp thì Bộ Chính trị, Chính phủ rất khuyến khích.

Căn cứ tiêu chuẩn diện tích, dân số chỉ là điều kiện ban đầu, bởi 1 ĐVHC được hình thành trên cơ sở nhiều yếu tố, nên cũng cần xem xét các yếu tố đặc thù khác như điều kiện địa lý tự nhiên, truyền thống lịch sử, lối sống cộng đồng..., kể cả yếu tố tôn giáo, nếu ảnh hưởng đến an toàn xã hội và đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cần đánh giá rất cụ thể, thực tế, toàn diện chứ không thể cơ học, máy móc”, đồng chí nhấn mạnh, và cho rằng: Dù một ĐVHC không đạt tiêu chuẩn diện tích, dân số nhưng do có nhiều yếu tố đặc thù mà nếu sáp nhập vào ĐVHC khác sẽ làm xáo trộn, bất ổn nhiều mặt thì cân nhắc kỹ, có thể không sáp nhập.

Ví dụ ở TP lớn như Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có tiêu chí về diện tích không đủ nhưng nếu cứ sáp nhập vào quận Ba Đình thì không phù hợp. Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục lấy ý kiến để xem xét bổ sung các yếu tố đặc thù.

“Chúng ta không máy móc phải sắp xếp đúng 16 ĐVHC cấp huyện, 637 ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% tiêu chí diện tích, dân số. Đó chỉ là con số thống kê, còn khi xây dựng triển khai đề án thì cần tính kỹ, con số này sẽ khác”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ: Việc điều chỉnh địa giới ĐVHC phải có trên 50% cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới được trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Vì vậy, cần thực hiện đúng quy định hiện hành, để thể hiện đúng bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân; những vấn đề liên quan trực tiếp đến Nhân dân thì cần tôn trọng ý kiến Nhân dân. Cách tổ chức lấy ý kiến cần tính toán kỹ để phản ánh đúng nguyện vọng Nhân dân, có tính đại diện.

Cũng cần nhận thức rằng, sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã là chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, nên các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương phải tăng tuyên truyền vận động để Nhân dân hiểu được cụ thể vấn đề, thì sẽ ủng hộ.

Về các văn bản pháp luật để thực hiện, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị UBTV Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết riêng về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã để thực hiện Nghị quyết 18, trong đó cần quy định trình tự, thủ tục rút gọn, đơn giản để tạo thuận lợi khi lập, trình cấp có thẩm quyền về đề án này; quy định rõ chế độ với các CBCC dôi dư sau sắp xếp.

Đặc biệt, yêu cầu chính trị và phát triển KT-XH đất nước đòi hỏi sắp xếp lại các ĐVHC song vẫn cần trân trọng đóng góp của những CBCC, người không chuyên trách thuộc diện dôi dư đã đóng góp rất lớn trong củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ ổn định chính trị xã hội.

“Cần có chế độ thỏa đáng chứ không thể “vắt chanh bỏ vỏ”, vận động họ tiếp tục tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở, làm chỗ dựa cho chính quyền địa phương. Vì vậy, phải tuyên truyền thật tốt để cả xã hội có đồng thuận cao”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.