Tìm bản sắc văn hóa doanh nghiệp Việt

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN Việt giỏi “đi đêm” xoay xở, có DN đóng góp cho hoạt động công ích xóa đói giảm nghèo thì ít mà xây chùa thì nhiều nên đồng thời với kiến tạo khởi nghiệp nên kiến tạo văn hóa DN…

Đó là những ý kiến được đưa ra trong cuộc hội thảo “Xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, do Bộ VHTT&DL tổ chức, sáng 18/10.
Chập chững xây dựng
Thẳng thắn phát biểu trong hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Tạo nhiều cơ hội khởi nghiệp cho DN là chủ trương rất đúng, có bước đột phá của Chính phủ bây giờ. Tuy nhiên, trên con đường kiến tạo khởi nghiệp ấy còn chưa nhắc nhiều đến văn hóa DN, trong khi đó đây là vấn đề cốt lõi để thể hiện sức sống dài lâu của DN. “Lịch sử văn hóa DN của Việt Nam rất yếu. Chúng ta trải qua hàng trăm năm phong kiến, gần 1 thế kỷ ở chế độ Pháp thuộc, DN Việt bị chèn ép. 30 năm chiến tranh Việt Nam không có DN buôn bán, thời bao cấp thì triệt tiêu DN nên thực tế chúng ta mới trở lại kinh doanh và nghĩ đến văn hóa DN” – nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.
 Đại diện Tập đoàn Vingroup trao quà hỗ trợ cho các hộ nghèo và gia đình người có công với cách mạng tại huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Bản chất của người Việt là cần cù và yêu nước, giống như người Hàn, người Nhật nhưng chúng ta lại thua xa các nước bạn về dấu ấn trong văn hóa DN. “Tại sao khi nhắc đến DN Nhật Bản, đã tạo cho chúng ta sự tin tưởng. Phẩm chất này đã được DN Nhật xây dựng trong hàng thập kỷ nay” – bà Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup cho biết. Với văn hóa DN Mỹ, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng - Đại học Kinh tế Quốc dân nhắc tới trong giải thưởng DN đạo đức nhất thế giới của Viện Ethisphere trong sáu năm liên tiếp dành cho một đơn vị may mặc. DN này có lời khuyên khách hàng “mua và tiêu dùng ít hơn” để bảo vệ môi trường. DN này tự nguyện sử dụng 1% doanh thu để tài trợ cho các tổ chức môi trường, năm 2015 là 76 triệu USD cho nhiều tổ chức môi trường trên thế giới.
Ở Việt Nam, vấn đề đóng góp lợi ích cho cộng đồng mới ở mức độ manh nha và ngắn hạn. PGS.TS Đỗ Minh Cương cho rằng, những chương trình như “Ươm mầm trí tuệ” của Vinamilk hoặc một số chương trình khác đã hướng đến cộng đồng nhưng vẫn còn ở số lượng ít. Nhiều DN tập trung vào xây chùa, đúc tượng để giải quyết nhu cầu tâm lý tín ngưỡng cá nhân của lãnh đạo DN vì làm giàu quá dễ dàng, nhưng lại thấy bấp bênh. PGS Đỗ Minh Cương mong rằng khi xây dựng được môi trường văn hóa DN lành mạnh thì vấn đề mặt trái sẽ được triệt tiêu. Dù có thể Việt Nam đang ở điểm xuất phát của bản sắc văn hóa DN nhưng cũng cần phải làm ngay.
Văn hóa doanh nghiệp Việt cần gì?
Cuộc hội thảo “Xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững” quy tụ hàng chục gương mặt anh tài của DN Việt như Vingruop, Viettel, FPT, Vinacafe… Rõ ràng, trong câu chuyện từ một đơn vị kinh doanh mì ăn liền thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành: Bất động sản, giáo dục, thị trường bán lẻ… Vingroup chỉ có thể thành công khi không dời mục tiêu: Tín, tâm, trí. “Tôi hy vọng văn hóa Vingroup có tuổi thọ lớn hơn tuổi thọ người thành lập” – bà Lê Mai Lan bày tỏ.
Với tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, khởi nghiệp trong ngành viễn thông từ năm 2004, nhưng năm 2006 đơn vị này đã bước ra thị trường thế giới dù chưa phải là đơn vị kinh doanh hàng đầu về viễn thông ở Việt Nam. Đến nay DN này thành công ở hàng chục quốc gia trên thế giới. “Thời kỳ đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường nước ngoài. Nhưng một thời gian với tiêu chí chất lượng, thân thiện, không bằng lòng với thành công trước đó, Viettel đã tạo được độ tin cậy cho người tiêu dùng trong nước và DN của nhiều quốc gia” – bà Nguyễn Hà Thành – Giám đốc quan hệ công chúng, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho biết.
Tất cả vấn đề văn hóa của các DN này mới dừng ở mức đơn lẻ. Việt Nam chấp nhận cuộc chơi ở biển lớn khi tham gia và ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do. Văn hóa DN được các chuyên gia nhắc đến như yếu tố quan trọng quyết định thành bại trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Và ở đó mỗi DN cần tìm bản sắc riêng nhưng phải bám vào đức tính chung của người Việt: Cần cù, yêu nước và tin cậy. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI không có con đường thành công của DN nào lại giống DN trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần