Tiêu điểm tuần qua: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp 27

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp 27; Công bố 7 luật vừa được Quốc hội thông qua; Chính phủ yêu cầu quy trách nhiệm, sai phạm của bộ, ngành ở dự án BOT... là nội dung chú ý tuần qua.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp 27
 
Ngày 30/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp 27. Thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc; cảnh cáo đối với đồng chí Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV.
Trong hai ngày 27 và 28/6/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 27. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:
I- Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng.
1- Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết và thực hiện các dự án nhà ở cho quân nhân.
2- Đồng chí Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015; trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
3- Đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015; chịu trách nhiệm trong việc xét duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội, trong đó có một số trường hợp không đúng đối tượng theo quy định.
Những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí Thượng tướng Phương Minh Hòa và đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Thanh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và quân đội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân nhiệm kỳ 2010-2015 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các cá nhân có liên quan.
II- Xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định:
- Thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Mobifone và đồng chí Phạm Đình Trọng, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mobifone; khiển trách đối với đồng chí Phạm Hồng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng và đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
III- Xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định:
- Thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc; cảnh cáo đối với đồng chí Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV.
- Yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV.
IV- Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trần Việt Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty, ký ban hành và tổ chức thực hiện một số quy định về quản lý kinh doanh không đúng thẩm quyền; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Trần Việt Thắng theo thẩm quyền.
V- Xem xét kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, bên cạnh những ưu điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam còn có một số vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ và trong quản lý đất đai.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam nghiêm túc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và kịp thời khắc phục, sửa chữa các vi phạm, khuyết điểm nêu trên.
VI- Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 04 trường hợp; trong đó, giữ nguyên hình thức kỷ luật 03 trường hợp, thay đổi hình thức kỷ luật 01 trường hợp.
Công bố 7 luật vừa được Quốc hội thông qua
 Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng
Ngày 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật vừa được Quốc hội thông qua, gồm Luật Quốc phòng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Luật Đo đạc bản đồ và Luật Sửa đổi bổ sung 11 điều liên quan đến Luật Quy hoạch.
Trừ Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ 1/7/2019, 6 luật còn lại đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Luật An ninh mạng thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm. Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho hay, luật gồm 7 chương, 43 điều.
Luật dành một chương quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo Trung tướng Thuận, đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của luật, thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này.
Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, luật dành một chương quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như: Thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng...
Liên quan đến Luật Tố cáo (sửa đổi), Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, Luật Tố cáo mới vẫn tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như Luật 2011 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
“Khi thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng, chúng ta không nên bỏ qua những hình thức tố cáo bằng thư điện tử, bản fax... Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ không bảo đảm tính khả thi, bởi cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết tố cáo sẽ phải bố trí một nguồn nhân lực rất lớn”, ông Thanh nói và khẳng định, không bỏ qua những thông tin tố cáo đó, kể cả tố cáo nặc danh.
Tuy nhiên, hai hình thức tố cáo chính thức bằng đơn hoặc đến tố cáo trực tiếp rồi ký vào văn bản là những hình thức bắt buộc phải thụ lý, còn những hình thức khác (trong đó có cả nặc danh), cơ quan có thẩm quyền vẫn phải xem xét, nghiên cứu để phục vụ công tác quản lý của mình, nhưng không phải thụ lý, giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại luật này.
Với quan điểm, bảo vệ người tố cáo nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, Luật Tố cáo đã dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, người được bảo vệ gồm người tố cáo, vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Phạm vi bảo vệ gồm bí mật thông tin của người tố cáo, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Chính phủ yêu cầu quy trách nhiệm, sai phạm của bộ, ngành ở dự án BOT
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị Quyết về BOT trong đó đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong cấp phép, đầu tư và quản lý các công trình BOT. Đáng chú ý nhất, Chính phủ đã yêu cầu quy trách nhiệm và xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước tại các dự án BOT.
Nghị quyết số 83/NQ-CP nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Chính phủ yêu cầu tổng kết việc triển khai thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và đầu tư theo hình thức PPP nói chung từ trước tới hết năm 2017 và cập nhật đến thời điểm báo cáo, nhằm đánh giá những mặt được và những hạn chế, bất cập..
Trong các giải pháp đưa ra, Chính phủ yêu cầu có quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư BOT và PPP; bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án, phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, rà soát quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình theo hợp đồng BOT trong đó tập trung sâu về các dự án giao thông; sửa đổi, rà soát, xây dựng và ban hành định mức, đơn giá và công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế, loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm BOT.
Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu quy định rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước trong thực hiện quy trình đầu tư, khai thác các dự án giao thông đầu tư theo hợp đồng BOT.
Về vị trí đặt trạm thu phí đã và đang gây bức xúc của người dân thời gian qua, Chính phủ yêu cầu rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ.
"Xây dựng khung tiêu chuẩn chung làm cơ sở thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, tránh tình trạng độc quyền trong thu phí dịch vụ. Giám sát doanh thu của các trạm và bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí", Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.
Chính phủ nhất trí và yêu cầu từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.
Tiễn biệt nhà giáo tài danh, nhà sử học Phan Huy Lê
 
Sáng 27/6, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), lễ tang cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà sử học tài danh Phan Huy Lê đã được tổ chức trọng thể.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và nhiều vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến viếng cố Giáo sư.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa kính viếng.
Lễ an táng GS Phan Huy Lê tổ chức tại công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h00 cùng ngày.
GS. Phan Huy Lê là chuyên gia hàng đầu của nền sử học Việt Nam, một tài năng, nhân cách lớn đã từ trần hồi 13h10 phút ngày 23/6/2018 tại bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 85 tuổi.
Trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết: "Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, chuyên gia hàng đầu của nền sử học Việt Nam, một tài năng lớn trong giới sử học nước nhà đã ra đi. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến Giáo sư. Vĩnh biệt Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê".
Trong hơn sáu thập kỷ kể từ khi bắt đầu là một giảng viên đại học đến lúc đi xa, ông đã không ngừng học tập và làm việc, nghiên cứu và giảng dạy, đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển giáo dục và nền Sử học nước nhà.
Cả cuộc đời ông là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, về đức tính kiên định, sẵn sàng xả thân vì khoa học, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
GS.Phan Huy Lê Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp) (sinh ngày 23/2/1934) tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là trụ cột của ngành lịch sử Việt Nam và đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1988-2016); Chủ tịch danh dự hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nguyên Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo, đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa; nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, khoa Lịch sử; nguyên chủ nhiệm khoa Đông phương học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.
Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản)… Trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình, GS Phan Huy Lê đã để lại nhiều công trình đồ sộ.
Triệt phá sào huyệt ma túy tại Lóng Luông, Sơn La
 
Ngày 29/6, Công an tỉnh Sơn La chính thức thông tin về việc sử dụng hàng trăm chiến sĩ, xe bọc thép, vũ khí tiến hành vây ráp, tấn công sào huyệt ma túy của các đối tượng là "ông trùm" tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Theo đó, trong hai ngày 27 và 28/6, Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức lực lượng đấu tranh thành công chuyên án đối với nhóm đối tượng có nhiều quyết định truy nã đặc biệt về tội mua bán trái phép chất ma túy tại bản Lũng Xá, Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Đáng chú ý, các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm này đã sử dụng súng tiểu liên AK, súng săn, súng ngắn và lựu đạn chống trả quyết liệt lực lượng chức năng.
Trong nhóm đối tượng này có 2 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm và rất manh động là Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận. Chúng là các mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy trái phép số lượng rất lớn đã bị Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, xử lý hình sự.
Khi đường dây tội phạm ma túy bị phát hiện, cả 2 đối tượng bỏ trốn về bản Lũng Xá, Tà Dê, lợi dụng địa hình miền núi phức tạp để cát cứ, lôi kéo các đối tượng truy nã ở nơi khác tụ tập về mua bán ma túy, tự trang bị nhiều vũ khí quân dụng, khống chế người dân và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị vây bắt.
Quá trình đấu tranh, lực lượng Công an đã kiên trì vận động, thuyết phục đối tượng ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, những đối tượng trên đã không chấp hành mà còn sử dụng vũ khí quân dụng chống đối quyết liệt. Lực lượng Công an đã tiêu diệt 2 đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm là Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận trong chuyên án và một số đối tượng khác.
Bước đầu, lực lượng Công an đã thu giữ 4 súng quân dụng, 3 lựu đạn, hơn 400 viên đạn các loại và một số tang vật khác. Công tác đấu tranh chuyên án bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng thi hành công vụ và nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần