Tiêu thụ trong nước tăng cao

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cơ chế thị trường, tiêu thụ là tiền đề của đầu tư, là động lực của tăng trưởng và biểu hiện của mức sống dân cư. Trong 8 tháng đầu năm, tiêu thụ trong nước, với chủ yếu là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) đã tăng cao.

Khách chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Các chỉ số thống kê cho thấy, tính theo giá thực tế, TMBL tiếp tục tăng với tốc độ khá (hai chữ số), nếu loại trừ yếu tố giá tăng thì lượng tiêu thụ tăng 8,53%. Với tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, TMBL tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu, là tiền đề để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
TMBL 8 tháng đầu năm nay cao hơn so với tốc độ tăng TMBL tương ứng củ cùng kỳ năm trước (8,53% so với 8,36%). Điều đó rất có ý nghĩa trong điều kiện tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng chậm lại liên tục từ đầu năm đến nay (tốc độ tăng của 8 tháng chỉ còn bằng hơn một nửa tốc độ tăng của 2 tháng đầu năm).

Tốc độ tăng TMBL đạt được ở cả 4 ngành thương mại, dịch vụ, trong đó tăng cao hơn tốc độ chung là du lịch lữ hành và bán lẻ hàng hóa. Bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng cao nhất (75,2%) và có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung. Điều đó chứng tỏ người mua hàng hóa, dịch vụ vẫn tập trung nhiều hơn vào hàng hóa, vừa phù hợp với cơ cấu dân số, vừa phù hợp với thu nhập tuy đã tăng lên nhưng chưa cao...

Du lịch lữ hành - chi phí trực tiếp của khách du lịch (chưa kể các khoản chi tiêu gián tiếp có nhiều khoản như hàng hóa, lưu trú ăn uống...) tăng với tốc độ cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu do lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao (mới qua 8 tháng, đã có trên 10,4 triệu lượt người đến Việt Nam, cao hơn số của cả năm 2015, tăng tới 22,8% so với cùng kỳ năm trước, một tốc độ tăng rất cao). Tuy nhiên, tỷ trọng trong TMBL còn rất nhỏ (chỉ chiếm 0,9%), một phần do chỉ tính chi tiêu trực tiếp là lữ hành; một phần quan trọng do chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm (6 tháng 2018 chỉ đạt 659 USD - thấp xa so với năm 2012 là 1.000 USD, năm 2013 là 995 USD, năm 2014 là 931 USD, năm 2015 là 925 USD, năm 2016 là 829 USD, năm 2017 là 696 USD).

Tốc độ tăng TMBL có xu hướng tiếp tục cao lên do tác động của cuộc chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ đang diễn ra, quy mô tăng, lan rộng và chưa biết kéo dài đến bao giời. Xuất khẩu sang Trung Quốc, sang Mỹ có thể bị tăng chậm lại, nhập khẩu từ các thị trường này, đặc biệt là Trung Quốc và một số thị trường có đồng tiền mất giá đối với USD nhiều hơn của VND/USD (của Việt Nam sau 8 tháng mới tăng 1,3%).