Tiêu thụ trong nước tăng cao

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu thụ trong cơ chế thị trường trở thành mục tiêu và động lực của các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. 2 tháng đầu năm 2018, tiêu thụ trong nước, thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) đã tăng cao.

Nhu cầu tiêu dùng có sự thay đổi
Tháng 1, tháng 2 là 2 tháng trước và sau Tết cổ truyền, nên tốc độ tăng trưởng và cơ cấu của TMBL được cụ thể. Đó là tính theo giá thực tế, nếu loại trừ yếu tố tăng giá để xét riêng về lượng thì tăng 8,7%. Đây là tốc độ tăng khá cao, cao hơn tốc độ tăng 5,1% của cùng kỳ năm trước và chắc chắn cao hơn tốc độ tăng GDP, nên có vai trò quan trọng trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng GDP.
 Người tiêu dùng lựa chọn mua sản phẩm tại siêu thị Hapro. Ảnh: Thanh Hải.
Trạng thái nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong 2 tháng đầu năm nay cũng tiếp tục có sự thay đổi nhất định. Tốc độ tăng bán lẻ hàng hóa đạt cao nhất trong TMBL. Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa trong TMBL vẫn còn lớn nhất, một mặt do đây là nhu cầu lớn; mặt khác do tỷ trọng dân số sống ở nông thôn đông, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có tâm lý “tích cốc phòng cơ”. Mặt khác, nhiều nhu cầu về hàng hóa đã được đáp ứng trong ngày thường, không còn “đói góp” cả năm để “no dồn” trong những ngày Tết... Xu hướng “ăn Tết” vẫn còn nhiều hơn “chơi Tết”.
Điều này thể hiện dù tỷ trọng bán lẻ hàng hóa trong TMBL của 2 tháng đầu năm nay đã thấp hơn của cùng kỳ năm trước (75,6% so với 76,2%). Nhưng dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá cao (gấp rưỡi tốc độ tăng chung và cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng 4,2% của cùng kỳ năm trước). Tỷ trọng lưu trú, ăn uống trong TMBL của 2 tháng đầu năm nay cao hơn của cùng kỳ năm trước (12,5% so với 11,8%).
Du lịch lữ hành tăng với tốc độ cao nhất, cao gấp 7 lần tốc độ tăng 5,1% của cùng kỳ năm trước. Diễn biến này do số khách quốc tế đến Việt Nam tăng rất cao (2.861,1 nghìn người, tăng tới 29,7%) và ở trong nước bộ phận dân cư đi du lịch trong dịp Tết tăng lên. Dịch vụ khác tăng cao hơn tốc độ tăng chung của TMBL, tăng cao hơn tốc độ tăng 7,2% của cùng kỳ năm trước.
Phân loại trên địa bàn để thúc đẩy nhu cầu
Theo địa bàn tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, đối với bán lẻ hàng hóa, tốc độ tăng cao ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa... Đối với dịch vụ lưu trú, ăn uống, tốc độ tăng cao có Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Đối với du lịch, lữ hành, tốc độ tăng cao có Ninh Bình, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Nội. Đối với dịch vụ khác, tăng với tốc độ cao có Cao Bằng, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận. Nhìn tổng quát, tăng trưởng cao theo địa bàn phụ thuộc vào thế mạnh, sự quan tâm trong việc quảng bá, có cơ chế thu hút, có nguồn lực đầu tư... của các địa bàn.
Đánh giá chung tuy là 2 tháng có Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, tiêu thụ tăng về lượng, nhưng giá cả không có biến động lớn. Diễn biến này xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của dân cư đã có sự điều chỉnh. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chính quyền ở nhiều nơi đã có chính sách hỗ trợ tích cực...
Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng về tiêu thụ trong nước 2 tháng qua cũng có những hạn chế, bất cập. Đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, buôn lậu còn nhiều. Tình trạng đầu cơ, bắt chẹt tăng giá nhất là giá dịch vụ diễn ra ở nhiều nơi… Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư, tăng xuất khẩu, cần tăng thu nhập có khả năng thanh toán để tăng tiêu thụ trong nước nhằm tăng tổng cầu, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế.