Tiêu điểm tuần qua: Chủ tịch nước yêu cầu xử nghiêm bạo hành trẻ

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch nước yêu cầu xử nghiêm các vụ bạo hành trẻ, kiểm tra việc lát đá vỉa hè kém chất lượng tại Hà Nội; vừa thu phí trở lại, BOT Cai Lậy liên tục xả trạm... là nội dung chú ý tuần qua.

Chủ tịch nước yêu cầu xử nghiêm các vụ bạo hành trẻ
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận - Ảnh: TTO

Chiều 28/11, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn số 1581/VPCTN-TH gửi Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương.

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.

Trước tình hình này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, nhất là chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Luật trẻ em năm 2016.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật tại các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ trong cả nước để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.

Nhiều vụ bạo hành trẻ em thời gian qua gây bức xúc trong dư luận.Điển hình là vụ sát hại cháu bé 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa, vụ việc bảo mẫu ở Hà Nam tung trẻ hơn 1 tháng tuổi, vụ việc bé gái bị bạo hành bằng sắt nung đỏ dí vào mặt và tay ở Kiên Giang, vụ việc chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh hành hạ trẻ em ở TP.HCM...

Đối với vụ cháu bé bị sát hại ở Thanh Hóa, ngày 30/11, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ việc bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em mà báo chí phản ánh vừa qua, cũng như các vụ việc tương tự khác để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

"Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Riêng vụ sát hại bé gái 20 ngày tuổi ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Phó thủ tướng chỉ đạo làm rõ hoạt động mê tín dị đoan của thầy bói dẫn đến hậu quả gây án giết người như báo chí nêu; nếu đúng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hình sự. Các đơn vị được giao nhiệm vụ báo cáo kết quả xử lý lên Thủ tướng trước ngày 31/12.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2017

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2017 

Ngày 1/12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phiên họp Chính phủ diễn ra 1 ngày, dự kiến thảo luận về một số nội dung trọng tâm gồm tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng; các dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; về y tế và dân số; sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch…

Chính phủ cũng xem xét các báo cáo tổng hợp đề xuất xây dựng các luật, pháp lệnh; sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020; Đề án cơ cấu lại đầu tư công…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tháng 11 vừa qua có nhiều sự kiện lớn của đất nước. Quốc hội họp kỳ họp thứ 4, có những nghị quyết quan trọng cho năm 2018 và một số nghị quyết khác về giám sát tối cao, thông qua 6 luật. Phục vụ kỳ họp với tinh thần chủ động, các thành viên Chính phủ đã tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt, đồng thời cũng đưa ra một số vấn đề về bất cập, tồn tại mà cơ quan điều hành cần tiếp tục phấn đấu tốt hơn nữa, triển khai tốt hơn nữa các nghị quyết của Quốc hội.

Trong tháng 11, chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, từ nội dung đến công tác lễ tân, hậu cần, an ninh…, được nhiều đại biểu từ các nền kinh tế đánh giá cao.

Tại phiên họp, Thủ tướng nêu một số tồn tại, bất cập để “các thành viên Chính phủ góp ý kiến một cách thẳng thắn nhất”. Đó là thiên tai gây thiệt hại lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung khắc phục, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tiếp tục triển khai “chứ không phải qua bão là thôi”.

Giải ngân vốn đầu tư còn chậm, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như bạo hành trẻ em, nhất là cấp mẫu giáo; lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo; đầu tư tiền ảo, vấn đề hàng giả, hàng nhái; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; hóa chất nhỏ lẻ độc hại…

Vừa thu phí trở lại, BOT Cai Lậy liên tục xả trạm

BOT Cai Lậy liên tục xả trạm sau 3 ngày thu phí. Ảnh Vnexpress.

Dù đã chuẩn bị sẵn tiền lẻ để trả lại cho tài xế nhưng trong ngày thứ 3 thu phí, Trạm BOT Cai Lậy vẫn rơi vào tình trạng ách tắc và tiếp tục phải xả trạm.

Sau khi tạm dừng hoạt động để xin ý kiến của các cơ quan liên quan, ngày 2/12, Trạm BOT Cai Lậy trở lại thu phí bình thường. Rút kinh nghiệm từ hai ngày trước đó, đơn vị thu phí đã có phương án chuẩn bị tiền lẻ để thối lại cho tài xế nhưng vì nhiều nguyên nhân, tình trạng ách tắc giao thông tại khu vực trạm vẫn xảy ra khiến đơn vị thu phí tiếp tục phải xả trạm.

Sáng 2/12, hoạt động thu phí ở Trạm BOT Cai Lậy diễn ra tương đối ổn định do lượng phương tiện đi qua trạm ít hơn thường ngày. Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng 12h cùng ngày, lượng xe đông dần cộng với việc nhiều tài xế có những hành động cản trở, phản đối việc thu phí khiến cho tình trạng ùn tắc ở khu vực trạm trở nên nghiêm trọng.

Trước tình trạng đó, khoảng 12h40, Trạm BOT Cai Lậy buộc phải xả trạm nhằm tránh ùn tắc kéo dài. Trước đó khoảng một giờ đồng hồ, Trạm này cũng đã phải xả ở chiều hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ khoảng 5 phút vì áp lực tắc nghẽn giao thông. Đến khoảng 13h, Trạm mới bắt đầu thu phí trở lại.

Như vậy trong 3 ngày đầu tiên tiến hành thu phí, Trạm BOT Cai Lậy đã liên tục phải xả trạm do vấp phải sự phản đối của các tài xế đi qua đây. Nhiều tài xế đã gây khó khăn cho hoạt động thu phí bằng cách đưa tiền lẻ, tiền mệnh giá cao hoặc bấm còi inh ỏi phản đối hoạt động của trạm. Dù ngày 2/12, đơn vị thu phí đã chuẩn bị tiền lẻ để trả lại cho tài xế khi có yêu cầu nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số Thủ đô năm 2017

  Lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội chụp ảnh cùng các người có uy tín, trưởng thôn,

người DTTS tại có thành tích xuất sắc tại Hà Nội.

Sáng 2/12, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số (DTTS) Thủ đô đã có thành tích xuất sắc năm 2017.

Tới dự buổi Lễ có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng, đồng chí Hà Ngọc Chiến Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Về phía Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà và gần 300 người có uy tín, trưởng thôn, người DTTS trên địa bàn Hà Nội.

Trên địa bàn Hà Nội, đồng bào DTTS sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, với trên 92.000 người, thuộc 50 thành phần dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao… Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS của Thủ đô.

Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các xã vùng DTTS bình quân hàng năm đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm. 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Bên cạnh đó, đời sống văn hóa của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt kết quả tích cực. 63% thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, 83,47% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Để đạt được những kết quả nêu trên, ngoài sự cố gắng của các cấp, các ngành TP, còn có phần đóng góp tích cực của người có uy tín, trưởng thôn và người DTTS tiêu biểu suất sắc. Đó là những người đã có nhiều đóng góp trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương vùng DTTS và miền núi Thủ đô.

Bằng uy tín của mình, họ đã tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…

Họ đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước đến tận xóm, làng, thôn, bản, gia đình, họ tộc.

Lễ tuyên dương những người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số đã có thành tích xuất sắc trong năm 2017 là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng cũng như thực hiện lời dạy của Bác Hồ về phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc và cộng đồng, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc.
UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban tháng 11/2017 

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban công tác tháng 11/2017 của UBND TP. 

Sáng 28/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị giao ban của UBND TP Hà Nội tháng 11 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 năm 2017. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, kinh tế - xã hội năm 2017 của Hà Nội đạt được kết quả khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá, hoàn thành kế hoạch đề ra, đạt 8,5%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5% (cách tính mới tăng 7,3%). Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7%. Thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,05-3,11%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước tăng 10,3%; tín dụng ngân hàng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và vốn cho sản xuất.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 11,54 tỷ USD, tăng 8%. khách du lịch ước đạt 23,83 triệu lượt người, tăng 9%. Trong đó, khách quốc tế 4,95 triệu lượt, tăng 23%.

Thu ngân sách trên TP Hà Nội năm 2017 vượt kế hoạch: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán, tăng 15,7% so thực hiện năm 2016. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 75,205 nghìn tỷ đồng.

TP quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới (NTM). Đã có thêm 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đạt chuẩn NTM nâng tổng số lên 4 huyện NTM. Thêm 30 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 285 xã NTM, đạt 73,8%.

Thu hút vốn đầu tư tăng cao, chỉ số PCI tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; DN kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%. Phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét: Cấp đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 DN, tăng 11%, vốn đăng ký 240.000 tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số DN trên địa bàn là 231,92 nghìn DN.

Để khắc phục những tồn tại trên và thực hiện năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”, năm 2018, TP đặt ra mục tiêu tổng quát là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng NTM và bảo vệ môi trường. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trục vớt quả bom dưới chân cầu Long Biên

Trục vớt thành công quả bom dưới chân cầu Long Biên. Ảnh Tiền phong.

Chiều 28/11, lực lượng bộ đội công binh thuộc Bộ Tư lệnh công binh (Bộ Quốc phòng) phối hợp với lực lượng công binh của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thực hiện phương án trục vớt quả bom nằm tại Km 183 dưới lòng sông Hồng đoạn chảy trụ P13 của cầu Long Biên, được người dân phát hiện hôm 26/11.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy quân sự quận Long Biên (TP Hà Nội), quả bom có đường kính từ 0,5 - 0,6m, dài khoảng 2,5m, nặng khoảng 1,4 tấn, nằm sâu dưới mặt nước khoảng 6m từ thời chiến tranh chống Mỹ.

Trong thời điểm di chuyển quả bom, vẫn có rất đông người dân tụ tập phía trên cầu Long Biên, một số phương tiện thủy vẫn hoạt động gần khu vực quả bom, buộc các lực lượng chức năng phải nhắc nhở.

Khoảng 13h30 phút, lực lượng công binh đã di chuyển bằng thuyền ra vị trí chiếc can nhựa đã được buộc dây để đánh dấu vị trí quả bom.

Sau khi tiếp cận và xác định chính xác vị trí quả bom, các chiến sĩ công binh đã quăng dây xuống nước cho đội người nhái (thợ lặn) nhẹ nhàng buộc vào quả bom, vừa kéo vừa đỡ phía dưới từ từ di chuyển về phía bờ sông.

Khoảng 14h 30 phút, quả bom đã được lực lượng công binh lai dắt vào cảng quân sự thuộc địa phận phường Bồ Đề, quận Long Biên (TP Hà Nội) và được cẩu lên xe ô tô, chờ đưa đến địa điểm an toàn để xử lý.