Theo dòng thể thao: Thầy nội hay ngoại?

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (12/9), Hội đồng HLV quốc gia sẽ nhóm họp tại Hà Nội với lý do tổng kết SEA Games, nhưng thực chất là định hướng việc tìm người dẫn dắt đội tuyển quốc gia.

Tầm quan trọng của cuộc họp này không chỉ là tìm ra người thay thế ông Nguyễn Hữu Thắng, mà còn xác định luôn việc nên dùng HLV nội hay ngoại cho đội tuyển quốc gia thời gian tới.

Bóng đá Việt Nam từng nhiều lần đặt câu hỏi, nên dùng HLV nội hay ngoại cho đội tuyển quốc gia. Rất nhiều HLV ngoại đã đến, nhưng giấc mơ vàng chỉ một lần thực hiện thành công năm 2008. Còn lại nhiều lần chúng ta ngã trước ngưỡng cửa thiên đường. Có nhiều lý do được đưa ra, trong đó, nhiều người cho rằng, HLV ngoại không mang đến thành công trọn vẹn là do thiếu sự hiểu biết về bóng đá Việt Nam và cầu thủ Việt Nam. Một khi thiếu sự hiểu biết, họ không mang đến những quyết định đúng về chuyên môn.

Và thực tế là trong khoảng 10 năm trở lại đây, không ít lần bóng đá Việt Nam đặt niềm tin với thầy nội. Đầu tiên là HLV Phan Thanh Hùng. Ông Hùng thời điểm lên dẫn dắt đội tuyển quốc gia đang rất thành công ở Hà Nội T&T với những chức vô địch liên tiếp. Thế nhưng, ông Hùng đã thất bại cay đắng khi đội tuyển Việt Nam không vượt qua vòng bảng AFF Cup 2012 và bị sa thải. Tiếp đó, đến lượt HLV Hoàng Văn Phúc được tín nhiệm. Trước khi lên tuyển, ông Phúc rất thành công ở đội tuyển U22 Việt Nam và góp phần đưa Hà Nội FC thăng hạng. Nhưng rồi, U23 Việt Nam dưới thời ông Phúc cũng bị đá văng khỏi vòng bảng SEA Games và đương nhiên nhà cầm quân này cũng bị bay ghế.

Giờ đến lượt “người được chọn lựa Nguyễn Hữu Thắng”. Ông Thắng có điều kiện hơn người tiền nhiệm là được lãnh đạo và truyền thông sủng ái. Trong tay nhà cầm quân này cũng có đội ngũ thiện chiến nhất từ trước đến nay. Và cũng vì điều này mà ông Thắng đã thẳng gạt bỏ những cộng sự giỏi là Giám đốc kỹ thuật Gede, HLV phó Hoàng Anh Tuấn ra khỏi Ban huấn luyện U22 Việt Nam. Chỉ có điều, kết thúc SEA Games, ông Thắng phải nộp lá đơn từ chức đến VFF vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Cách đây ít lâu, nhiều nhà chuyên môn và lãnh đạo nền bóng đá nước nhà đòi sa thải HLV Miura. Bất chấp việc ông này giúp bóng đá Việt Nam thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng trầm trọng không có thành tích ở đấu trường khu vực bằng tấm HCĐ AFF Cup và SEA Games. Ông cũng lần đầu tiên đưa U23 Việt Nam có mặt ở vòng tứ kết ASIAD 2010 và VCK U23 châu Á. Vậy nhưng, nhà cầm quân này vẫn bị đánh cho tơi tả và bị sa thải vì không trọng dụng dàn sao của bầu Đức.

Quay mặt với công thần, khẳng định đã đến lúc phải trọng dụng giá trị bản địa nhưng cuối cùng, bóng đá Việt Nam gần như chắc chắn sẽ tái hợp với các ông thầy ngoại. Nhiều người cho rằng, phương án HLV ngoại có hệ số an toàn cao hơn khi không bị tác động bởi yếu tố hậu trường. Bên cạnh chuyên môn được đảm bảo, các HLV ngoại sẽ không chạy theo quan điểm “quân anh, quân tôi” và sẽ không có bất cứ đặc quyền nào được đặt ra ở đội tuyển. Khi ấy, các ông bầu, các nhà lãnh đạo sẽ khó điều khiển được HLV ngoại.

Bên cạnh đó, bản lĩnh trận mạc, cách đọc trận đấu luôn được cho là ưu điểm của các nhà cầm quân nước ngoài. HLV Nguyễn Hữu Thắng thất bại bởi sự non kém trong điều binh. Ông chỉ xây dựng một đội hình cho cả giải đấu. Đến thời điểm quyết định, các cầu thủ bị quá tải và ông Thắng không có những giải pháp hữu hiệu. Nhiều khả năng, bóng đá Việt Nam lại quay lại với các nhà cầm quân ngoại quốc. Nhưng giới chuyên môn cho rằng, để có được những thành công trọn vẹn thì hơn hết, nền bóng đá phải xây dựng được cách hành xử chuyên nghiệp. Bởi nếu người ta tiếp tục đối xử với HLV trưởng đội tuyển quốc gia như với ông Miura trước đây thì bi kịch sẽ tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần