Tiểu thương chợ Mơ bán hàng online cầm cự qua ngày

Minh Tốt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chợ vắng khách nhiều ngày do dịch Covid-19, buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương tại chợ Mơ kết hợp hình thức bán hàng online để cầm cự qua ngày.

Chợ Mơ sau cải tạo đã ở trong tình trạng chết dần, người đến ngày một ít đi, mà từ đầu năm đến nay lại chịu thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc buôn bán tại chợ càng thêm ế ẩm.
“Trước đây, khi chợ chưa được cải tạo, mỗi ngày bác bán được cả trăm cốc chè. Sau khi chợ cải tạo, trông có vẻ sạch sẽ, lịch sự hơn nhưng người đến vơi đi hẳn, số cốc chè bán được mỗi ngày cũng vì thế mà giảm đi chỉ còn khoảng 3 chục cốc. Tiền lãi chỉ đủ nuôi bản thân và duy trì hàng quán. Trong mùa dịch này, có ngày bác chẳng bán được cốc nào” - bà Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương ở chợ chia sẻ.
Nhiều tiểu thương tại chợ Mơ phải kết hợp bán hàng trên GrabFood đề duy trì hàng quán.
Có hoàn cảnh tiêu điều hơn, chị Hà với vẻ mặt trông ngóng mọi người đi qua sẽ vào mua hàng cho mình, bởi đã từ đầu mùa dịch đến nay, chị chưa bán được bộ quần áo nào. Chị cho biết đang phải sống bằng tiền tiết kiệm dành dụm bao năm của mình, nếu cứ tiếp tục, chị sợ sẽ không duy trì được cái ki-ốt này thêm bao lâu nữa.
Tại thời điểm phóng viên đang đứng tại chợ đã 9 giờ 30 sáng nhưng quang cảnh khá trống trải, ít người qua lại và nhiều hàng ki-ốt vẫn đang đóng kín, nhìn bụi bám có vẻ khá lâu rồi nó chưa được giao thương.
Trước cảnh ngày càng hoang vắng của chợ, nhiều tiểu thương đã kết hợp hình thức bán hàng online để tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường buôn bán cho mình.
Chị Nguyệt Ngân, một tiểu thương trẻ trong chợ đã sớm lập cho mình một trang Fanpage để bán mặt hàng giày, dép trên Facebook. Chị chia sẻ các đơn bán trên đây đi rất đều, ngày nào cũng có đơn, trung bình khoảng 5 đôi một ngày.
Theo chị Ngân, chị không phải đầu tư quá nhiều thời gian, công sức cho trang Fanpage của mình, chỉ là ngày ngồi ở chợ rảnh thì chụp đăng ảnh mẫu nào đó, rồi có mẫu mới về lại chụp ảnh đăng lên, ai quan tâm thì vào hỏi mua.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, bán hàng trực tiếp ngày có khách, ngày không, nhưng cộng với số đơn bán qua Facebook, chị cũng dành dụm được ít tiền lãi.. Trong mùa dịch, cả tháng trời không có khách đến chợ mua hàng, chỉ dựa vào hàng bán online, doanh thu chỉ đủ để cầm cự hàng quán, còn duy trì được bao lâu thì chị Ngân chưa thể đoán trước được.
Cảnh buôn bán ế ẩm tại chợ Mơ trong mùa dịch Covid-19.
Còn chị Thu Hải là tiểu thương bán chè duy nhất kết hợp hình thức kinh doanh online và hợp tác với ứng dụng đặt mua đồ ăn GrabFood tại chợ. Việc kết hợp này đã giúp chị cải thiện doanh số kinh doanh lên rất nhiều. Chị chia sẻ, mỗi ngày bán được hơn 100 cốc chè, trong đó chủ yếu là bán online.
Chị Thu mở quán bán chè tại chợ được gần 2 năm nay, khi mới có ý định, chị được bạn bè tư vấn liên kết với GrabFood để bán hàng. Thủ tục khá đơn giản, chỉ cần đăng ký với GrabFood, thêm chi phí 100.000đ/tháng và 25% tổng giá trị đơn hàng.
Trong mùa dịch này, doanh số của chị bị tụt giảm nhiều, từ ngày 1/8 đến nay, chị chưa bán được cốc chè nào cho khách ăn tại quán, cũng may còn có hơn chục cốc bán được trên GrabFood mỗi ngày mà doanh thu cũng đủ để cầm cự quán qua ngày.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài, bởi vậy, nhiều tiểu thương chợ Mơ phải kết hợp bán hàng online. Nhưng nhiều người vẫn chưa biết cách áp dụng công nghệ này và hiện khái niệm online đối với họ khá lờ mờ. Bởi vậy, những ngày này, họ vẫn đang cố gắng làm quen và tập tành đăng bài bài bán hàng trên tường Facebook, học hỏi thêm những người xung quanh.
Tuy nhiên, một số mặt hàng được buôn bán tại chợ cũng gặp khó khăn khi bán hàng online do kén khách và chưa có kênh online bán phù hợp như đồ hàng mã, thịt lợn, gà tươi sống… Họ mong mỏi dịch Covid-19 sớm qua đi để ổn định cuộc sống và giao thương thuận lợi.