Tiêu điểm tuần qua: Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội; Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giao quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ... là nội dung chú ý tuần qua.

Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội
Sáng 28/7/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải… cùng đại diện các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành thành phố tới dự.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết trên con đường phát triển của mình, Thủ đô Hà Nội đã thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ to lớn của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các Ban, Bộ ngành T.Ư, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Một trong những dấu ấn thể hiện sự chăm lo đặc biệt của T.Ư và cả nước cho sự phát triển Thủ đô trong thời kỳ đổi mới là ngày 28/1/2008, T.Ư đã có Kết luận số 19 và sau đó ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Nghị quyết có hiệu lực chính thức từ ngày 1/8/2008. Tính đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã thực hiện Nghị quyết trên được tròn 10 năm.
Theo Bí thư Thành ủy, đây là một thời điểm quan trọng không chỉ để cả hệ thống chính trị của TP cùng nhau nghiêm túc tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn mà nhờ sự nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ nhân dân Thủ đô đã đạt được trên mọi mặt, khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử to lớn của các quyết sách chiến lược nói trên của T.Ư mà còn là cơ hội đánh giá những hạn chế, tồn tại, các nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm cần rút ra trên chặng đường 10 năm qua để từ đó tiếp tục mạnh mẽ hướng tới tương lai xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại.
Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa 12, đã đặt một dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian để Thủ đô phát triển.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi Lễ.
Với quy mô diện tích 3.344,7km2 (tăng 3,63 lần), dân số tăng gấp 1,5 lần, hiện nay là 7,65 triệu người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 67,8%, với hơn 1.350 làng nghề truyền thống, 5.922 di tích lịch sử, trong đó, có 2.396 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp Thành phố. Nhiều di sản văn hóa đặc sắc của văn hóa Thăng Long, 36 phố phường, văn hóa xứ Đoài, và nhiều vùng văn hóa khác…
Tất cả các tiềm năng đó, là điều kiện để Thủ đô thực hiện tái cơ cấu không gian KT-XH, gia tăng nguồn lực tiềm tàng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo tiền đề, nền tảng để phát triển đồng bộ, toàn diện, nhanh và bền vững.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trước và trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có nhiều vấn đề khó khăn, mới mẻ, thách thức cùng với nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra, đó là: Quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng KT-XH chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội, tình hình KT-XH còn khó khăn, chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư còn nhiều.
Song, với ý thức trách nhiệm trước Trung ương và nhân dân cả nước, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm, “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần, tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Theo sự chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo cấp ủy hai Đảng bộ Hà Nội và Hà Tây đã nhanh chóng tiến hành các nội dung công việc để tiến hành hợp nhất tổ chức, bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, đảm bảo vận hành thông suốt ngay từ đầu và không làm gián đoạn hoạt động của đời sống xã hội, của nhân dân, của doanh nghiệp...
Những nhiệm vụ cấp bách được tập trung giải quyết ngay như: Hợp nhất nguyên trạng tổ chức bộ máy của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt công tác cán bộ, công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, đảm bảo nguyên tắc tập trung - dân chủ, lấy yêu cầu công việc, chất lượng cán bộ là thước đo để bố trí cán bộ.
Trong một thời gian rất ngắn, bộ máy của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đi vào vận hành, đảm bảo mọi công việc được diễn ra suôn sẻ, khai thác tối đa, phát huy mọi nguồn lực, trí tuệ, tiềm năng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Trong bối cảnh những năm vừa qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ, TP đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là một yêu cầu tất yếu, khách quan.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, để thực hiện được mục tiêu phát triển Hà Nội lâu dài, bền vững, thì việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là một yêu cầu tất yếu, khách quan.
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử đã trải qua bao thăng trầm với nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính nhằm đáp ứng những đòi hỏi phát triển của mỗi giai đoạn. Trước yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước trong tình hình mới, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, đây là lần điều chỉnh mở rộng với quy mô Thủ đô lớn nhất từ trước tới nay.
Nhìn lại giai đoạn từ năm 2008 trở về trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Thủ đô Hà Nội mặc dù là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển, thì vẫn luôn phải đối mặt với những khó khăn, bất cập, như: sự bùng nổ về dân cư, sự phát triển đô thị quá tải, hạ tầng kỹ thuật và xã hội không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vai trò của một đô thị trung tâm còn hạn chế… Để khắc phục những bất cập này và để thực hiện được mục tiêu phát triển Hà Nội lâu dài, bền vững, thì việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là một yêu cầu tất yếu, khách quan.
Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Hà Nội có thêm không gian quy hoạch phát triển một thủ đô văn minh, hiện đại, với tầm nhìn không chỉ 20 - 30 năm mà còn dài hơn nữa.
Tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội phát triển cả về không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, cùng với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các địa phương sẽ góp phần khẳng định vị thế trung tâm của Thủ đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện và hiệu quả hơn của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Việc mở rộng địa giới hành chính cũng giúp Thủ đô Hà Nội gắn với không gian rừng núi trung du Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh,… đem lại thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững, ổn định, lâu dài.
"Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực trong việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của lãnh đạo Thành phố, lựa chọn những việc trọng tâm để tập trung chỉ đạo và xử lý kịp thời, có hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng" Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội sau 10 năm hợp nhất, đồng chí Trần Đại Quang Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội.
Phát biểu đáp từ tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thủ đô rất vinh dự khi được đón nhận Huân Chương Độc lập hạng nhất. Đây là một phần thưởng cao quý và đồng thời là sự nghi nhận của Đảng và Nhà nước về những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đạt được trong một thập kỷ qua.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thủ đô luôn nhận thức sâu sắc rằng trong mỗi bước đi, mỗi chặng đường xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, TP đã luôn nhận được sự tin tưởng, sự cổ vũ, động viên, sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ đặc biệt quan trọng của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các Ban, bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, TP trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh liên quan đến điều chỉnh địa giới Thủ đô như: tỉnh Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Sự quan tâm, giúp đỡ và phối hợp cùng với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô chính là những nhân tố đã quyết định mọi thành công to lớn của Thủ đô trong thời gian vừa qua.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ
Sáng 27/7, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2018), Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội đã tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiêu điểm tuần qua: Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội - Ảnh 5

Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ sáng 27/7/2018.

Đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TƯ Đảng… Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Các đại biểu bày tỏ lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ".
Sau lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Bác Hồ, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã tới đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Tham gia đoàn có các đồng chí: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của TP Hà Nội. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ".
Các đồng chí lãnh đạo TP và các đại biểu bày tỏ lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; nguyện cùng nhau chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp.
Tiếp đó, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo TP bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao trời biển của Người, nguyện cùng nhau bảo vệ và xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh hiện đại.
Các đoàn đại biểu: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các Bộ, ban, ngành của TƯ và TP Hà Nội, cùng đông đảo Nhân dân Thủ đô cũng đã tới Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giao quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Theo Quyết định 900/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT đã giao cho Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/7/2018.
 Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giao quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Chiều 27/7, tại Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ đang diễn ra.

Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel giữ chức quyền Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Trước đó, Bộ Chính trị đã có quyết định chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tại tỉnh Phú Thọ, nguyên quán tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1979, ông thi đỗ vào Đại học Kỹ thuật Quân sự, khóa 14. Sau một năm học tại Đại học Kỹ thuật Quân sự đạt kết quả xuất sắc, ông được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học kỹ sư quân sự tại Liên Xô.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng từng tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sĩ viễn thông ở Australia, thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.
Năm 1995, ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ các vị trí trợ lý kỹ thuật, Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển. Đến năm 2000, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Viettel. Đến năm 2010, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc Viettel. Sau đó khoảng 4 năm, ông Nguyễn Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Viettel thay ông Hoàng Anh Xuân. Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2012.
Năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, ông Nguyễn Mạnh Hùng trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tới ngày 14/6/2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel.

Ông Trương Minh Tuấn giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Ngày 27/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

 Ông Trương Minh Tuấn giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo đó, Bộ Chính trị phân công ông Trương Minh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa ký Quyết định số 1261/QĐ-CTN ngày 23/7/2018 về việc tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.

Quyết định ghi rõ: Tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn, do có vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã có thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 806-QĐNS/TW ngày 16/7/2018. Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, ông Trương Minh Tuấn và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do có vi phạm, khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 806-QĐNS/TW ngày 16/7/2018.

Tại cuộc họp ngày 12/7, Bộ Chính trị cũng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tướng công an, quân đội

Ngày 28/7/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Từ trái qua: Trung tướng Bùi Văn Thành; Thượng tướng Phương Minh Hoà và

Thượng tướng Trần Việt Tân 

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 130-TTr/UBKTTW, ngày 27/7/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Chính trị nhận thấy:

Trung tướng Bùi Văn Thành, với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.

Cá nhân Trung tướng Bùi Văn Thành đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật; vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an; ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công; tự ý ký quyết định cho Phan Văn Anh Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phan Văn Anh Vũ không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.

Những vi phạm của Trung tướng Bùi Văn Thành gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Công an và cá nhân Trung tướng Thành, gây dư luận xấu và bức xúc trong xã hội. Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Bùi Văn Thành bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng (Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010 - 2015). Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với Trung tướng Bùi Văn Thành, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.

Sau khi xem xét Tờ trình số 131-TTr/UBKTTW, ngày 27/7/2018 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Chính trị nhận thấy:

Thượng tướng Trần Việt Tân, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, đã ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của ngành Công an và cá nhân Thượng tướng Trần Việt Tân, gây dư luận xấu trong xã hội.

Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Thượng tướng Trần Việt Tân bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với Thượng tướng Trần Việt Tân bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.

Cùng ngày 28/7/2018, sau khi xem xét Tờ trình số 129-TTr/UBKTTW, ngày 27/7/2018 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Thượng tướng Phương Minh Hoà, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Bí thư Đảng uỷ - Chính uỷ, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Ban Bí thư nhận thấy:

Thượng tướng Phương Minh Hoà trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ - Chính uỷ và Phó Bí thư Đảng uỷ - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2010 - 2015; đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; chấp hành không nghiêm quyết định của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng nhưng chưa sử dụng ngay cho mục đích quốc phòng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, có trường hợp nghiêm trọng phải xử lý hình sự; Thượng tướng Phương Minh Hoà đã trực tiếp ký nhiều văn bản về giao đất và phê duyệt phương án làm kinh tế không đúng quy định.

Vi phạm, khuyết điểm của Thượng tướng Phương Minh Hoà là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Quân đội. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Thượng tướng Phương Minh Hoà bằng hình thức Cảnh cáo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần