Tiêu điểm tuần qua: Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968; Báo cáo Thủ tướng về thanh tra toàn diện Sơn Trà trước 31/3; Miền Bắc rét đậm, rét hại kéo dài... là nội dung chú ý tuần qua.

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968

Sáng 31/1, tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam và TP Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với chủ đề "Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968".

Dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; cùng 3.500 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể Trung ương, TP Hồ Chí Minh, đại diện các địa phương trong cả nước, các đoàn ngoại giao và bạn bè quốc tế; các bậc lão thành Cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng và đông đảo cán bộ, chiến sĩ...

 Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã ôn lại những ngày tháng hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", đứng trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ồ ạt đưa quân đội và chư hầu vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam, nhanh chóng đánh bại quân chủ lực của cách mạng, giành lại thế chủ động trên chiến trường, bình định toàn miền Nam, kết thúc chiến tranh Việt Nam trong tư thế "kẻ chiến thắng".

Nắm vững thời cơ chiến lược, nhằm đánh sập ý chí của quân xâm lược, chủ động chuẩn bị cho mặt trận ngoại giao, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967 được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa III thông qua tháng 1/1968 xác định "Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định".

Với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", quân và dân ta đã không kể ngày đêm, khẩn trương làm tốt mọi công tác chuẩn bị; bí mật, bất ngờ đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, đánh thẳng vào 37 thị xã và hàng trăm thị trấn từ Quảng Trị đến Cà Mau, các căn cứ quân sự chủ yếu của địch trên toàn miền Nam.

Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ mùa xuân Mậu Thân hùng tráng ấy, khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, đúc kết; một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử sâu sắc; để các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào và tự tin, tiếp nối những giá trị lớn lao của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, là đỉnh cao chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ở thế kỷ 20.

"Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để giành độc lập, tự do, được dẫn dắt, soi đường bởi sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Văn Tàu - Anh Hùng lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sự trực tiếp tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chia sẻ, với ông được trở lại TP Hồ Chí Minh tham gia Lễ kỷ niệm lần này là một vinh dự. Nơi đây ông cùng các đồng đội đã chiến đấu kiên cường cách đây 50 năm.

"Chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh của bao chiến sĩ đồng bào. Là cựu chiến binh, tôi nguyện phát huy phẩm chất bộ đội cụ hồ, luôn là công dân tiêu biểu. Trong giờ phút thiêng liêng này, tôi như thấy lại đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường... rất nhiều người đã mãi mãi ra đi hy sinh đời mình cho Tổ quốc", Đại tá Nguyễn Văn Tàu nói.

Đại diện cho thế hệ trẻ, bạn Nguyễn Thị Phương Nghi - sinh viên đại học quốc tế (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) thể hiện lòng tri ân sâu sắc với các thế hệ đi trước.

"Tuổi trẻ Việt Nam nhận thức những sự hy sinh của các chiến sĩ xuất phát từ lòng yêu nước. Chúng tôi xin nguyện viết tiếp trang vàng lịch sử, nguyện giữ gìn truyền thống cách mạng hào hùng của cha ông", sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi xúc động cho biết.
Báo cáo Thủ tướng về thanh tra toàn diện Sơn Trà trước 31/3
 Báo cáo Thủ tướng về thanh tra toàn diện Sơn Trà

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) về việc thanh tra dự án bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Theo đó, liên quan đến dự án bán đảo Sơn Trà, Thủ tướng cho biết việc lập quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2030 căn cứ vào văn bản pháp lý chính là Quyết định số 41-TTg ngày 24/1/1977 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu rừng cấm bán đảo Sơn Trà với diện tích 4.000ha.

Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 15/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng, UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành rà soát 3 loại rừng và gửi Bộ NN&PTNT thẩm định trước khi UBND TP phê duyệt.

Từ đó có Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20/9/2008 của UBND TP Đà Nẵng về phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008-2020, trong đó xác định rõ diện tích rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà là 2.591ha.

Theo Điều 53 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 thì được phép kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong rừng đặc dụng.

Các hoạt động kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Điều 55, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển và Điều 23 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng…

Như vậy, diện tích toàn bộ bán đảo Sơn Trà (4.439ha) là khu vực nghiên cứu quy hoạch, nhưng diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành khu du lịch quốc gia chỉ là 1.056ha.

Trong quy hoạch du lịch có nêu cụ thể là tổng diện tích các khu chức năng chỉ chiếm 553,6ha, còn lại là diện tích dự trữ phát triển. Tuy nhiên ngay cả trên 553,6ha này thì tổng số phòng lưu trú được xác định chỉ là khoảng 1.600.

Do quy hoạch du lịch không đề cập đến vấn đề mật độ xây dựng, tầng cao trung bình, hệ số sử dụng đất (thuộc thẩm quyền của quy hoạch xây dựng) nên các chỉ tiêu này không được xác định, tuy nhiên với việc xác định ngưỡng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú của du lịch Sơn Trà là 1.600 phòng thì ước tính tổng diện tích sàn xây dựng của các công trình dịch vụ du lịch chỉ là khoảng 150.000m2 (bằng 15ha).

Như vậy, diện tích chiếm đất của các công trình dịch vụ du lịch tối đa là 15ha, trong trường hợp các công trình xây dựng 2, 3 tầng thì diện tích chiếm đất còn giảm hơn nữa.

Với quy mô này thì hệ số sử dụng đất được kiểm soát gián tiếp thông qua chỉ tiêu phòng lưu trú là rất nhỏ (dưới 3%). Ngoài phần diện tích xây dựng và khuôn viên vườn hoa, cảnh quan thì phần còn lại được khuyến cáo giữ nguyên trạng.

Về thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Công văn số 9973/VPCP-V.I ngày 19/9/2017, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan (các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng) thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng, xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2018.

Miền Bắc rét đậm, rét hại kéo dài

Sau đợt không khí lạnh mạnh, rét đậm, rét hại nhất từ đầu mùa đông, từ ngày 2/2 miền Bắc lại tiếp tục chịu ảnh hưởng đợt rét đậm, rét hại tăng cường.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa nhỏ vài nơi, các tỉnh Trung Trung Bộ từ chiều và đêm 2/2 có mưa rải rác. Các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét đậm, rét hại, vùng núi cao có băng giá.

Đáng lưu ý, đợt rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục kéo dài đến ngày 7/2. Còn tại Hà Nội trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ.
 Miền Bắc rét đậm, rét hại kéo dài

Trước đó, ngày 31/1 đợt không khí lạnh mạnh tiếp tục gây rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt vùng núi cao khi nhiệt độ tiếp tục suy giảm. Nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chỉ còn -0,4 độ C và đã ngày thứ hai liên tiếp xuất hiện băng tuyết.

Tại Sa Pa (Lào Cai), sau nhiều ngày rét hại, sáng 31/1 nhiệt độ tiếp tục xuống, lúc 6h sáng chỉ còn 1,2 độ C. Rét đậm, rét hại bao trùm cả tỉnh Lào Cai kèm theo mưa nhỏ.

Nhiệt độ tại Lào Cai được dự báo còn tiếp tục suy giảm, trời rét đậm, rét hại còn ảnh hưởng trên diện rộng tại tỉnh này và vùng núi rét hại nặng đến rất nặng kéo dài.

Tại nhiều vùng núi cao ở các tỉnh miền núi, nhiệt độ cũng xuống dưới mức 5 độ C, trong đó Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 2,8 độ C, Pha Đin (Điện Biên) 3,5 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) 3,6 độ C, Mộc Châu (Sơn La) 4,2 độ C. Ngay tại thủ đô Hà Nội, nhiệt độ lúc 6h sáng 31/1 cũng tiếp tục giảm xuống 9,7 độ C.
Bộ Công an thông báo tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"

Ngày 30/1, Bộ Công an ra thông báo về việc tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" là tổ chức khủng bố. Theo thông báo của Bộ Công an, tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" tiền thân là tổ chức "Tân Dân Chủ", có trụ sở đặt tại Mỹ.

Đối tượng cầm đầu, chỉ huy tổ chức khủng bố này là Đào Minh Quân (sinh năm 1955) tự xưng là "Thủ tướng" của "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"; Quách Thế Hùng (sinh năm 1948); Kelly Triệu (Triệu Thanh Hoa, sinh năm 1968) và Phạm Lisa (Phạm Anh Đào, sinh năm 1979). Cả 4 đối tượng cùng trú tại Mỹ.

Tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" do Đào Minh Quân cùng một số đối tượng thành lập năm 1991, tại Mỹ.

Sau khi thành lập, Đào Minh Quân và một số nhân vật cầm đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" đến các trại tị nạn người Việt ở Hồng Kông và các nước Đông Nam Á tuyển mộ lực lượng, đưa về Việt Nam theo đường hồi hương để tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Năm 2015, các nhân vật cầm đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" tiến hành khảo sát tìm địa điểm lập căn cứ, mua vũ khí nhằm thực hiện các hoạt động khủng bố, nhưng đã bị cơ quan an ninh Việt Nam kịp thời phát hiện ngăn chặn.

Cơ quan công an đã bắt, xử lý 4 đối tượng gồm: Hà Ngọc Hân, Mai Xuân Nghĩa, Lương Tuấn Vinh, Nguyễn Văn Hội.

Kết quả điều tra của Bộ Công an xác định năm 2017, các nhân vật cầm đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" đã phát triển lực lượng, thành lập các nhóm "Phượng Hoàng", "Mãng Xà", "Biệt động quân", "Đại Việt" nhằm khủng bố, phá hoại, ám sát cán bộ.

Tổ chức khủng bố này đã cử Phan Angel (Phan Thị Đào, sinh năm 1956, quốc tịch Mỹ) và Nguyen James Han (Nguyễn Thanh Hân, sinh năm 1967, quốc tịch Mỹ) về nước cung cấp tài chính và trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

Theo sự chỉ đạo của các nhân vật cầm đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", các đối tượng trong nước đã thực hiện ném bom xăng gây cháy 320 chiếc xe tại kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào ngày 8/4/2017.

Tiếp đó nhóm khủng bố thực hiện đặt bom xăng tại nhà xe và cổng ga đến quốc tế sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 22/4/2017 và tiến hành khảo sát, lên kế hoạch gây cháy, nổ trụ sở các cơ quan công quyền và một số nhà máy, xí nghiệp nhưng đã bị cơ quan chức năng Việt Nam ngăn chặn.

Tháng 4/2017, cơ quan chức năng Việt Nam đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng là thành viên của tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân". Tháng 12/2017, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ án trên ra xét xử và tuyên phạt các đối tượng từ 4 đến 16 năm tù.

Bộ Công an khuyến cáo "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" là tổ chức khủng bố, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của tổ chức này; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện, hoạt động theo chỉ đạo của "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"… là phạm tội "khủng bố", "tài trợ khủng bố" và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần