Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra và sầu riêng rớt giá

Minh Anh/Tieudung.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, xăng dầu, gas, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra và sầu riêng rớt giá thê thảm.

Giá vàng tăng vọt

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.975 USD/oz, tăng 16 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra và sầu riêng rớt giá

Tuần qua giá vàng trong nước biến động mạnh do dịch bệnh Covid-19 không được kiểm soát tốt. Cùng với đó là Mỹ công bố báo cáo kinh tế quý 2, với GDP sụt giảm mạnh mất 33%. Tỷ lệ thất nghiệp mới cũng gia tăng, với hơn 1,42 triệu người nộp đơn xin trợ cấp lần đầu.

Mặc dù, số liệu không khả quan, nhưng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết: 2 tháng 5 và 6 kinh tế Mỹ đã có phục hồi tích cực hơn kỳ vọng.

Chính những thông tin tích cực và không tích cực đan xen dã khiến cho giá vàng thế giới liên tục đảo chiều. Các phiên tăng giảm đan xen nhau. Phần lớn mức tăng nhiều hơn mức giảm.

Tính chung, trong tuần giá vàng thế giới đã tăng 74 USD/oz so với giá chốt phiên cuối tuần trước và tăng 60 USD/oz so với giá mở cửa tuần.

Tuần qua, giá vàng trong nước có 3 phiên đầu tuần đi cùng xu hướng thế giới. 3 phiên cuối tuần vàng SJC có diễn biến trái chiều. Các phiên trong tuần vàng thế giới có những phiên tăng - giảm đan xen, nhưng vàng trong nước gần như đi ngang và tăng.

Tính chung trong tuần giá vàng SJC tại thị trường tự do đã tăng 1,93 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji tăng 2,2 triệu đồng/lượng, còn Phú Quý đã tăng 1,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng bật tăng mạnh vào sáng nay là do, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – Ghebreyesus đã có bài phát biểu về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã làm phần lớn người dân trên thế giới vẫn dễ bị tổn thương. Hệ lụy của nó sẽ tác động đến kinh tế trong nhiều thập kỷ tới…

Bài phát biểu của ông Ghebreyesus cho các nhà đầu tư thấy tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, đặc biệt hệ quả của dịch bệnh không chỉ làm con người tổn thương mà các nền kinh tế cũng bị tổn thương kéo dài.

Những rủi ro trên thị trường đã khiến nhà đầu tư tích cực mua vàng nhằm hạn chế tổn thất vốn. Đến nay, các chuyên gia vẫn dự báo vàng có thể tăng lên mốc 2.000 USD/oz, chỉ có điều thời gian nào mà thôi.

Giá xăng dầu tăng nhẹ

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 28/7, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện trích lập Quỹ Bình đã thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đối với xăng xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, dầu diezen 300 đồng, dầu hỏa 300 đồng/lít.

Theo đó, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 900 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 479 đồng/lít, dầu mazut 0 đồng/kg, dầu diezen 100 đồng, dầu hỏa 167 đồng/lít.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra và sầu riêng rớt giá

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu thay đổi như sau: Xăng E5RON92: tăng 90 đồng/lít; Xăng RON95-III: giảm 47 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 116 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 253 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 126 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: Không cao hơn 14.409 đồng/lít; Xăng RON95-III: Không cao hơn 14.973 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 12.397 đồng/lít; Dầu hỏa: Không cao hơn 10.279 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 11.183 đồng/kg.

Giá gas tháng 8 tiếp tục tăng 2.000 đồng/bình 12kg

Theo thông báo của các doanh nghiệp đầu mối tại TP Hồ Chí Minh từ 1/8, giá bán gas được điều chỉnh tăng 2.000 đồng bình/12kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra và sầu riêng rớt giá

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ 1/8 giá bán gas tăng thêm 2.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là 316.000 đồng/bình 12kg.

Tương tự, Công ty Gas Pacific Petro, City Petro, ESGas, PetroVietNam Gas cũng công bố giá gas tăng 2.000 đồng/bình 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá quá 340.000 đồng/bình 12kg.

Công ty TNHH Gas Petrolimex cũng tăng 2.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh là 314.000 đồng/bình 12kg.   

