Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng cùng trái cây tăng mạnh, trong khi hải sản rớt giá mạnh

Minh Anh/Tieudung
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, thanh long, dưa hấu đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra, tôm rớt giá thê thảm.

Giá vàng tăng vọt

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.798 USD/oz, giảm hơn 3 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

 

Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh, có lúc lên trên mức 1.820 USD/oz. Nguyên nhân được cho là dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trên toàn cầu và nước Mỹ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Cũng bởi dịch bệnh đã khiến cho nhiều DN tại Mỹ tuần qua nộp đơn xin phá sản; nhiều người Mỹ tiếp tục mất việc làm, với số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 1,3 trệu người. Tuy con số này có giảm su với tuần trước nhưng vẫn còn rất cao. Còn ngân hàng châu Âu (ECB) hạ dự báo tăng trưởng khu vực EU xuống mức âm 8% trong năm 2020.

Cùng với những thông tin kinh tế thì tuần qua Ấn Độ có động thái tẩy chay nhiều ứng dụng công nghệ của Trung Quốc, nổi bật là Tik Tok; kế tiếp là Mỹ cũng đã lên tiếng kiểm soát phần mềm này do lo ngại mất an ninh mạng. Còn tại Anh thì người dân và chính phủ vẫn gây áp lực lên hãng công nghệ Huawei.

Theo nhận định của chuyên gia, việc các nước tẩy chay phần mềm ứng dụng của Trung Quốc khiến cho căng thẳng giữa các bên ngày càng gia tăng. Điều này khiến cho các nền kinh tế vốn đã chịu tổn thương do dịch bệnh tiếp tục chịu những khó khăn do thu hẹp thị trường. Những thông tin này đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng nhằm phòng tránh rủi ro cho dòng vốn.

Tính chung, trong tuần giá vàng thế giới đã tăng 24 USD/oz. Nếu tính mức giá cao nhất tuần, giá vàng có lúc đã tăng trên 40 USD/oz.

Tuần qua, giá vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới. Tuy nhiên, phiên cuối tuần giá vàng trong nước biến động trái chiều nhau, nơi tăng nhưng nơi lại giảm. Bước giá điều chỉnh khá rộng từ trên 100.000 - trên 200.000 đồng/lượng. Trong khi giá vàng biến động mạnh nhưng thị trường lại ảm đạm, thiếu vắng nhà đầu tư. Chủ yếu giao dịch nhỏ lẻ, phần lớn là bán ra.

Tính chung trong tuần giá vàng SJC trong nước đã tăng 660.000 đồng/lượng tại thị trường tự do. Tại Doji giá vàng SJC đã tăng 700.000 đồng/lượng; còn Phú Quỹ đã tăng 500.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Trong khi giá vàng thé giới tăng mạnh, trong nước có diễn biến khó lường, chuyên gia khuyến cao nhà đầu tư không nên lướt sóng vàng tại thời điểm này và hạn chế đầu tư khi giá vàng đang rất cao.

Thanh long tăng giá mạnh

Ngày 7/7, ông Nguyễn Văn Thanh nông dân trồng khoảng 2 ha thanh long huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cắt bán 2 tấn thanh long ruột đỏ, thương lái mua với giá 16.000 đồng ký thu về 32 triệu đồng. Thời điểm này giá tăng gấp 3 đến 4 lần so với thời điểm cách đây khoảng một tháng. “Hàng vào đúng mùa, đầu tư chi phí ít, nhưng được giá cao”, ông Thanh phấn khởi chia sẻ.

 

Ông Thanh cũng đánh giá, theo kinh nghiệm trồng và bán thanh long nhiều năm, trong những ngày tới thanh long sẽ còn giữ giá ở mức cao.

Cạnh vườn của ông Thanh, là vườn chị Nguyễn Thị Hoa. Thanh long vườn nhà chị Hoa cũng đang chín tới, thương lái đã đặt cọc với giá 15.000 đồng/kg. Theo chị Hoa, thanh long chỉ cần giá 10.000 đồng là đã có lời.

“Đợt này ít vườn có thanh long, nhà tôi bán được giá cao nên mừng lắm. Với giá như hiện nay, nông dân trồng thanh long lời khoảng 60 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí tiền điện, phân thuốc và công chăm sóc”, Chị hoa chia sẻ.

Trong vòng 3 ngày qua, giá đột ngột tăng lên gấp đôi so với mức giá trong tháng trước. Các vựa thu mua trong tỉnh liên tục phát giá 15.000-20.000 đồng, tùy theo tỷ lệ đẹp xấu. Hàng đẹp nhất đúng chuẩn xuất khẩu qua Pò Chài (Trung Quốc) được mua 20.000 đồng một ký. Riêng hàng dạt bị nấm, xấu xí trước đây không ai muốn mua, giờ cũng bán được 5.000-6.000 đồng một ký.

Theo các thương lái, hiện nay nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc ổn định, mặt khác vào cuối vụ chong đèn, do nguồn hàng ít, nên giá thu mua tại vườn tăng cao.

Đợt nắng hạn kéo dài vừa qua đã khiến nhiều vườn bị khô héo, các chủ vườn phải phải lặt bỏ búp. Một số vườn có đủ nước tưới duy trì búp trên cành, mới có hàng bán vào thời điểm này

Theo chị Lê Thị Mai, thương lái chuyên mua thanh long xuất khẩu cho biết: “Sở dĩ giá thanh long tăng cao trong mấy ngày nay là do lứa thu hoạch này không có nhiều trái chín. Các vựa không đủ hàng đóng thùng xuất khẩu, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá lên cao. Tại các vườn, nông dân phần đông đều lặt bỏ búp, lặt bỏ bông để dưỡng cây, nên lứa này đứt nguồn hàng”.

Giá dưa hấu tăng mạnh

Vụ Hè Thu năm nay, Hợp tác xã Sản xuất rau và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Kỳ Ninh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trồng dưa hấu giống Phú Điền, với diện tích 11ha.

Những ngày này, trên cánh đồng thôn Tân Thắng và Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh bà con trong Hợp tác xã (HTX) đang tập trung thu hoạch dưa hấu. Thời điểm xuống giống vụ dưa hấu cũng là lúc cả nước mới trải qua đợt cách ly toàn xã hội, kinh tế chưa ổn định trở lại, giá dưa hấu ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ rớt thê thảm, chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Các thành viên HTX rất hoang mang, không muốn trồng dưa hấu.

 
Tuy nhiên, ông Dương Đình Lợi (Giám đốc HTX) đã động viên các thành viên tiếp tục xuống giống với diện tích 11 ha dưa hấu. Ông Lợi cùng các thành viên HTX bỏ công đầu tư, chăm sóc. Sau hơn 2 tháng, 11 ha dưa hấu đã cho thu hoạch với năng suất 20 tấn/ha. Hiện bà con đã tiêu thụ được 60 tấn với giá mua tại vườn 6.500 đồng/kg.

Theo người dân địa phương, năm nay nắng nóngnhiều, mưa ít phù hợp cho cây dưa hấu phát triển. Bên cạnh đó, nhờ đầu tư đúng quy trình kỹ thuật nên dưa hấu của HTX phát triển tốt, đặc biệt là sâu bệnh ít nên cho quả to và đều. Dưa được mùa, người nông dân càng phấn khởi khi giá tăng liên tục.

Ông Lợi cho biết: “Rất may vụ dưa này không bị rớt giá như trước đợt dịch Covid -19, ngược lại giá ngày càng tăng, có thời điểm giá dưa hấu lên đến 7.000 đồng/kg. Theo tính toán với năng suất 20 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư, hết vụ mùa HTX chúng tôi cũng phải lãi hơn 50 triệu đồng/ha. Sau đợt dịch kéo dài thì đây là số tiền lớn giúp HTX chúng tôi khôi phục lại kinh tế”.

Ông Trần Ngọc Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: “Mặc dù sau đại dịch Covid-19 việc khôi phục sản xuất gặp rất nhiều khó khăn nhưng các thành viên của HTX Sản xuất rau và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Kỳ Ninh đã rất nỗ lực chăm bón tốt diện tích dưa hấu của mình nên đến thời điểm này vừa được mùa lại được giá, hơn nữa chất lượng dưa tốt hơn năm ngoái, rất được thị trường ưa chuộng”.

Vụ dưa hấu năm nay vừa được mùa lại vừa được giá sẽ là động lực để nông dân xã Kỳ Ninh tiếp tục tăng gia sản xuất.

Giá cá tra thấp, nhiều hộ nuôi cá lỗ nặng

Chiều 7/7, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, hiện nay giá cá tra tiếp tục duy trì ở mức thấp khiến hàng loạt hộ nuôi gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, giá cá tra dao động từ 17.500 - 19.000 đồng/kg (tùy loại), với mức này người nuôi chịu lỗ từ 3.500 - 5.000 đồng/kg, mức lỗ khá nặng.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2020 toàn vùng ĐBSCL dự kiến thả nuôi khoảng 6.600ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá cá tra thương phẩm dao động ở mức từ 19.000 đồng/kg trở xuống, thấp hơn chi phí giá thành nhiều. Nguyên nhân khiến cá tra sụt giảm là do diện tích thả nuôi tăng nhanh, trong khi đầu ra gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Cộng với sự cạnh tranh của những quốc gia khác tăng cường nuôi cá tra trong mấy năm gần đây. 

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu năm 2018 đạt 2,8 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2017; trong đó, Việt Nam khoảng 1,3 triệu tấn (chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu, Indonesia và Bangladesh khoảng 300.000- 400.000 tấn mỗi nước, Ấn Độ đạt 855.500 tấn…

Tôm mất mùa rớt giá

 

Dịch bệnh kéo dài, tôm chậm lớn, khiến vụ nuôi tôm chính trong năm của nông dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị sụt giảm mạnh về sản lượng, giá bán cũng giảm mạnh.

Gia đình anh Hoàng Xuân Huy ở xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thả nuôi 80 vạn con tôm giống trong vụ 1. Được anh chăm sóc khoa học, cẩn thận và thường xuyên giữ nước trong ao được sạch sẽ... Mặc dù vậy, tôm nuôi của gia đình anh vẫn mắc phải bệnh phân trắng, hồng thân, chậm phát triển. Qua 4 tháng thả nuôi, nhưng sản lượng tôm chỉ đạt được 4 tấn trên tổng diện tích 8.000m2, giảm 7 - 8 tấn so vụ 1 năm 2019.

Đặc biệt, tôm mất mùa nhưng nguồn thức ăn, thuốc men trong nuôi trồng thủy sản vẫn tăng khiến gia đình anh Huy càng thêm thua lỗ. Hiện tại, tôm loại 70 con/kg, chỉ bán với giá 100 nghìn đồng, giảm 40 nghìn, tôm loại 50 con/kg có giá 110 - 120 nghìn đồng, giảm 60 nghìn đồng, loại 30 con/kg chỉ có giá 170 - 180 nghìn đồng, giảm từ 110 - 120 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với hơn 186 ha. Tuy nhiên, vụ nuôi chính trong năm 2020 được xem là vụ nuôi khó khăn nhất. Toàn xã thu hoạch tôm vụ 1 được 350 tấn, giảm gần 200 tấn và 20 tỷ đồng so với nuôi tôm vụ 1 năm 2019.

Theo ông Hoàng Quang Dũng - Cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Bảng chia sẻ thì trong quá trình thả nuôi do môi trường nước, khí hậu thay đổi liên tục trong ngày; hơn nữa các con sông bị ô nhiễm, bồi lắng, chưa được nạo vét. Bên cạnh đó, nước từ các kênh mương sản xuất nông nghiệp và từ khu dân cư đổ ra sông, sau đó các hộ dân lấy nước vào ao xử lý để nuôi tôm; vì vậy nguồn nước không đảm bảo môi trường. Hơn nữa, chất lượng các giống tôm năm nay không đảm bảo, kéo theo thời gian nuôi dài, chi phí đầu tư lớn nên nên người nuôi tôm thua vốn.

Còn tại xã An Hòa có hơn 40ha chuyên canh nuôi tôm, với hơn 200 hộ nuôi. Các hộ nuôi tôm ở địa phương này đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, năm nay có nhiều yếu tố bất lợi tác động nên diện tích tôm mắc dịch bệnh khá nhiều. Đối với số ít diện tích tôm sống sót, kể cả các loại giống có thương hiệu, uy tín trên thị trường đều sinh trưởng, phát triển chậm.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tôm thương phẩm của An Hòa cũng như các xã khác trong toàn huyện không xuất khẩu được mà chỉ bán ở thị trường trong nước. Vì vậy, giá cả thấp và không ổn định nên người nuôi tôm ở đây thất thu lớn.