Tìm hình thức quảng bá hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành du lịch Hà Nội sẽ có cơ chế và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch phát triển, giải quyết nhanh những kiến nghị theo thẩm quyền. Năm 2014, chắc chắn sẽ có thay đổi trong quảng bá xúc tiến du lịch Thủ đô.

Lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội đã khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp du lịch sáng 8/1.

Cải thiện môi trường du lịch

Năm 2013, du lịch Thủ đô tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt cả về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Với 16.577.700 lượt khách đến Hà Nội (khách quốc tế 2.580.900 lượt, tăng 22,90%) đã mang lại tổng doanh thu 38.500 tỷ đồng, tăng 20,31% so với năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, một phần bởi nhận thức về giá trị đích thực của du lịch chưa thật đúng.
Đi xe điện tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Yên Chi
Đi xe điện tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Yên Chi
Để đạt mục tiêu tăng trưởng lượng khách cũng như doanh thu từ du lịch trong năm 2014, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đề xuất: "Hiện Hà Nội chi phí cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa đến 1 USD/khách, trong khi TP Hồ Chí Minh là 2,5 USD. Tới đây, Sở nên đề nghị TP đầu tư nhiều hơn cho xúc tiến quảng bá để du lịch mang lại lợi nhuận lớn và giành lại vị thế của mình". Nhiều ý kiến khác đề nghị việc tiếp thị hình ảnh nên tập trung vào một vài điểm độc đáo và có trọng tâm, trọng điểm.

Hỗ trợ về hạ tầng bên ngoài là nội dung được các đại diện doanh nghiệp lữ hành đề xuất, đặc biệt, để thu hút khách nước ngoài đến Thủ đô, cấp quản lý cần tạo cơ chế thông thoáng. Hiện nay, khách du lịch châu Âu làm thủ tục visa vào Việt Nam phải mất hàng tháng. Hoạt động của taxi vẫn gây phiền lòng du khách. Bà Nguyễn Bích Dung - Giám đốc Sales và Marketing Khách sạn Sunway bức xúc, trung bình mỗi tháng các khách sạn lớn có từ 5 - 10 khách du lịch bị tài xế taxi lừa đảo bằng việc chạy lòng vòng qua các tuyến đường, điều chỉnh công - tơ - mét chạy nhanh. "Đề nghị có in hóa đơn trực tiếp từ công - tơ - mét để hiện thị số tiền khách đi taxi phải trả. Làm như vậy sẽ thể hiện được sự văn minh, chính xác và giúp khách hàng tin tưởng" - bà Nguyễn Bích Dung đề xuất. Cũng có ý kiến khác đề nghị duy trì văn hóa xếp hàng taxi ở sân bay đảm bảo sự văn minh và trật tự.

Quảng bá đến từng đối tượng

Cảm ơn các doanh nghiệp đã đóng góp cho ngành du lịch Thủ đô và cả nước, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Sở cầu thị và sẽ thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ như thế này để giải quyết các vấn đề đặt ra. Do vậy, sau buổi hôm nay, với vai trò là cơ quan đầu mối, Sở sẽ phân loại các ý kiến kiến nghị với Chính phủ, TP và thuộc thẩm quyền của Sở thì sẽ giải quyết nhanh.

Trước ý kiến của doanh nghiệp về tuyên truyền quảng bá, ông Tô Văn Động khẳng định: "TP không thiếu tiền cho quảng bá, nhưng Sở chưa làm được bởi Trung tâm xúc tiến còn rất yếu. Chúng tôi hứa với các doanh nghiệp, TP có thể thành lập Trung tâm xúc tiến du lịch trực thuộc TP, trong đó có hoạt động xúc tiến du lịch. Về việc này, Sở cũng đang tính đến thành lập một phòng Quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch của TP. Chúng tôi đã kiến nghị với TP và đã được Bộ VHTT&DL đồng ý".

Riêng vấn đề hình thức và thị trường quảng bá, Sở đang tích cực xúc tiến, nhưng cũng vẫn "bí" cách làm có hiệu quả và rất mong được "hiến kế". "Năm nay chắc chắn hình thức quảng bá sẽ khác và có hiệu quả hơn, nhằm vào nhiều đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, có cái cho lớp trẻ, có cái cho người về hưu" - ông Tô Văn Động nói. Các doanh nghiệp tham gia sẽ có hỗ trợ một phần kinh phí, hy vọng việc xúc tiến có hiệu quả và thiết thực.

 "Chắc chắn năm nay đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ khác năm ngoái. Du khách sẽ thấy hấp dẫn và sạch đẹp hơn. Văn Miếu không có đèn lồng Trung Quốc, không trải thảm ở 82 bia tiến sĩ, tất cả hàng hàng rào được trồng cây xanh, môi trường sạch sẽ" - ông Động khẳng định.

 
Sáng 8/1, tại Hội nghị tổng kết năm 2013, triển khai công tác năm 2014 của Tổng cục Du lịch, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường thông tin: Năm nay sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để năm 2014 đón được 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 5,64% so với năm 2013), phục vụ 37,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 7,14%), tổng thu từ khách du lịch đạt 230.000 tỷ đồng (tăng 15%).

Năm 2013 ngành du lịch đã đón tiếp và phục vụ 7.572.352 lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 200.000 tỷ đồng với tỷ lệ tăng trưởng tương ứng 10,6%, 7,7% và 25% so với năm 2012.