Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi thịt heo, tôm, cua rớt giá thê thảm.

Giá vàng tăng mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh mức 1.963 USD/oz, tăng 33 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh

Theo phân tích của các chuyên gia, khi nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu suy thoái, ông Abe từ chức, khiến nhà đầu tư lo ngại Nhật Bản bị rơi vào suy thoái nhanh hơn. Và thị trường chứng khoán Nhật Bản ngày 28/8 đã giảm điểm, trong khi đồng yen tăng nhẹ.

Cùng với đó, ngày 26/8 Mỹ đã đưa hàng loạt viện nghiên cứu vào danh sách trừng phạt, trong đó có 3 viện nghiên cứu của Nga. Một trong số đó có viện nghiên cứu vaccine Covid-19. Việc đưa các viện nghiên cứu trên thế giới vào danh sách trừng phạt của Mỹ đang dấy lên lo ngại, dịch bệnh chưa được đẩy lùi, các viện nghiên cứu vaccine bị trừng phạt sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, điều chế vaccine cho phòng chống dịch bệnh. Những lo ngại kể trên đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng, chỉ sau 1 phiên bán ra.

Tuần qua, giá vàng đã có 3 phiên đầu tuần biến động trong biên độ hẹp khi nhà đầu tư chờ đợi bài phát biểu chủ Chủ tịch Cục dự trữ Liên hang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, ngày 27/8, trước khi Chủ tịch Fed có bài phát biểu, giá vàng thế giới đã tăng mạnh trên 20 USD/oz, do Mỹ đã đưa hàng loạt DN công nghệ của Trung Quốc vào danh sách gây mất an ninh quốc gia.

Sau Huawei, ByteDance (chủ sở hữu ứng dụng TikTok), đến Tencent (chủ sở hữu WeChat) thì Alibaba có thể bị dính “nghi án” này. Nhưng cũng chỉ sau đó 1 phiên, bài phát biểu của Chủ tịch Fed đã khiến giá vàng lao dốc.

Phiên cuối tuần, giá vàng bứt phá mạnh nhất tuần, với mức điều chỉnh đến 35 USD/oz. Tính chung, tuần qua vàng thế giới đã tăng 31 USD/oz so với giá mở cửa tuần. Nếu so với mức giá thấp nhất tuần, giá vàng thế giới đã tăng 45 USD/oz.

Nhà phân tích thị trường của CMC Markets UK, David Madden, cho biết: “Việc bán tháo khá lớn đồng bạc xanh đã nâng đỡ vàng. Fed có thể cho phép lạm phát vượt quá mục tiêu 2%, chứng tỏ chính sách tiền tệ cực kì lỏng lẻo, điều này sẽ giúp ích cho vàng”. 

"Fed tuyên bố chấp nhận lạm phát cao hơn là tín hiệu rất tích cực đối với vàng, nhưng thị trường đã dự đoán được điều đó nên tin tức không còn có thể thúc đẩy nhà đầu tư mua vàng", Daniel Ghali, chuyên gia hàng hóa tại TD Securities nhận xét.

Tuần qua, giá vàng trong nước cũng điều chỉnh theo xu hướng thế giới. Hầu hết, các phiên mở cửa điều chỉnh giá không nhiều, nhưng trong giao dịch biến động mạnh. Tính chung, giá vàng SJC tại thị trường tự do tuần qua đã tăng 650.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Vàng miếng SJC tại Doji tăng 550.000 đồng/lượng; còn Phú Quý tăng 1,7 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Giá xăng RON95 tăng nhẹ 

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 27/8, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: xăng E5RON92 ở mức 0 đồng/lít, xăng RON95 trích lập ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít và dầu mazut trích lập ở mức 100 đồng/kg. 

Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.295 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 670 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít, dầu mazut ở mức 453 đồng/kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán mặt hàng xăng E5RON92 và dầu mazut giữ ổn định, giá dầu diesel giảm 240 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 82 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng 192 đồng/lít so với giá hiện hành.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: Không cao hơn 14.409 đồng/lít; xăng RON95-III: Không cao hơn 15.114 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 11.961 đồng/lít; Dầu hỏa: Không cao hơn 10.125 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 11.183 đồng/kg.

Giá thịt lợn giảm, rau xanh tăng mạnh tại Hà Nội

Gần đây, giá lợ hơi trên thị trường đột ngột giảm xuống còn 82.000 - 83.000 đồng/kg ở nhiều tỉnh phía Bắc. So với mức giá cao kỷ lục 100.000 đồng/kg cách đây 3 tháng thì đây là mức giảm đáng kể. 

Theo đó, giá thịt bán bán lẻ giảm từ 160.000 đồng/kg về còn 130.000 đồng/kg, xương hoặc thịt ngon có giá 140.000 - 150.000 đồng/kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh

Tuy nhiên, không ít nơi vẫn “quen” bán ở mức giá cao và không muốn hạ. Theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên ở Hà Nội, thịt ba chỉ được bán với giá 150.000 - 160.000 đồng/kg, sườn cũng được bán ra với giá 160.000 đồng/kg, các loại thịt khác như mông sấn, nạc vai có giá 150.000 - 155.000 đồng/kg.

Cách đây vài ngày, dù giá thịt lợn đã giảm, nhưng một số nơi còn bán với giá 170.000 - 190.00 đồng/kg.

Chị Kiều Oanh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bức xúc vì nhiều tiểu thương lợi dụng giá lợn hơi có đợt tăng mạnh để tiếp tục bán giá cao, nhằm trục lợi, gây thiệt hại cho người mua.

Đặc biệt theo chị, khi hỏi người bán tại sao giá lợn hơi giảm mạnh mà giá bán lẻ vẫn đắt như trước thì chỉ được câu trả lời: Giá thịt hiện vẫn thế, không phải ở đâu cũng giảm.

Trong khi giá lợn hơi giảm thì mặt hàng rau xanh lại tăng giá mạnh. Nguyên nhân theo người bán là do mưa liên tục trong nhiều ngày khiến lượng hàng nhập vào bị giảm đi.

Hiện, giá rau xanh tại các chợ dao động ở mức 8.000 - 15.000 đồng/mới, tuỳ loại. Trong đó, các loại rau cải xanh, cải đắng là có giá cao nhất, do mặt hàng này bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt mưa vừa qua. Ghi nhận tăng giá mạnh là bí xanh, hiện đang có giá trên 20.000 đồng/kg.

“Mưa này khiến rau xanh hỏng nhiều, đầu buôn phải lọc bỏ hàng hỏng đi nên lượng cung ra không nhiều khiến giá tăng. Mùa này, một số loại thực phẩm như cà rốt hay củ cải cũng phải bổ sung thêm hàng Trung Quốc do không phải mùa”, một người buôn cho hay.

Giá cua giảm mạnh 

Tại Cà Mau, giá cua đang ở mức thấp, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, cua gạch son được thương lái thu mua giá 230.000 - 250.000 đồng/kg, giảm gần 100.000 đồng/kg so với tháng trước; cua y có từ 160.000 - 170.000 đồng/kg, giảm 80.000 đồng/kg; cua tứ 150.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh

Một thương lái thu mua trên địa bàn huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 nên mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, hàng nông, lâm sản cũng giảm giá.

Ông Trần Văn Khởi, nông dân ngụ ấp 8, xã Thới Bình (huyện Thới Bình) cho biết: Giá cua trong thời gian qua đã giảm gần 80.000 đồng/kg. Trước đây tôi bán được 3 - 4 triệu đồng/ngày, nhưng với giá cua hiện tại chỉ bán được 1, 7 - 2,5 triệu đồng/ngày. Thời gian gần đây thời tiết khá thuận lợi nên cua nuôi phát triển rất tốt. Tôi nuôi 3 tháng cua có trọng lượng 5 - 6con/kg, nuôi 4 tháng đạt từ 3 - 4 con/kg. Hiện tôi vừa thả nuôi thêm 1.000 con, mong đầu tháng sau giá cua sẽ tăng trở lại.

So với giá cua thì giá tôm chỉ giảm nhẹ và giữ mức ổn định. Theo đó, tôm thẻ 100 con/kg có giá 68.000 đồng; loại 40 con/kg giá 100.000 đồng; loại 30 con/kg giá 115.000 đồng; 20 con/kg giá 120.000 - 125.000 đồng.

Còn giá tôm sú loại 20 con/kg giá 190.000 đồng; 30 con/kg giá 160.000 đồng; loại 40 con/kg giá 140.000 đồng; 50 con/kg giá từ 110.000 - 115.000 đồng/kg.

Tôm hùm rớt giá thê thảm

Thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch tôm hùm thương phẩm (tôm thịt) của ngư dân nuôi tôm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), nhưng nhiều người nuôi tôm ở đây lỗ nặng do giá giảm sâu.

Cụ thể, tôm hùm bông (tôm hùm sao) được thương lái mua gom bằng hình thức “cân xô” cùng một mức giá 800.000 đồng/kg đối với tôm loại 1 (1 kg/con trở lên), loại 2 (từ 8 lạng đến dưới 1 kg/con) và loại 3 (từ 6 lạng đến dưới 8 lạng/con).

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh

So với 3 tháng trước, giá tôm hùm bông loại 1 giảm 600.000 - 650.000 đồng/kg, giá tôm hùm bông loại 2 giảm 450.000 - 500.000 đồng/kg, giá tôm hùm bông loại 3 giảm 300.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Bé, một người dân nuôi tôm ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: Sau thời gian giá tôm hùm giảm sâu do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến xuất khẩu tôm hùm gặp khó thì nay tôm hùm được “mua xô”.

Năm nay, tôm hùm rớt giá mạnh, dịch bệnh tôm phát sinh nhiều, bà con nuôi tôm hùm bị lỗ nặng, nhiều hộ đã bỏ nghề.

Theo Hội Nông dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, vụ nuôi 2019 - 2020 có 27 hộ nuôi tôm hùm thả nuôi 46.000 con tôm thịt trên 12 bè; giảm 36 hộ, 24 bè so vụ nuôi 2018 - 2019.

Mít Thái tăng giá gấp ba

Tại Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang giá mít Thái tại vườn đang được bán giá 30.000 - 35.000 đồng một kg cho hàng loại 1 (loại 9kg một trái) và 18.000 - 20.000 đồng một kg cho hàng loại 2 (7kg một trái).

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh

Ông Bảy Ẩn, chủ vườn mít Thái tại Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, so với mức đáy của tháng 5, giá mít Thái hiện tăng 3 lần. Tại vườn nhà ông, mít loại 1 đang bán giá 30.000 đồng một kg nhưng lượng hàng khá hạn chế, năng suất giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng có khoảng 100 cây mít Thái, ông Tín ở Cần Thơ cho biết, vụ trước giá mít giảm nên vườn nhà ông không có lời. Từ giữa tháng 8 đến nay, giá mít tăng cao nên phần nào giúp gia đình phấn khởi hơn.

"Vừa qua, tôi bán được khoảng 1 tấn mít với giá 34.000 đồng một kg. Mức giá này, gia đình có lời khoảng 20 triệu đồng", ông Tín nói.

Theo các thương lái, giá mít tăng cao do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu tăng nên đẩy giá lên cao. Mặt khác, năm nay hạn mặn kéo dài khiến năng suất mít tại các nhà vườn ở miền Tây giảm 20 - 30% so với vụ năm ngoái. Do vậy, dù giá cao nhưng mức lãi mà người trồng thu được giảm mạnh so với mọi năm.

Theo ông Ẩn, chủ vườn mít Thái tại Cai Lậy, mặc dù giá tăng khá cao nhưng vẫn chưa lên đến mức đỉnh của năm ngoái. Do đó, với nhu cầu lớn như hiện nay trong khi nguồn hàng khan hiếm, giá mít dự báo sẽ còn đi lên. Mặt khác, mít đang bước vào nghịch mùa thu hoạch cũng là lý do khiến giá còn tăng tiếp.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, giá mít Thái tại các nhà vườn miền Tây chỉ còn khoảng 4.000-10.000 đồng một kg. Nguyên nhân là sức mua loại trái cây này khá thấp, lượng hàng xuất khẩu hạn chế. Ngoài ra, các loại trái cây mùa hè sản lượng lớn, giá hấp dẫn nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.

Giá dứa tăng mạnh

Hiện nay, dứa tại huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) đang có giá cao khiến người dân phấn khởi vì thu nhập tốt.

Theo ông Cao Văn Sáng - Chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Mỹ, giá dứa thương phẩm thương lái đang thu mua ở mức từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và địa bàn xa gần. Mức giá này cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Với năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, mỗi ha thu hoạch thời điểm hiện nay đạt giá trị sản xuất gần 200 triệu đồng với lợi nhuận khoảng 50%.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, trái cây, rau xanh đồng loạt tăng mạnh

Vào lập nghiệp tại huyện Tân Phước cách đây đã trên 20 năm, ông Cao Văn Sáng là một trong những nông dân tiên phong hưởng ứng chủ trương nhà nước về khai hoang sản xuất trên vùng Đồng Tháp Mười để mở mang trồng trọt, ổn định cuộc sống.

Hiện gia đình ông Sáng canh tác 6ha dứa với sản lượng hàng năm khoảng 100 tấn quả cung ứng ra thị trường. Nhiều năm liền, ông Sáng được bình chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.

Trong những năm vừa qua, giá dứa có lúc giảm chỉ còn 3.500 - 4.000 đồng/kg tùy thời điểm khiến thu nhập nông dân vùng chuyên canh khá bấp bênh. Việc giá dứa hồi phục và tăng mạnh thời gian gần đây do nhu cầu thị trường cao nhưng nguồn cung hạn chế.

Giá dứa thương phẩm hồi phục và tăng mạnh đã góp phần động viên nông dân tiếp tục đầu tư thâm canh, chăm sóc để đạt năng suất và sản lượng cao. Chất lượng nông sản hàng hóa nâng lên giúp người trồng có thu nhập khá để ổn định cuộc sống.