Theo các công ty gas, những ngày cuối tháng 7 giá gas thế giới tăng cao. Đơn cử như ngày 22/7, giá gas thế giới là 385 USD/tấn, dự báo giá bán lẻ trong nước tăng gần 10.000 đồng/bình.

Tuy nhiên, đến ngày 28/7 giá gas thế giới tháng 8 chốt ở mức 355 USD/tấn chỉ tăng 5 USD/tấn so với tháng trước. Vì vậy các công ty đã điều chỉnh theo.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay giá gas tăng 4 lần, với tổng mức tăng là 87.500 đồng/bình 12kg. 

Giá rau củ tăng mạnh

Khảo sát tại các chợ lẻ ở Hà Nội như Nhân Chính (Thanh Xuân), Láng Hạ (Đống Đa), Nghĩa Tân (Cầu Giấy),... cho thấy giá các loại rau, củ tăng liên tục trong những ngày gần đây.

Giá bán rau xanh tại chợ Nhân Chính các loại như bắp cải 20.000 đồng/kg, cải ngọt 20.000 đồng/kg, bí xanh 25.000 đồng/kg, xà lách 50.000 đồng/kg; các loại rau mùi như hành, ngò, rau thơm khoảng 50.000 đồng/kg..., tăng 3.000 - 8.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu giảm.

Đặc biệt, có loại tăng gần 10.000 đồng/kg so với giá bán tuần trước như cà chua, đậu côve lên 30.000 đồng/kg. Chị Mai, tiểu thương tại chợ Nhân Chính, cho biết giá rau, củ trong tuần qua tăng liên tục, đặc biệt là các loại củ, quả.

Theo đó, tại gian hàng của chị Mai, khoai lang tăng 5.000 đồng lên 25.000 đồng/kg, khổ qua 12.000 đồng/kg, rau ngót tăng 3.000 đồng lên 10.000 đồng/bó, cà rốt tăng 4.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, khoai tây 25.000 đồng/kg...

Lý giải nguyên nhân rau, củ tăng giá mạnh, tiểu thương này cho biết do nhiều mặt hàng cuối vụ nên nguồn cung giảm. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại đẩy giá thành sản xuất, dịch vụ vận chuyển lên cao.

"Dịch bệnh bùng phát trở lại, nếu có thông báo giãn cách xã hội lần nữa thì giá rau còn tăng", chị lo ngại.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra và sầu riêng rớt giá

Tương tự, giá các mặt hàng thực phẩm như rau củ đang tăng khá mạnh ở các chợ lẻ của TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, bắp cải tím 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng; bí đỏ 25.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng.

Các loại bí xanh, bông cải, cải ngọt, cà rốt lần lượt tăng 3.000-5.000 đồng lên 20.000 - 40.000 đồng/kg. Riêng với cà chua, đậu cô ve tăng thêm 10.000 đồng lên 40.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, giá rau củ cũng nhích lên 1.000-3.000 đồng so với tuần trước đó. Lượng hàng về chợ trong ngày 29/7 giảm vài chục tấn so với ngày 28/7.

Lý giải nguyên nhân tăng giá mạnh, chị Loan, chủ sạp bán hàng tại chợ Tân Định (quận 1) cho biết, do đợt này nhiều mặt hàng hết vụ nên nguồn cung giảm. Vì vậy, giá rau củ nhanh chóng tăng mạnh suốt tuần qua.

Cũng xác nhận rau củ liên tục tăng giá, chị Hạnh, tiểu thương chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho biết, mấy ngày nay chị không dám lấy cà chua, đậu cô ve và các loại rau sống, rau thơm nhiều vì giá tăng quá cao.

"Loại cà chua trái tròn to trước đây 25.000 - 30.000 đồng/kg, nay tăng lên 40.000 đồng. Tôi bán cho khách lẻ 10.000 đồng/trái nhưng thường bị họ chê đắt", chị Hạnh nói.

Đại diện chợ đầu mối cũng cho hay, giá rau củ tăng do thời tiết thất thường khiến dịch bệnh nhiều, năng suất giảm. Mặt khác, dịch bệnh kéo dài khiến người dân giảm diện tích trồng cũng là lý do khiến nguồn cung thấp.

Cá tra giảm giá mạnh

Ông Trí, người nuôi cá ở An Giang lo lắng hơn một tháng nay vì cá tra thương phẩm đã quá lứa nhưng chưa bán được do các nhà máy sản xuất thu mua chậm.

"Hiện tôi bán cá tra thương phẩm với mức giá chỉ 17.000 đồng/kg, lỗ 5.000 - 7.000 đồng so với mức vốn. Nhưng nếu không bán, chi phí thức ăn tăng cao, tôi lại càng lỗ nặng hơn", ông Trí nói và cho biết, ao nuôi nhà ông đang có khoảng 200 tấn cá vẫn chưa thể bán được.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra và sầu riêng rớt giá

Cũng cho biết thua lỗ vụ cá tra năm nay, ông Bằng - hộ nuôi ở Cần Thơ đang phải bán cá tra nguyên liệu dưới giá thành. "Cá tra thương phẩm tôi bán chỉ 17.500 - 18.500 đồng/kg. Trong khi giá thành đầu tư bình quân lên tới 25.000 đồng. Do đó, dù bị lỗ khoang 6.000 - 7.000 đồng/kg vẫn phải tìm đầu mối để bán", ông Bằng nói.

Ông Bằng cũng cho biết, sau đợt này có thể sẽ ngưng nuôi một thời gian vì ảnh hưởng dịch bệnh đang khiến sức tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam), năm 2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến thả nuôi khoảng 6.600 ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cá tra thương phẩm dao động dưới 19.000 đồng/kg khiến tình trạng nuôi giảm.

Nguyên nhân khiến cá tra lao dốc là đầu ra gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Cộng với sự cạnh tranh của những quốc gia khác tăng cường nuôi cá tra trong mấy năm gần đây.

Hiện sản lượng nuôi cá tra tăng nhanh ở Ấn Độ, Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc có 20 nhà máy chế biến cá tra với năng lực sản xuất ước tính khoảng 30.000 tấn và đang đẩy mạnh nuôi, chế biến cá tra để phục vụ tiêu thụ nội địa... Vì thế, ngành cá tra Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn do có những đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Giá sầu riêng giảm kỷ lục

Theo khảo sát của phóng viên, thời gian gần đây, tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giá sầu riêng giảm mạnh, hiện dao động quanh mức 30.000 - 60.000 đồng/kg, tùy kích thước.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi cá tra và sầu riêng rớt giá

Chị Hồng, tiểu thương bán trái cây tại chợ Cây Gõ (quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi chị bán sầu riêng đến nay chưa có năm nào giá lại rẻ như năm nay. Nếu như thời điểm tháng 5, sầu riêng ri 6 với giá 90.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 50.000 đồng.

“Sầu riêng Ri 6 nhưng cũng tùy loại, nếu quả to, mướt đẹp thì mới bán được ở mức giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Riêng loại nhỏ, hoặc bị nứt đít thì chỉ có giá 30.000 - 35.000 đồng/kg”, chị Hồng nói.

Tương tự, tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), chia sẻ với phóng viên, anh Tấn, chuyên cung cấp sầu riêng tại chợ này cho biết, với sầu riêng hạt lép miền Tây nếu khách mua sỉ từ 10kg trở lên bán đồng giá 35.000 đồng/kg, nếu mua lẻ 50.000 đồng/kg (bao lựa, bao ăn).

“Sầu riêng nhập về TP Hồ Chí Minh chỉ có 2 nguồn chính, một là Tây nguyên, 2 là miền Tây. Năm nay, sầu riêng Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai… có chất lượng tốt, nên giá giữ vững ở mức 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng được trồng ở miền Tây vì chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn, chất lượng không đồng đều, do đó giá bán rẻ hơn phân nữa chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg”, anh Tấn nói.

Cũng theo anh Tấn, thực chất giá sầu riêng đã giảm ngay từ đầu mùa vụ và đến hiện tại thì giảm nhiều hơn. Nguyên nhân xuất phát từ nguồn cung dồi dào trong khi sức mua chưa ổn định sau dịch Covid-19, đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu.

Ngoài các chợ dân sinh, ghi nhận cho thấy tại hầu hết các hệ thống siêu thị Big C và Co.opMart trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cũng đang bán sầu riêng với giá rẻ chưa từng có. Nếu như trước đây sầu riêng Ri 6 được bán trong siêu thị không bao giờ thấp hơn mức 100.000 đồng/kg, thì nay cũng đã giảm chỉ còn trong khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg.