Tiêu điểm tuần: Thường trực Chính phủ họp bàn 10 nội dung quan trọng

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường trực Chính phủ họp bàn 10 nội dung quan trọng; Biến động quanh chiếc ghế Tổng Giám đốc MobiFone; Việt Nam yêu cầu Đài Loan ngừng diễn tập bắn đạn thật ở Trường Sa... là nội dung chú ý tuần qua.

Thường trực Chính phủ họp bàn 10 nội dung quan trọng

Trong 2 ngày 24 - 25/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về 10 nội dung quan trọng.

 

Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Xây dựng trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng. Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về lĩnh vực này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết đã được gửi các thành viên Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài; một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ, kịp thời.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định, thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa nghị định với thông tư trong các khâu:

Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng, bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ kịp thời các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng cho rằng việc tổ chức thực hiện các quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cần tốt hơn nữa, trên tinh thần công khai, minh bạch, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Sau khi ban hành Nghị quyết, Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngay việc thông tin, tuyên truyền, giới thiệu Nghị quyết, tránh tình trạng có người không đọc, không biết, “cứ lấy nghị quyết cũ để nói chuyện mới”. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết này.

Trong một nội dung khác, Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo về việc đầu tư xây dựng các bến cảng tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và về mô hình quản lý, khai thác cảng biển.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nêu rõ quy hoạch và đầu tư khu vực này phải bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cảng nước sâu Lạch Huyện là điều kiện thu hút thế giới đầu tư vào Hải Phòng. Đây không chỉ là cảng của Hải Phòng mà cho cả khu vực miền Bắc. Phải quan tâm đến phát huy nguồn lực trong nước đầu tư vào đây, cũng như cần triển khai nhanh hơn, tránh tình trạng quá tải, đã có chủ trương mà mãi không triển khai...

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng TP. Hải Phòng rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Về mô hình Ban Quản lý cảng, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải, UBND. TP Hải Phòng nghiên cứu, vận dụng tốt nhất luật pháp (Bộ luật Hàng hải) với tinh thần là không phát sinh bộ máy mới, biên chế mới, kết hợp được các chức năng, nhiệm vụ phù hợp để phát huy hiệu quả của cảng.

Cũng tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe, thảo luận về các nội dung: Việc lập thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đi qua 2 tỉnh trở lên; đường nối tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên; các nội dung liên quan đến đầu tư của Samsung; một số nội dung trong lĩnh vực tín dụng, đầu tư, thủy điện, đấu thầu.

Biến động quanh chiếc ghế Tổng Giám đốc MobiFone
Mới đây, Bộ Thông tin & Truyền thông công bố quyết định ông Cao Duy Hải thôi giữ chức Tổng giám đốc và thành viên Hội đồng thành viên của Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Nguyên nhân là ông Hải đã có những sai phạm liên quan đến vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG.
 
Ngày 22/8/2018, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã tổ chức Lễ công bố quyết định giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Đăng Nguyên - Phó Tổng giám đốc phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên là người nhiều năm giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng kỹ thuật của MobiFone. Khi ông Nguyễn Đăng Nguyên phụ trách mảng kỹ thuật của MobiFone, MobiFone được khách hàng đánh giá là nhà mạng có chất lượng tốt.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên phụ trách chức vụ Tổng giám đốc MobiFone đúng vào thời điểm được cho là khó khăn nhất của nhà mạng này.
2 nhiệm vụ khá nặng nề đối với ông Nguyễn Đăng Nguyên là phải giải quyết vấn đề vùng phủ sóng của MobiFone và xây dựng mảng CNTT để đi theo xu hướng chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang trở thành nhà cung cấp dịch vụ tích hợp viễn thông và CNTT.
Trước đó, trong kết luận thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, ông Cao Duy Hải - người đóng vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc MobiFone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho Hội đồng thành viên Tổng công ty trình Bộ Thông tin & Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
Dự án MobiFone mua cổ phần AVG được tổng công ty này công bố cuối năm 2016. Tuy nhiên, đầu tháng 3/2018, hai bên thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng và hoàn trả lại những gì đã nhận từ đối tác.
Tại kết luận Thanh tra Chính phủ công bố giữa tháng 3/2018 đã chỉ rõ những vi phạm kinh tế rất nghiêm trọng của dự án này, từ việc đề xuất đầu tư, lập, thẩm định dự án đầu tư; việc trình, phê duyệt dự án đầu tư đến thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư.
Việt Nam yêu cầu Đài Loan ngừng diễn tập bắn đạn thật ở Trường Sa
Ngày 23/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Đài Loan (Trung Quốc) diễn tập bắn đạn thật gần đây trên đảo Ba Bình, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nêu rõ: “Hành động này của Đài Loan tại đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam có căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa an ninh, an toàn và hàng hải trong khu vực".
 
Bà Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh, Việt Nam một lần nữa kiên quyết phản đối hành động nêu trên, yêu cầu Đài Loan nhanh chóng chấm dứt và không tái diễn các hành đông tương tự trong tương lai.
Truyền thông quốc tế gần đây đưa tin Philippines bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc điều động vũ khí hạt nhân ra Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trước diễn biến này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà khẳng định, việc duy trì an ninh, an toàn, ổn định hàng hải tại Biển Đông là lợi ích cũng như nghĩa vụ chung của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các bên liên quan đều có nghĩa vụ đóng góp cho mục tiêu này.

Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương

Liên quan đến vụ án chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã có quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can (thay đổi tội danh) với bác sĩ Hoàng Công Lương.

 

Theo đó, bác sĩ Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh khởi tố từ tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thành tội "Vô ý làm chết người". Được biết, đây là lần thứ ba bác sỹ Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh, lần đầu tiên là tội "Vi phạm quy định về chữa bệnh".

Thông tin từ bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết, anh đã nhận được quyết định của cơ quan điều tra. Bác sĩ Lương cho rằng, đây là thông tin không bất ngờ với anh bởi từ khi xảy ra sự cố y khoa nói trên anh đã được thông báo thay đổi tội danh nhiều lần.

Trước đó, sự cố chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hôm 29/5/2017, làm 9 người tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.

Theo cáo trạng cáo buộc bị can Hoàng Công Lương, với trình độ, trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Tuy nhiên sáng 29/5/2017, Lương không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.

Bị can Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hoá chất không có trong danh mục được dùng trong y tế để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.

Khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29/5/2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng.

Bị can Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chiều 28/5/2017, chỉ nghe qua điện thoại và biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng Sơn lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo sử dụng nguồn nước này.

Hai bị can Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người...

Đến ngày 15/5 - 5/6, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố y khoa khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khi chạy thận. Theo đó, bác sĩ Hoàng Công Lương (bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (cựu nhân viên Phòng Vật tư - Thiết bị) đều thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh), bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù treo, Trần Văn Sơn 4-5 năm tù và Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị mức án 5-6 năm tù. Tuy nhiên, chiều 5/6, HĐXX đã trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình sau, ngày 4/7 đã khởi tố thêm 2 bị can gồm: Ông Hoàng Điều Khiếu - Phó Giám đốc kiêm trưởng Khoa hồi sức Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng Phòng vật tư bệnh viện về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Hai bị can này đều có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngày 23/8, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

VOV mua được bản quyền Asiad 2018
Trưa 21/8, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đàm phán thành công về việc mua bản quyền ASIAD 2018 từ KJSM World Corp. Qua đó bản quyền, từ ngày 22-8, nhà đài sẽ phát sóng trên các kênh phát thanh của VOV và truyền hình của đài bao gồm các kênh VTC và VOV TV.
 
Bản quyền ASIAD 2018 có được do sự chỉ đạo thương thảo tích cực của Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ với mong muốn giúp công chúng cả nước có thể xem trực tiếp các đoàn thể thao Việt Nam tranh tài ở ASIAD 2018.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết việc VOV có chủ trương mua bản quyền sự kiện thể thao này xuất phát từ mong muốn phục vụ tốt các nhu cầu thông tin, giải trí lành mạnh của nhân dân, phù hợp với vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí quốc gia.
Được biết, việc mua được bản quyền ASIAD 2018 phục vụ người hâm mộ cả nước có sự đồng hành, hỗ trợ của 2 tập đoàn lớn là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Công nghiệp Viễn Thông Quân đội Viettel.
Bản quyền mà VTC sở hữu sau hợp đồng được thỏa thuận trưa nay 21-8 cho phép mọi người có thể xem trực tiếp những cuộc tranh tài tại ASIAD 2018 đang diễn ra ở Indonesia trên các kênh phát thanh của VOV và truyền hình của đài bao gồm các kênh VTC và VOV TV; trên điện thoại di động, ti vi thông minh thông qua ứng dụng VTC Now, trên báo điện tử VTC.VN, VOV.VN.
Được biết, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (đơn vị thành viên của VOV) là đơn vị trực tiếp đàm phán và mua bản quyền tất cả các sự kiện trong khuôn khổ ASIAD 2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần