Tìm chỗ đứng cho sản phẩm OCOP

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần giúp các khu vực nông thôn phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn đang gặp nhiều khó khăn, để khắc phục vấn đề này đòi hỏi DN sản xuất đẩy mạnh xây dựng mối liên kết với đơn vị bán lẻ.
Khó đầu ra

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, chương trình đã lan rộng tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2020 các địa phương đã công nhận 3.200 sản phẩm, riêng TP Hà Nội có đến 630 sản phẩm OCOP của 50 DN, 57 hợp tác xã và 52 hộ sản xuất kinh doanh.

Mặc dù chương trình OCOP đang phát triển nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lại không hề dễ dàng, nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với DN phân phối để tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết: Hiện 80% sản phẩm của công ty phục vụ xuất khẩu, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu giảm và DN phải chuyển sang khai thác thị trường nội địa nhưng hoạt động này không hề dễ dàng. Nguyên nhân là do sản phẩm gốm OCOP đang chịu cạnh tranh gay gắt với sản phẩm Trung Quốc có giá thành thấp hơn.
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại điểm giới thiệu quảng bá OCOP tại thị xã Sơn Tây do Sở Công Thương Hà Nội thực hiện. Ảnh: Lê Nam
Về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thụy Lâm (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho hay: Xã Thụy Lâm hiện có 570ha trồng lúa nếp cái hoa vàng/vụ, chiếm 98% diện tích trồng lúa của địa phương. Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm đã được TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng đầu ra cho sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thị trường tự do nên sức tiêu thụ không ổn định.
Lý giải những nguyên nhân khiến nhiều chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ: DN bán lẻ, siêu thị có nhu cầu kinh doanh sản phẩm OCOP nhưng để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Quy định là vậy nhưng hiện nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán.

Đẩy mạnh kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

Việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP luôn được TP Hà Nội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường nội địa chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ hàng ngoại nhập. Theo Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Big C Lê Mạnh Phong: Để tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể tham gia OCOP khi đưa sản phẩm vào siêu thị, đơn vị đã cử nhân viên về các địa phương tìm kiếm sản phẩm đặc trưng; đồng thời hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị... “Hiện nay, Big C có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân với chiết khấu 0% qua đó tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý” - ông Phong thông tin.

Nhằm tạo điều kiện cho DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, trong năm 2021, UBND TP Hà Nội đã Kế hoạch số 42/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội năm 2021.
Theo đó, trong năm 2021, TP Hà Nội phấn đấu phát triển mới 30 - 40 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, mỗi quận, huyện, thị xã có từ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở lên đi vào hoạt động.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề. Cùng với đó tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Để giúp DN tiêu thụ sản phẩm OCOP, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm OCOP, đặt tên gọi riêng cho mỗi sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận biết trên thị trường. Đồng thời tăng cường tổ chức các hội chợ OCOP, đưa sản phẩm vào các chợ đầu mối để phân phối rộng rãi ra thị trường.

"Để tiêu thụ sản phẩm, các DN sản xuất sản phẩm OCOP cần phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Với những đơn vị đã có chứng nhận sản phẩm OCOP phải đẩy nhanh việc đưa sản phẩm ra thị trường theo nhiều kênh phân phối khác nhau, không nên ỷ vào hệ thống siêu thị. Đồng thời, chủ động quảng bá giới thiệu và xúc tiến, tạo chuỗi liên kết để phát triển sản phẩm một cách bền vững. Bên cạnh đó các DN có sản phẩm OCOP cần xây dựng website riêng để quảng bá cho thương hiệu sản phẩm…"- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần