Tìm giải pháp tiết kiệm điện trong công nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng nên Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023.

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%.
Điện mặt trời là một trong những giải pháp giảm áp lực cung ứng điện trong thời gian tới. Ảnh: Khắc Kiên
Hiện hệ thống điện Việt Nam có khoảng 54.000MW, bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000MW công suất nguồn điện.
Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn cho thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài…
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, đến năm 2030, sẽ phấn đấu giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018: Ngành thép từ 5 - 16,5%; hóa chất hơn 10%; xi măng gần 11%; nhựa từ 21,55 – 24,81%... Đối với các khu, cụm công nghiệp, sẽ có từ 70 - 90% được tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, thì các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng, đẩy lùi các công nghệ cũ.
Chủ tịch Hội Tự động hóa Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, hiện khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng (dân dụng, công cộng…) chỉ cần tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn led... sẽ tiết kiệm tương đương việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000MW…
“Các đề tài nghiên cứu cấp bộ, ngành, cấp cơ sở rất ít công trình nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Thời gian tới cần đẩy mạnh vấn đề này hơn” - ông Quân kiến nghị.