Tiêu điểm tuần qua: Mưa lũ làm 96 người chết và mất tích

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mưa lũ kinh hoàng làm 96 người chết và mất tích, Quốc hội sắp miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ, PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80... là nội dung chú ý tuần qua.

Mưa lũ kinh hoàng làm 96 người chết và mất tích
 

Thông tin mới nhất từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến chiều tối 13/10 đã có 58 người chết, 38 người mất tích, 31 người bị thương, 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 10-12/10.

Lũ lớn đã gây ra 60 sự cố trên các tuyến đê tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến. Một số xã của huyện Phù Yên, Vân Hồ (tỉnh Sơn La) cùng các xã vùng cao thuộc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hoà Bình) hiện vẫn bị cô lập do chưa khắc phục được giao thông.

Sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tỉnh đã huy động trên 300 người cùng phương tiện, thiết bị để tìm kiếm cứu nạn. Đến thời điểm hiện tại đã tìm được 10 thi thể nạn nhân bị vùi lấp, số nạn nhân còn lại đang tiếp tục tìm kiếm.

Quốc hội sắp miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thông tin tại phần khai mạc phiên họp thứ 15 của UB Thường vụ Quốc hội chiều 11/10. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp thứ 15 này , UB Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các tờ trình về nhân sự lãnh đạo cấp cao.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 4 sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10 này, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa và phê chuẩn nhân sự mới thay thế.

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa thì đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thay ông Nguyễn Xuân Anh vừa nhận kỷ luật.

Vì vậy, việc Quốc hội miễn nhiệm và lựa chọn, phê chuẩn nhân sự mới thay ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT là quy trình có thể đoán trước. Còn việc thay đổi thành viên Chính phủ khác đảm nhiệm chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ được cho là cũng liên quan tới việc điều động nhân sự cho vị trí lãnh đạo mới của Bộ GTVT.

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông
 

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 12/10, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu quan điểm: Lập trường nhất quán và kiên định của Việt Nam là Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bà Hằng nhấn mạnh: “Tất cả các hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị”.

Trong một diễn biến khác, hôm 10/10, báo chí quốc tế thông tin việc tàu khu trục của Mỹ di chuyển tới khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay, với tư cách là quốc gia có chủ quyền với Hoàng Sa và là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán của mình.

“Tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy đinh của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Việt Nam tiếp tục đề nghị các quốc gia có những đóng góp xây dựng và tích cực trên cơ sở luật pháp quốc tế vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tuân pháp luật trên Biển Đông” - bà Hằng nói.

Bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc sáng nay (11/10).

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ và thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo và đề án.
 Bế mạc Hội nghị Trung ương 6.
Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị đối với các nội dung về: Kinh tế-xã hội năm 2017-2018; công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác dân số trong tình hình mới; một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác cán bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện và đồng bộ kể từ sau thành công Đại hội XII của Đảng.
Trong gần 2 năm qua, nhất là năm 2017, toàn hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, kiên trì, kiên quyết triển khai thực hiện các nhiệm vụ chiến lược: Phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Quan hệ đối ngoại được mở rộng; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, có thể nói, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chiến lược do Đại hội XII của Đảng đề ra đã và đang thực sự trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong cả nước, nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, tích cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tạo ra khí thế mới, động lực mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, trước mắt chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc hơn, bài bản hơn Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương khóa XII và đặc biệt là các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt đề ra cho năm 2017 - 2018 và các năm tiếp theo.

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80

 

Rạng sáng 9/10, Phó Giáo sư Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã qua đời ở tuổi 80 sau hơn 3 năm chống chọi với bệnh ung thư gan.

Được biết, PGS. Văn Như Cương mắc bệnh ung thư gan giai đoạn muộn từ tháng 7/2014. Hồi đầu tháng 3 năm nay, thầy Cương nhập viện điều trị hơn 10 ngày. Khi biết tin sức khỏe thầy Cương không tốt, sáng ngày 4/3, hơn 3.000 học sinh Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội đã ghi lại video hát vang ca khúc truyền thống "Bài ca Lương Thế Vinh" để tặng thầy như một món quà tinh thần giúp thầy mau khỏi bệnh.

Từ trước tới nay, thầy Văn Như Cương luôn được nhắc tới là một nhà giáo có tâm với nghề, được nhiều thế hệ học trò yêu mến và cảm phục. Thầy có nhiều bài giảng, triết lý sâu sắc khiến học trò luôn ghi nhớ. Sự ra đi của thầy Cương đã để lại niềm thương tiếc, xót xa trong lòng mọi người.

PGS. Văn Như Cương sinh năm 1937, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.

Sau khi về nước, ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.

Năm 1989, ông mở trường THPT Lương Thế Vinh tại Hà Nội, đây là trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới. Ông làm hiệu trưởng trường này từ năm 1989 đến năm 2014.

Thầy Văn Như Cương là nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam và được Chính phủ phong học hàm Phó Giáo sư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần