Tìm giải pháp ngăn ngừa hiểm họa cháy nổ

Đạt Lê - Anh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ. Năm 2016 xảy hơn 800 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng vêfề người và tài sản.

Vấn đề này làm “nóng” tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Khóa XV. Tuy nhiên, đến nay, theo nhận định của lực lượng chức năng, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp và đang là nỗi lo thường trực nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến gần.
Số vụ cháy trong nội thành chiếm 70%
Năm 2016, hàng loạt vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra, điển hình là vụ cháy kho tại ngõ 109 Trường Chinh (quận Thanh Xuân) ngày 17/6 gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng; cháy xưởng sản xuất đệm mút tại xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) ngày 3/8 gây thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Đáng chú ý, cuối năm 2016 liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn. Chỉ trong 2 ngày 2 - 3/12 đã xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy lớn: Ngày 2/12, cháy lớn tại khu nhà xưởng chứa đồ gỗ thuộc khu công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), khiến diện tích kho xưởng rộng hàng nghìn mét vuông bị thiêu rụi; đêm 2/12, lửa bùng phát tại xưởng nhựa, phế liệu rộng khoảng 1.000m2 ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm; sáng 3/12, cháy lớn tại siêu thị điện máy mini cao 6 tầng ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ… Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) xảy ra trước đó (ngày 1/11) khiến 13 người tử vong, thiệt hại trên 10 tỷ đồng…

Cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ trong vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết: Năm 2016, trên địa bàn TP xảy ra 831 vụ cháy, trong đó cháy lớn có 3 vụ, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 8 vụ, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng 3 vụ, cháy trung bình 159 vụ, cháy nhỏ 646 vụ, cháy rừng 12 vụ. Các vụ cháy khiến 19 người chết, 18 người bị thương, về tài sản ước tính trên 80 tỷ đồng và 7ha rừng. Đáng chú ý, cháy tại các quận nội thành 565 vụ (chiếm 68% tổng số vụ), ngoại thành 266 vụ (32%). So với năm 2015, số vụ cháy tăng 55 vụ, các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, cháy trung bình, cháy nhỏ đều gia tăng. Thành phần cháy chủ yếu là nhà dân, kho xưởng sản xuất, chung cư, cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng…
Nguyên nhân cháy do sự cố điện và sơ suất khi sử dụng điện chiếm tỷ lệ cao. “Trong 801 vụ cháy đã làm rõ nguyên nhân thì có 549 vụ do sự cố thiết bị điện (chiếm 68,5%). Trong 1.185 sự cố có 872 vụ do điện. Và nguyên nhân do hàn cắt có 15 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đó là vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) và cháy xưởng gốm sứ tại Bát Tràng (huyện Gia Lâm) thiệt hại trên 3 tỷ đồng” - Đại tá Nguyễn Văn Sơn dẫn chứng.
Chia sẻ về nguyên nhân cháy nổ tại kho, xưởng ở làng nghề, vùng giáp ranh, Thượng tá Cấn Văn Thành - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 14 cho rằng: Hiện nay, đặc điểm các làng nghề hoạt động sản xuất hộ gia đình mang tính tự phát, không theo quy hoạch về xây dựng, giao thông nhỏ hẹp không có hệ thống nước phục vụ chữa cháy. Trong khi đó, ao hồ chứa nước chữa cháy bị thu hẹp, xa dân cư. Nơi sản xuất biến thành nơi ăn ở, sinh hoạt chứa nhiều vật liệu dễ cháy. Ngoài ra, thiết bị phục vụ sản xuất lại không được thay thế, nâng cấp… Nhận thức về PCCC của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các chủ hộ sản xuất còn hạn chế…
Phòng cháy chữa cháy phải từ cơ sở
Đề cập đến giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về PCCC, Trung tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo chữa cháy (Cảnh sát PCCC Hà Nội) nhấn mạnh: Có nhiều vấn đề cần chú trọng, tuy nhiên cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn PCCC đối với các cấp, ngành, cơ sở… Tập trung chú trọng vào các loại hình cơ sở trọng điểm, nhạy cảm, nguy hiểm về cháy nổ, các công trình vi phạm đã đăng công báo. Cần phải có biện pháp xử lý cương quyết hơn nữa đối với các công trình còn tồn tại vi phạm về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Ưu tiên giải quyết xử lý các công trình nhà cao tầng, chung cư cao tầng không thực hiện thẩm duyệt về PCCC đã thi công, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, công trình nhà tái định cư. Cương quyết xử lý và phối hợp với các cấp chính quyền xử lý các công trình đã đăng công báo, hết thời hạn cam kết nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung đã cam kết… 
Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C66, Bộ Công an): Ngân sách đầu tư cho công tác PCCC khó khăn, đối với công tác PCCC phải đẩy mạnh xã hội hóa. Kinh phí Nhà nước và việc để Nhà nước gánh như hiện nay là không đảm bảo, các cơ sở phải tự lo, đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo lực lượng, con người để ứng phó với các sự cố xảy ra. Phải trang bị phương tiện tùy theo nhu cầu của cơ sở mình. Ví dụ: Với cơ sở xăng dầu phải chuẩn bị bọt, không thể dùng nước được. Lực lượng phương tiện phải thường trực. Mong muốn giảm tải cho ngân sách và đảm bảo phản ứng nhanh thì PCCC phải từ cơ sở, đó là cái gốc. Tới đây sẽ triển khai mạnh mẽ điều này và mong người dân nhận thức rõ hơn. Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ đảm bảo. Lực lượng Cảnh sát PCCC phải chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, kịp thời giải quyết những tình huống lớn xảy ra.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho hay, muốn chữa cháy hiệu quả thì phải đảm bảo được nguồn nước vì xe cứu hỏa chỉ có 4 - 6m3 nước, phun với tốc độ 7 lít/giây chỉ kéo dài được vài phút. Vì thế, một số địa điểm xảy ra cháy nổ bị thiếu nước cũng là vấn đề "rất căng" của lực lượng PCCC. Nếu phát triển về mạng lưới đô thị, hoặc quy hoạch TP phải tính đến vấn đề nguồn nước. Tại các TP lớn, nhiều ngõ nhỏ, nhà nhỏ, phố nhỏ thì phải đầu tư phương tiện chữa cháy cơ động hơn. Có thể dùng mô tô chữa cháy loại nhỏ…
Tại Hội nghị triển khai công tác PCCC năm 2017 của Cảnh sát PCCC Hà Nội, Trung tướng Bùi Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trên cả nước nói chung và địa bàn TP Hà Nội nói riêng. Thứ trưởng Bộ Công an đưa ra 2 phương châm và 4 mục tiêu, yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC cần phải thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, 2 phương châm là: Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về PCCC và trọng tâm là công tác phòng ngừa; Phát hiện nhanh và xử lý kịp thời hiệu quả nếu có cháy, nổ xảy ra. 4 mục tiêu là: Nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và quy định về PCCC của người dân; Thực hiện ngay, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ cơ bản (xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện công tác PCCC, đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC…); Nghiên cứu, thực hiện các chuyên đề, giải pháp liên quan đến PCCC phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn; phấn đấu giảm 20 - 30% số vụ cháy so với năm 2016. Những trường hợp vi phạm có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy kiên quyết tạm thời đình chỉ, đình chỉ hoạt động; làm rõ trách nhiệm cá nhân đưa ra khởi tố, truy tố trước pháp luật những trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Dự báo tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khu vực nội thành, tập trung vào các loại hình nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị… Đây là các loại hình chứa nhiều chất cháy, song còn tồn tại nhiều vi phạm về PCCC chưa được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, chủ cơ sở vẫn coi nhẹ công tác PCCC. Khu vực ngoại thành nguy cơ xảy ra cháy tăng tại các cụm công nghiệp, làng nghề, kho xưởng sản xuất. Đặc biệt, nguy cơ cháy xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản cũng tiềm ẩn ở các chung cư cũ, nhà ống, chung cư mini…, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke, quán bar, vũ trường), nơi xảy ra tình trạng dựng biển quảng cáo, làm lưới sắt “chuồng cọp” bịt kín lối thoát nạn sẽ gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội
Hoàng Quốc Định

Cần tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn về PCCC. Có thể, dành 5 – 7 phút tuyên truyền vào giờ vàng để người dân hiểu… Đối với các đơn vị vi phạm phải công khai. Ở Hà Nội có bao nhiêu cơ sở kinh doanh vi phạm PCCC thì phải làm rõ. Phải gắn trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, phải giao ước thi đua, xây dựng nội dung chương trình về PCCC. Có thể đưa nội dung vào trường học, các cháu  nhắc nhở bố mẹ về an toàn PCCC… Các trường hợp đơn vị làm giả, làm nhái các phương tiện PCCC phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trung tướng Bùi Văn Thành
Thứ trưởng Bộ Công an