Tiêu điểm tuần qua: Khởi tố 7 bị can liên quan đến vụ Vũ "nhôm"

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi tố 7 bị can liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ; Bộ Nội vụ trình phương án hợp nhất, sáp nhập 17 sở ngành; Phó Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vụ thuốc chữa bệnh ung thư làm bằng than tre... là nội dung chú ý tuần qua.

Khởi tố 7 bị can liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ
Chiều tối 17/4, Bộ Công an ra thông báo về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”; sinh năm 1975; trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Các bị can (từ trái qua): Phan Anh Văn Vũ, Trần Văn Minh, Nguyễn Điểu, Văn Hữu Chiến. Ảnh báo Đầu Tư
Theo thông báo, ngày 17/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Hữu Tuấn, sinh năm 1955, trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Bộ Công an đã nghỉ hưu và bị can Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Văn Minh, sinh năm 1955, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2006 - 2011) về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Văn Hữu Chiến, sinh năm 1954, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2011 - 2014) về các hành vi: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra các Quyết định khởi tố bị can và áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can: Nguyễn Điểu, sinh năm 1958, trú tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng; Trần Văn Toán, sinh năm 1957, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, sinh năm 1975, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng cùng về hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Trước đó cùng ngày, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Hữu Tuấn.
Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với Nguyễn Hữu Bách. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thực hiện Lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can Phan Văn Anh Vũ về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” và “Trốn thuế”.
Sáng 18/4, cơ quan điều tra Bộ Công an bắt đầu tiến hành khám xét nhà cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (giai đoạn từ 2006 - 2011). Cuộc khám xét diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ.
Việc khám xét nhà cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến (giai đoạn từ 2011 - 2014) cũng diễn ra trong sáng 18/4 tại số 2 Ba Đình, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Bộ Nội vụ trình phương án hợp nhất, sáp nhập 17 sở ngành
Bộ Nội vụ trình phương án hợp nhất, sáp nhập 17 sở ngành
Bộ Nội vụ ngày 17/4 đã đưa ra kế hoạch sáp nhập 17 sở ngành, cơ quan giúp việc lại với nhau hoặc hợp nhất với cơ quan của Đảng. Theo đó, chỉ còn 4 sở ngành được giữ nguyên là Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội.
Quy định nêu rõ quan điểm không nhất thiết ở Trung ương có Bộ, cơ quan ngang Bộ, thì ở cấp tỉnh có Sở tương ứng. Trong số hơn 20 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc, Bộ Nội vụ đề xuất 4 sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành, chuyên sâu có tính ổn định.
Bộ Nội vụ đề xuất trao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông.
Với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, Ủy ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất trao quyền cho cấp tỉnh xem xét quyết định giữ nguyên hoặc sáp nhập Sở Quy hoạch - Kiến trúc (thuộc UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch.
Theo phân tích của Bộ Nội vụ việc giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, chức năng, nhiệm vụ có mối quan hệ liên thông với nhau. Trường hợp hợp nhất các sở này sẽ có tên gọi là Sở Tài chính - Kế hoạch.
Về hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng, Bộ Nội vụ cho rằng, việc phát triển đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông. Việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo trong quản lý hạ tầng đô thị. Trường hợp hợp nhất các sở này thì có tên gọi mới là Sở Giao thông vận tải - xây dựng.
Đối với phương án hợp nhất Sở NN&PTNN với Sở Công Thương, Bộ Nội vụ cho rằng, một số thành phố trực thuộc Trung ương tỷ trọng nông nghiệp thấp so với ngành nghề khác nên không cần thiết thành lập một sở chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp. Trong trường hợp hợp nhất các sở này có tên gọi là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại.
Về phương án hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ lý giải rằng, chức năng quản lý nhà nước ở địa phương không lớn nên không cần thiết duy trì một sở tham mưu chuyên trách về các lĩnh vực nêu trên. Trong trường hợp hợp nhất các sở này, sẽ có tên gọi là Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao.
Còn việc hợp nhất Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo cũng được Bộ Nội vụ lý giải, các lĩnh vực trên có liên quan mật thiết với nhau. Khoa học công nghệ là nghiên cứu để đưa ra kết quả tối ưu, áp dụng, vận dụng và phục vụ đời sống xã hội; do đó việc hợp nhất là phù hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vụ thuốc chữa bệnh ung thư làm bằng than tre
Phó Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vụ thuốc chữa bệnh ung thư làm bằng than tre
Tại cuộc họp với liên Bộ: Công Thương, Y tế và Công an chiều 16/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị lên án mạnh mẽ và yêu cầu xử lý nghiêm hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả.
Liên quan tới sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” của Công ty TNHH Vinaca được phản ánh làm từ bột than tre, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý, Bộ Y tế nói: Đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả nhưng trên nhãn sản phẩm có ghi hỗ trợ điều trị ung thư gây ảnh hưởng nghiêm trọng và hoang mang cho người dân.
Vị đại diện Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm này đồng thời khẳng định đây là cơ sở chưa được cấp phép, sản phẩm cũng chưa được công bố theo quy định.
Thiếu tướng Phạm Văn Các - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết: Bước đầu xác định cơ sở sản xuất này sản xuất thực phẩm chức năng trên không có giấy phép và không loại trừ việc sản phẩm này đã được vận chuyển đi tiêu thụ ở các địa phương trên cả nước.
Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát khuyến cáo người dân khi thấy sản phẩm này thì không sử dụng vì đây là sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, không có giấy phép, không được công bố. Thiếu tướng Các đề nghị người dân khi phát hiện những cơ sở sản xuất tương tự cũng như các đối tượng đang rao bán những sản phẩm này thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Về vụ việc gây bức xúc dư luận này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới vụ việc. Quan điểm là tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả liên quan tới sức khỏe con người đều cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố vụ án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả đối với các vi phạm xảy ra tại cơ sở sản xuất của Đào Thị Chúc (SN 1994), trú tại Tổ dân phố Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, ngày 15/1/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An kiểm tra cơ sở sản xuất của Đào Thị Chúc. Quá trình kiểm tra thấy cơ sở có 10 công nhân đang làm việc với các công việc tạo viên nang, dán nhãn sản phẩm, đóng gói sản phẩm dưới sự quản lý trực tiếp của Đào Thị Chúc.
Đoàn kiểm tra đã thu giữ các sản phẩm như: Vinaca ung thư CO3.2, Vinaca Vi5, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca Baby Vi6, Vinaca vi lượng, Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác.
Chủ cơ sở Đào Thị Chúc không xuất trình được các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc sản xuất nói trên và không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở.
Vũ “nhôm” bị khởi tố thêm tội ở vụ án Ngân hàng Đông Á
Ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc DongAbank.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tiến hành điều tra vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).
Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, ngày 18/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79; Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trần Phương Bình - nguyên Tổng Giám đốc DAB về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến hành vi chiếm đoạt 200 tỷ đồng của DAB.
Cùng ngày, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định, đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản của các bị can do phạm tội mà có.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát 2 công trình trọng điểm của Hà Nội
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát 2 công trình trọng điểm của Hà Nội

Chiều 20/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đến kiểm tra tiến độ thi công 2 dự án: Mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long; Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”.

Tháp tùng Phó Thủ tướng có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và đại diện các bộ, sở, ban ngành liên quan.

Báo cáo Phó Thủ tướng về dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, tiến độ thi công đang được đảm bảo theo yêu cầu.

“Hiện trên tuyến có 2 dự án cùng thi công là: Đường trên cao do Bộ GTVT đầu tư và đường dưới thấp do Hà Nội đầu tư. Việc phối hợp thi công và giải phóng, bàn giao mặt bằng giữa 2 đơn vị đã được thực hiện tốt” - ông Tuấn cho biết.

Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai III đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long hiện đã GPMB 442/877 hộ gia đình; 51/57 tổ chức; 14/14 mộ. Bàn giao mặt bằng để triển khai thi công 3.350/5.500m bên phải tuyến; 4.200/5.500m bên trái tuyến; bàn giao mặt bằng 800m cho BQL Dự án Thăng Long để triển khai thi công cầu cạn đoạn tuyến trước Công viên Hòa Bình.

Dự kiến trong năm 2018, dự án đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long sẽ hoàn thành; tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho công trình đã đạt 50%. Ngày 30/8 tới, Hà Nội sẽ bàn giao hết phần mặt bằng thi công đường trên cao cho Bộ GTVT.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự tập trung và nỗ lực của Hà Nội trong việc thực hiện dự án đường Vành đai 3 dưới thấp. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các nhà thầu thi công phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo đúng cam kết.

Tại dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cũng đã có báo cáo rất chi tiết về tiến độ, khối lượng công việc với Phó Thủ tướng.

Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, các đoạn trên cao của dự án đang có tiến độ thi công rất thuận lợi. Một số ga ngầm như: S9, S10 cũng đã cơ bản giải quyết hết khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng và đang chuẩn bị thi công. Theo ông Minh, vấn đề lớn nhất mà dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội gặp phải hiện nay là thiếu vốn.

Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án.

Cà phê "bẩn" rang xay cùng bột đá và pin con ó

Cơ sở xản xuất cà phê bẩn rang xảy cùng bột đá và pin con ó. 

Ngày 16/4, từ nguồn tin báo của người dân, PC49 phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan (tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện trong xưởng của bà Loan có hàng chục tấn cà phê bẩn đã được trộn với đất, bột đá. Ngoài ra, tại cơ sở chế biến, lực lượng chức năng cũng thu giữ 2 chậu chứa pin (khoảng 35kg) đã được đập vụn; 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg); 12 tấn cà phê bột được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng lõi pin.

Để có nguồn nguyên liệu, bà Loan cho người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn… tại các đại lý.

Sau đó, chủ cơ sở mua pin thải về đập dẹp, dùng bột màu đen trong lõi pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê. Số cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường.

Đại tá Lê Vinh Quy - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết theo thông tin từ bà Loan thì cơ sở này đã bán nhiều tấn cà phê bẩn ra thị trường.

Theo đại tá Quy, sản phẩm tại cơ sở của bà Loan được đưa về một số tỉnh phía nam tiêu thụ. Do đó, cơ quan điều tra đang phối hợp với các địa phương này xác minh làm rõ. Trước mắt, bà này mới khai nhận bán 3 tấn cà phê bẩn tại tỉnh Bình Phước.

Theo đại tá Lê Vinh Quy, cơ quan chức năng có hai hướng để điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của cơ sở sản xuất này. Nếu xác định bà Loan dùng cà phê bẩn để chế biến thực phẩm thì có đủ cơ sở truy cứu về hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại điều 317 Bộ luật Hình sự. Nếu không chứng minh được người này chế biến thực phẩm thì căn cứ theo quy định của pháp luật để xử lý.

Khởi tố bị can đối tượng hành hung bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn

Ngày 20/4, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trương Văn Thanh (SN 1986, trú phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) để điều tra về hành vi Gây rối trật tự công cộng. Thanh được xác định là người hành hung bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện (BV) Xanh Pôn đêm 13/4.

 Bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn bị hành hung

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khoảng 19h30 ngày 13/4, Thanh đưa con trai là Trương Văn Vũ P. (SN 2013) đi dự sinh nhật ở trên phố Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Trong lúc Thanh ngồi uống rượu với bạn, cháu P. ở ngoài chơi đùa và bị ngã, rách đuôi mắt bên phải. Phát hiện sự việc, Thanh vội vàng đưa con vào BV Xanh Pôn Hà Nội để xử lý vết thương.

Đến 23h30, Thanh đưa cháu P lên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và được bác sĩ Vũ Hồng Chiến (SN 1990) thăm khám. Thanh yêu cầu bác sĩ Chiến khâu vết thương thẩm mỹ cho cháu P. bằng chỉ nhỏ, không để lại sẹo. Bác sĩ Chiến giải thích nếu khâu thường thì chuyển xuống khoa cấp cứu, còn khâu thẩm mỹ thì cháu P. sẽ được bác sĩ Chiến trực tiếp khâu.

Lúc này, cho rằng bác sĩ gây khó dễ nên Thanh chửi bới và dùng tay đánh bác sĩ Vũ Hồng Chiến 2 cái vào mặt. Phát hiện sự việc, bảo vệ BV và người thân của Thanh vào can ngăn, đồng thời thông báo cho cơ quan công an.

Ngay sau đó, Công an quận Ba Đình và Công an phường Điện Biên đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, đưa Trương Văn Thanh về trụ sở cơ quan công an để giải quyết. Quá trình điều tra, bác sĩ Vũ Hồng Chiến từ chối giám định thương tích và không yêu cầu bồi thường dân sự.

Liên quan đến vụ việc, chiều qua (19/4), BV Xanh Pôn đã tổ chức họp báo thông tin tới báo chí. PGS.TS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc BV cho hay, cháu P. có vết thương vùng hàm mặt, khi vào viện được tiếp đón và xử lý khám chữa bệnh theo đúng quy định.

Bác sĩ Chiến đã giải thích cho bố bệnh nhi về thương tổn và các chi phí tài chính. Việc giải thích đó là bắt buộc bởi bệnh nhân, người nhà phải hiểu tất cả về chuyên môn và các vấn đề liên quan. Sau đó quyền quyết định thuộc về bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Về phần bác sĩ Chiến, sau sự việc vị bác sĩ này rất hoảng loạn, vì lo ngại trả thù nên đã từng có ý định "cho qua" mọi việc.
Cựu nhà báo Lê Duy Phong lĩnh án 3 năm tù
 Cựu nhà báo Lê Duy Phong lĩnh án 3 năm tù
Chiều 20/4, sau gần một ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm TAND TP Yên Bái quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Duy Phong (nguyên trưởng Ban Bạn đọc, Báo Giáo dục Việt Nam) 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo đó, ông Phong bị cáo buộc chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái và 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực (người góp vốn vào một DN vận tải trên địa bàn).
Theo HĐXX, quá trình điều tra, lực lượng công an tỉnh Yên Bái đã thực hiện đúng thẩm quyền, quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Việc truy tố hành vi của bị cáo theo quy định Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là không đúng vì hành vi này được thực hiện trước 0 giờ ngày 1/1/2018, do đó cần áp dụng điều luật về tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 BLHS năm 1999.
Tại cơ quan điều tra và phiên tòa xét xử hôm 20/4, lời khai của bị cáo Lê Duy Phong phù hợp với lời khai của bị hại và những tài liệu liên quan; có đủ cơ sở khẳng định Phong đã lợi dụng danh nghĩa trưởng Ban Bạn đọc, Báo Giáo dục Việt Nam, uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt 200 triệu đồng của ông Sáng và 50 triệu đồng của ông Thực, phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, cần cách ly khỏi xã hội. Đặc biệt, bị cáo biết việc chiếm đoạt của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm, thể hiện sự coi thường pháp luật, tu dưỡng bản thân rất kém, do vậy đây là tình tiết tăng nặng.
Đối với 26 phóng viên khác, xét thấy không có đủ cơ sở xác định những người này liên quan nên tòa không triệu tập. Đối với ông Vũ Xuân Sáng, HĐXX TAND TP Yên Bái kiến nghị Tỉnh ủy Yên Bái xem xét xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần