Tiêu điểm tuần qua: Đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Bí thư Đà Nẵng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề nghị Bộ Chính trị, Trung ương xem xét, kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh; Tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm; lùm xùm vụ Cục phó bị mất tiền khi đi thanh tra doanh nghiệp... là nội dung chú ý tuần qua.

Đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Bí thư Đà Nẵng

Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.

Ngày 29/9/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 18. Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét việc thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và đồng chí Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về các vi phạm, khuyết điểm như đã kết luận tại Kỳ họp 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việc kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân nêu trên tại các tổ chức đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng theo kế hoạch của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và các cá nhân được kiểm tra thống nhất với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng việc kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Đà Nẵng là đúng đắn, kịp thời; những vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra là bài học sâu sắc cho công tác xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền TP.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Xuân Anh và đồng chí Huỳnh Đức Thơ đã được kết luận tại Kỳ họp 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền TP, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau khi xem xét, cân nhắc nhiều mặt, căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Huỳnh Đức Thơ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đồng chí Nguyễn Xuân Anh theo thẩm quyền.

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho ý kiến một số vấn đề quan trọng khác.

Bắt Kế toán trưởng PVN và 3 bị can "trốn nã" thuộc Oceanbank Hải Phòng

Ngày 26/9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông tin ra lệnh bắt tạm giam Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính, kế toán và Kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Bị can Lê Đình Mậu, (SN 1972, quê tại Thanh Hóa), Kế toán trưởng của PVN bị bắt vì liên quan đến vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên.

Lê Đình Mậu là cử nhân Kinh tế, từ năm 2003 công tác tại Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Năm 2012, ông Mậu giữ chức Trưởng Ban kiểm soát Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam. Sau đó được bổ nhiệm chức Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính, Kế toán và Kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

  Ông Lê Đình Mậu.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 3 đối tượng khác, gồm: Vũ Hồng Chương (64 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (QLDA ĐLDK TB2) thuộc PVN; Trần Văn Nguyên (38 tuổi, trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Kế toán trưởng QLDA ĐLDK TB2 và Nguyễn Ngọc Quý (64 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Cả 4 đối tượng nêu trên bị khởi tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Theo Cơ quan An ninh điều tra, liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng vụ án. Theo đó bị can Lê Đình Mậu bị bắt giữ để làm rõ số tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra đã bắt giữ ông Vũ Đức Thuận cùng một số cá nhân khác tại PVC để điều tra làm rõ những sai phạm.

* Bộ Công an vừa phát đi thông báo đã bắt được 3 bị can là Giám đốc và cán bộ Ngân hàng Oceanbank chi nhánh Lê Trân (Hải Phòng) đang trong quá trình trốn truy nã tại TP HCM.

Giám đốc và cán bộ Ngân hàng Oceanbank chi nhánh Lê Chân (Hải Phòng), bị bắt giữ khi đang trốn nã tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, cả 3 bị can đều bị bắt giữ tại TP HCM vào ngày 23/9, khi đang trốn truy nã. 3 đối tượng bị bắt giữ gồm: Trần Thị Kim Chi (SN 1974 ở, 126 Cầu Đất, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền), Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng - Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương.

Lê Vương Hoàng (SN 1981, ở số 9/103 Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân) là, Kiểm soát viên Chi nhánh Hải Phòng - Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương và Nguyễn Thị Minh Huệ (SN1982, ở Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng), là cán bộ Chi nhánh Hải Phòng - Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương, cùng ở TP. Hải Phòng.

Cả 3 bị can này đều bỏ trốn và ngày 13/9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với 3 bị can, với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm

 
Sáng 29/9, TAND Hà Nội ra phán quyết đối với 51 bị cáo trong vụ đại án OceanBank. HĐXX quyết định tuyên phạt Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank - tổng hợp mức án chung thân cho 4 tội danh bị truy tố đó là: "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; "Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng Giám đốc Oceanbank) bị tuyên mức án tử hình cho 3 tội: Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Tham ô tài sản.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó TGĐ Oceanbank) cùng mức án 22 năm tù giam; "Bóng hồng" Hoàng Thị Hồng Tứ thì bị tuyên 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo...

Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó TGĐ OJB bị truy tố về tội: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: 10 năm; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng: 12 năm. Tổng mức hình phạt mà bị cáo Hoàn phải chấp hành là: 22 năm tù

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Bị cáo Phạm Hoàng Giang – nguyên TGĐ Công ty BSC: 4 năm tù

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Lê Thị Thu Thủy - nguyên Phó TGĐ OJB: 6 năm tù

2. Vũ Thị Thùy Dương - nguyên GĐ Khối Kế toán và giao dịch trong nước OJB: 4 năm

3. Nguyễn Thị Nga - nguyên Kế toán trưởng OJB, hiện là GĐ Khối tài chính và Kế hoạch OJB: 42 tháng tù

4. Nguyễn Hoài Nam - nguyên GĐ Khối Nguồn vốn OJB: 42 tháng

5. Nguyễn Thị Thu Ba - nguyên GĐ Khối Ngân hàng bán lẻ OJB: 36 tháng tù

6. Đỗ Đại Khôi Trang - nguyên GĐ Khối Khách hàng cá nhân OJB: 36 tháng tù

7. Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Phó GĐ Khối Khách hàng lớn và Đối tác chiến lược OJB: 36 tháng

Nhóm 34 bị cáo nguyên là GĐCN, PGD OJB bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy đinh của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng từ 18 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Nhóm 34 bị cáo nguyên là GĐCN, PGD OJB bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy đinh của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng từ 18 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng:

1. Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh: 14 năm, cộng bản án cũ 30 năm tù nên tổng hợp hình phạt mà bị cáo Danh phải chấp hành là 30 năm tù.

2. Trần Văn Bình - nguyên TGĐ Cty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung: 4 năm, cộng bản án cũ 4 năm tù nên tổng hợp hình phạt mà bị cáo Bình phải chấp hành là 8 năm tù.

3. Hứa Thị Phấn - nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu Tư và Phát triển Phú Mỹ: 17 năm tù.

Về hành vi cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng: HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch OceanBank), Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó TGĐ OceanBank), Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông của NH Đại Tín), Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh), Trần Văn Bình (cựu TGĐ Công ty Trung Dung) phạm tội vi phạm các quy định cho vay.

Về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Chủ tọa phiên tòa cho rằng: "Hà Văn Thắm là đồng phạm chủ mưu giúp sức đắc lực để Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền trên. Xét hành vi, tòa cho rằng, cần phải tuyên phạt Thắm và Sơn mức án cao mới thỏa đáng hành vi phạm tội.

Chủ tọa Trần Nam Hà cho biết, trong phiên tòa này HĐXX triệu tập 727 các tổ chức, các cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên có 645 người có mặt, những người khác đã di chuyển chỗ ở, không liên hệ được. Sau khi nghe các phần xét hỏi, bào chữa của luật sư, tranh luận tại tòa, quan điểm của VKS, HĐXX nhận thấy: Về hành vi cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, HĐXX cho rằng hành vi của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó tổng Oceanbank) đã phạm tội Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, Thắm đã chỉ đạo và quyết định cho vay trái pháp luật, còn Hoàn đồng phạm giúp sức tích cực....
Lùm xùm vụ Cục phó bị mất tiền khi đi thanh tra doanh nghiệp
 
Sáng 20/9, đoàn thanh tra do Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường Nguyễn Xuân Quang làm trưởng đoàn công bố quyết định thanh tra tại trụ sở Sở TN&MT Long An. Mục đích của đoàn là thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại tỉnh Khánh Hòa và Long An.
Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, trong đó việc thu thập hồ sơ, số liệu liên quan đến nội dung thanh tra tại các cơ sở; kiểm tra các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường và kiểm tra tra thực tế tại các khu vưc sản xuất, khu có phát sinh chất thải, các hệ thống xử lý chất thải...
Việc ông Quang có mặt tại tỉnh Long An là theo chương trình, kế hoạch làm việc đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt từ trước. Trong đợt này có tất cả 10 đoàn công tác cùng đi thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Tuy nhiên, ông Quang bị mất 385 triệu đồng trong khách sạn khi đang làm nhiệm vụ thanh tra các doanh nghiệp tại tỉnh Long An.
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã yêu cầu ông Nguyễn Xuân Quang quay về Hà Nội để báo cáo cụ thể và giải quyết các nội dung liên quan.
Việc thanh tra các doanh nghiệp tại tỉnh Long An sẽ tạm dừng. Còn việc có tiếp tục thanh tra tại tỉnh Long An nữa hay không, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục sẽ quyết định sau. Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường báo cáo chi tiết vụ việc ông Nguyễn Xuân Quang bị mất trộm.

1 tỷ USD cho đồng bằng sông Cửu Long chống biến đổi khí hậu
 

Tại phiên thảo luận của hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang cố gắng tìm các nguồn đầu tư khác trong đó có ODA, WB để hỗ trợ ĐBSCL chống biến đổi khí hậu.

"Ít nhất sẽ có 1 tỷ USD dành cho ĐBSCL để làm một số công trình điều tiết nước ngọt, điều tiết lũ và nước nhiễm mặn", Thủ tướng khẳng định.

Trước đó, cũng trong phiên thảo luận, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra hàng loạt bất cập trong quy hoạch vùng đất đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Dũng cho hay, quy hoạch ĐBSCL là vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành, một địa phương. Tuy nhiên các dự án, quy hoạch được triển khai đang thiên về hướng ứng phó cục bộ, giải quyết cục bộ, chưa xem xét ở góc độ liên ngành liên vùng.

ĐBSCL hiện có trên 2.500 quy hoạch được lập, riêng quy hoạch cấp vùng có tới 22 bản quy hoạch.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, phải coi nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất, hạn chế khai thác nước ngầm tuỳ tiện. Kinh tế biển là động lực phát triển.

Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Đồng thời sắp xếp lại các nhà máy nhiệt điện trong vùng. Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, các ĐB đề nghị tăng ngân sách cho vùng lên 20% GDP để đảm bảo nguồn lực phát triển.

Thủ tướng: Người dân cảm nhận được tinh thần, sự cố gắng phục vụ của lãnh đạo Hà Nội

Ngày 29/9, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), công tác đảm bảo an ninh trật tự TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và các đề xuất, kiến nghị của TP.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 2 năm qua, Hà Nội phát triển toàn diện KT-XH, quốc phòng an ninh, đối ngoại... nhất là tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch, có nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm mới sáng tạo. Trong đó có việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ...
Môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính của Hà Nội có chuyển biến. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin đứng thứ 2/64, PCI đứng thứ 14/63... tuy chưa phải là cao nhất nhưng so với trước đây đã tiến bộ.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP Hà Nội về tình hình phát triển KT-XH, công tác đảm bảo an ninh trật tự TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và các đề xuất, kiến nghị của TP.
Thủ tướng cho rằng, người dân Thủ đô cảm nhận được tinh thần kiến tạo của các sở, ngành, quận, huyện về sự cố gắng phục vụ nhân dân. “Tất nhiên phải cầu thị hơn nữa, tiến bộ hơn, cố gắng hơn nữa, có công cụ đánh giá chính xác hơn nữa... nhưng nhìn chung có chuyển biến”, Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng cũng nhận xét Hà Nội trật tự văn minh đô thị có nhiều chuyển biến rõ nét, cây xanh nhiều hơn, TP sạch hơn, ngăn nắp hơn; Hà Nội đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người với nhiều thành tích trong văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, nhất là chất lượng giáo dục đào tạo hệ phổ thông, mẫu giáo.
Nhắc đến việc thời gian qua, Hà Nội chuẩn bị đề án hạn chế xe máy vào năm 2030, Thủ tướng đánh giá cao ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước. Thủ tướng nói: “Đây là những ý tưởng tốt trong phát triển quản lý.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong thời gian gần đây, nhất là 2 năm qua. Thủ tướng nêu thách thức từ việc quản lý một siêu đô thị như Hà Nội.
Theo thống kê, diện tích Thủ đô Hà Nội đứng thứ 17 so với các Thủ đô trên thế giới, dân số cao cho nên việc phát triển hạ tầng đô thị, cải thiện môi trường sống, phân bổ dân cư hợp lý... là vấn đề lớn đặt ra. Chưa kể, Thủ đô Hà Nội phải cạnh tranh với các TP lớn trong khu vực, nhất là khi hiện nay hội nhập sâu vào kinh tế thị trường. Với siêu đô thị như vậy, ô nhiễm, ùn tắc... là vấn đề lớn.
Thủ tướng cũng nêu thách thức về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đi liền với vấn đề đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới; thách thức về nguồn lực; thách thức về các dịch vụ công, giáo dục, y tế, thể thao... đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của người dân; làm sao tạo động lực mạnh mẽ để từng đơn vị, cán bộ làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân...
Trước những thách thức trên, Thủ tướng nêu quan điểm phát triển của Hà Nội “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, quan điểm này phải đặt ra mạnh mẽ hơn. "Chính vì vậy, các giá trị hành vi cốt lõi là TP vì hòa bình phải hòa bình, văn minh, văn hiến và thượng tôn pháp luật.
Thủ tướng cho rằng, mục tiêu chiến lược hay giải pháp then chốt của Hà Nội phải là quản lý chặt, quy hoạch hợp lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Thủ tướng lưu ý, gợi mở một số chương trình hoạt động cho Hà Nội. Theo Thủ tướng, là Thủ đô nên hợp tác phát triển rất quan trọng, Hà Nội phải hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận, xóa bỏ địa giới hành chính đơn thuần, tận dụng lợi thế, xóa bỏ sự manh mún của chính sách.
Định hướng quy hoạch, phát triển khoa học công nghệ. Hà Nội có nhiều trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm nằm rải rác khắp nơi, cần chọn lọc, tập trung thành cộng đồng khoa học công nghệ, có thể dùng chung, chia sẻ lợi ích hạ tầng...
Tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất. Đất đai Hà Nội quý, phải khai thác sử dụng tốt, để phát triển, chống tham nhũng tiêu cực. Nếu Hà Nội làm được điều này sẽ là bước chuyển mình lớn.
Thủ tướng cho rằng, hành động sáng kiến, năng lực quản lý rất quan trọng, cho nên tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, cải cách, tương thích với sự năng động của Hà Nội trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng giá trị cốt lõi của Hà Nội hướng tới là đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, xây dựng con người văn minh, xã hội gắn kết rộng mở; tiếp tục xây dựng tiêu chí TP vì hòa bình; TP năng động và hội nhập, thúc đẩy kinh doanh dựa trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, môi trường đầu tư chuẩn mực OECD, là nới dung nạp rộng mở các giá trị tiên tiến của châu Á và trên thế giới.

Hà Nội phải là TP kiến tạo và phát triển, đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, mục đích phục vụ của TP. Hà Nội phải là nơi điển hình thu hút người tài, người giàu và người dân có nghề nghiệp, mọi người đều bình đẳng và có cơ hội phát triển hay nói cách khác “là thành phố đáng sống”.

Thủ tướng bày tỏ: “Tất cả những giá trị cốt lõi này, tôi nghĩ Hà Nội làm tốt, không có vấn đề gì ngần ngại khi chúng ta đặt vấn đề cao như vậy”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần