Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas, thực phẩm đồng loạt tăng mạnh

Lan Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, gas, rau xanh, cua biển, gà... đồng loạt tăng mạnh.

Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.775 USD/oz, đi ngang so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
 
Tuần qua, giá vàng có những phiên biến động mạnh. Đầu tuần, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thận trọng nhận định về kinh tế Mỹ sẽ giảm do dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt. Ucngf với đó là căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông khiến cho nhà đầu tư càng thêm lo lắng. Mặc dù cuối tuần, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu việc làm tuần qua tiếp tục khả quan, với 4,6 triệu việc làm mới được tạo thêm và có 1,43 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, con số này tuy đã giảm so với 1,5 triệu người tuần trước đó, nhưng chuyên gia vẫn cho rằng đây vẫn là con số thất nghiệp cao. Có thể dịch bệnh gia tăng cuối tháng 6, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và số liệu này chưa cập nhật.
Dịch bệnh tiếp tục gia tăng, sẽ khiến kinh tế Mỹ có thể chưa phục hồi được, đó chính là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng.
Chốt tuần, giá vàng thế giới tăng 5 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, giá vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới. Các phiên giá vàng SJC và vàng nhẫn đều được điều chỉnh bước giá khá rộng từ 100 - 400.000 đồng/lượng. Chỉ có phiên cuối tuần, khi vàng thế giới đi ngang thì vàng trong nước tăng nhẹ.
Chốt tuần tại thị trường tự do vàng SJC đã tăng 550.000 đồng/lượng. Tại Doji tăng 500.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Phú quý tăng 420.000 đồng/lượng. Có đơn vị đã niêm yết giá vàng lên 50 triệu đồng/lượng là Maritimebank.
So với giá vàng thế giới, tuần giá vàng trong nước đã điều chỉnh tăng mạnh. Theo nhận định của một số doanh nghiệp, mặc dù giá vàng tăng mạnh nhưng thị trường không quá sôi động.
Giá gas tháng 7 tăng thêm 3.500 đồng bình/12kg
Chiều 30/6, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ 1/7 giá bán gas được điều chỉnh tăng 292 đồng/kg (đã VAT), tương đương tăng 3.500 đồng bình/12kg. Giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là 314.500 đồng/bình 12 kg.
 
Tương tự, ông Lê Quang Tuấn - trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) - cũng cho biết các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp tăng 250 đồng/kg, tương ứng 3.000 đồng/bình 12kg.
Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của một số thương hiệu gas như City Petro, Esgas, Gas Pacific… trong tháng 7 không vượt quá 338.00 đồng/bình 12kg và 1.408.000 đồng/bình 50kg.
Theo ông Tuấn, do giá gas thế giới tháng 7 công bố 350 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn kéo giá gas bán lẻ trong nước tăng dù nhiều ngày qua đều dự báo giảm.
Như vậy, giá gas tháng 7 đã tăng trở lại, sau khi giữ giá trong tháng 6/2020. Tính từ đầu năm đến nay thì đây là tháng thứ ba giá gas tăng với tổng mức là 85.500 đồng/bình 12kg.
Giá rau củ tăng mạnh
Những ngày gần đây, giá rau, củ, quả thực phẩm tại các chợ trên địa bàn TP.Đà Nẵng luôn ở mức “nóng” và tăng cao. 
 
Ghi nhận tại chợ đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), các gian hàng rau củ quả luôn tấp nập người mua bán. Lượng rau tại đây được nhập chủ yếu từ các vùng trồng rau sạch ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Bên cạnh đó, vì nguồn rau quả tại địa phương khan hiếm nên thương lái phải nhập thêm hàng từ Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An… nhằm đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường.

Chị Kim Ánh, tiểu thương bán rau tại chợ đầu mối cho biết: “Vì nắng nóng nên nông dân khó trồng rau và sản lượng giảm mạnh, không đủ cung cấp cho thị trường. Ngoài nguồn rau thu mua từ Điện Dương (Quảng Nam), tôi còn phải nhập thêm từ các mối khác mới đủ bán. Hiện nay, cải ngọt dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, khổ qua từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, xà lách 55.000 đồng/kg, mồng tơi 8.000 đồng/bó, bắp su 14.000 đồng/kg, đậu tây 20.000 đồng/kg…

Khảo sát tại các chợ dân sinh khác như chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang), rau củ quả được nhập về từ chợ đầu mối Hòa Cường và một số vùng sản xuất nhỏ lẻ khác. Các tiểu thương cho hay, nắng hạn khó trồng rau, nguồn hàng khan hiếm nên giá thành nhích lên qua từng ngày: khổ qua 20.000 đồng/kg (tăng 3.000 - 5.000 đồng), cải ngọt 15.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng), xà lách 55.000 đồng/kg (tăng 15.000 - 20.000 đồng), rau mồng tơi 10.000 đồng/bó (tăng 2.000 - 3.000 đồng).

Giá hành lá cao nhất 3 năm qua

Chị Hoa, ở Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hơn tuần nay chị đi chợ và khá bất ngờ vì giá hành lá tăng khá cao, lên 80.000 đồng/kg. "Thông thường mua rau, người bán hay cho thêm hành. Nhưng mấy ngày nay, các tiểu thương đều đề nghị mua thêm vì giá hành lên quá cao, gấp đôi so với trước. Tôi mua thêm 10.000 đồng cũng chỉ được 1 lạng hành lá", chị Hoa nói.

 

Chị Loan, chuyên bán bún bò ở quận 3 cũng cho biết, trước đây chị hay mua số lượng nửa kg hành một lần thì nay phải mua 3 kg để được giá sỉ. Tuy nhiên, giá hành tính ra vẫn cao gấp đôi so với trước đó.

Theo người dân tại thủ phủ chuyên trồng hành Đồng Tháp, hiện hành lá ở vườn đang được bán giá 45.000 đồng một kg, tăng 25.000 đồng so với tháng trước đó. Với mức giá này, bình quân mỗi công hành lá (1.000m2) cho thu nhập trên 20 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Đây cũng là mức lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác.

Cùng với Đồng Tháp, hiện giá hành lá tại các tỉnh An Giang, TP Hồ Chí Minh cũng tăng cao thêm 30% so với cùng kỳ. Giá bán hành lá tại vườn ở các khu vực này dao động 35.000 - 40.000 đồng một kg. Còn giá bán lẻ tại chợ lên đến 60.000 - 80.000 đồng một kg tùy loại.

Nguyên nhân do đang bước vào mùa mưa nên năng suất hành không cao, dễ phát sinh bệnh. Cũng chính vì năng suất giảm nhưng nhu cầu của thị trường cao nên giá sản phẩm tăng đột biến và được cho là cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Cua biển tăng giá trở lại

Ngày 4/7, theo ghi nhận, giá cua biển trên thị trường Cà Mau tăng trên dưới 50.000 đồng/kg (tùy loại). Theo đó, cua gạch được thương lái thu mua với giá 500.000 đồng/kg; cua y loại 1 giá 300.000 đồng/kg; cua y tứ (dưới 300 gram/con) giá 180.000 đồng/kg…

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cua biển Cà Mau có thời điểm trượt giá "không phanh". Đặc biệt, có lúc thương lái ngưng thu mua cua thương phẩm do thị trường truyền thống Trung Quốc bị "đóng băng". Từ đó, khiến cho nhiều hộ nuôi cua ở vùng đất cực Nam tổ quốc "đứng ngồi không yên".

Thời gian gần đây, giá cua biển tăng trở lại do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, việc giao thương trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Văn Đoàn (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Tôi rất mừng vì cua tăng giá trở lại, hiện mỗi ngày đặt rập tôi bắt được khoảng 5kg cua, thu về hơn 1,5 triệu đồng. Sau dịch Covid-19, gia đình nào ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và đây là khoản tiền hữu ích để người dân tái vụ mới".

Tuy nhiên, không phải hộ nuôi nào cũng hưởng niềm vui trọn vẹn như hộ ông Đoàn. Ông Nguyễn Văn Út (ngụ huyện Năm Căn) cho hay trước đó ông đã canh thời điểm thích hợp để thả 6.000 con cua giống nhằm thu hoạch đúng dịp Tết nguyên đán với mong muốn bán với giá cao. Tuy nhiên, năm nay vào đúng thời điểm thu hoạch giá cua lại giảm mạnh do dịch Covid-19 hoành hành.

"Vụ cua này, tôi mất hàng chục triệu đồng do không gặp may. Trong tháng tới, khi độ mặn ở vuông nuôi giảm tôi sẽ bắt con giống để thả vụ mới", ông Út chia sẻ.

Giá gà công nghiệp tăng mạnh

Ngày 1/7, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, giá gà công nghiệp đang ở mức cao nhất tính từ đầu năm 2020 tới nay. Hiện, giá gà công nghiệp bán ra tại chuồng ở mức 35.000 - 36.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 12.000 đồng/kg so với hơn một tháng trước.

 

Theo các thương lái thu mua gà tại Đức Trọng và Lâm Hà, giá gà tăng cao do thời gian gần đây người chăn nuôi tại Lâm Đồng và nhiều địa phương trong cả nước đã hạn chế tái đàn vì giá thấp kéo dài. Đồng thời, thời gian qua do thịt lợn giá cao khiến nhiều người dân lựa chọn chuyển dần qua ăn thịt gà. Với giá gà hiện tại, người chăn nuôi lãi từ 10.000 - 12.000 đồng/kg gà xuất chuồng.