Tìm hướng mới cho xuất khẩu

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong những tháng đầu năm 2020, dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) từ Trung Quốc đã gây gián đoạn giao thương Việt -Trung, khiến kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng Việt giảm. Để phục hồi kim ngạch XK, việc tìm hướng tháo gỡ khó khăn là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Ảnh hưởng nặng nề
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch XK cả nước đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019; riêng Hà Nội kim ngạch XK đạt 1,041 tỷ USD, giảm 17,4%.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến XNK giảm trong tháng 1/2020 là do Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi vào tháng 1/2020 nên hầu hết các DN đã hoàn tất các đơn hàng XK trước và sau Tết. Đáng chú ý trong bức tranh XK hàng hóa tháng 1/2020 là XK nông thủy sản sụt giảm rõ rệt.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu rõ, việc gián đoạn giao thương do dịch nCoV đã khiến tổng trị giá XNK với Trung Quốc trong tháng 1/2020 chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó XK đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019.
 Kiểm tra hàng nông sản trước khi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Lam Thanh
Nói về tác hại của dịch nCoV đến hoạt động XK, các chuyên gia kinh tế dự báo thời gian tới, XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục khó khăn, thậm chí dịch nCoV có thể làm ảnh hưởng đến cả thị trường XK thứ 3 của DN Việt Nam. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho hay, sản phẩm dệt may của Việt Nam XK nhiều sang EU, Hoa Kỳ nhưng phần lớn nguyên vật liệu NK từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc xảy ra dịch nCoV khiến nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới rất cao.
Cần giải pháp dài hơi
Khi nói về những giải pháp lâu dài nâng kim ngạch XK trong bối cảnh dịch nCoV có chiều hướng lan rộng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, nếu dịch sớm được kiểm soát dưới 3 tháng thì quý I/2020, XK sang thị trường Trung Quốc giảm khoảng 400 - 600 triệu USD; còn kéo dài từ 3 - 6 tháng thì sẽ giảm từ 600 - 800 triệu USD...
Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, việc mở rộng thị trường XK là giải pháp hữu hiệu nhất. “Từ nay đến tháng 5/2020, các bộ, ngành sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường XK mới ở các quốc gia châu Âu và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhằm giảm mức độ phụ thuộc vào XNK với Trung Quốc” - ông Trần Quốc Khánh nêu rõ.
Xoáy sâu phân tích câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động XK trong những tháng tới, đặt biệt là hàng nông thủy sản trong bối cảnh dịch nCoV, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Đặng Kim Sơn cho rằng, vấn đề lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân vẫn là thị trường tiêu thụ, không thể trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ đột xuất của Nhà nước như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối… mà phải mang tính lâu dài như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, các DN Việt cần có những biện pháp để thay thế như XK sang các nước khác, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp gắn liền với thực tế, đó là hỗ trợ chi phí đàm phán xúc tiến thương mại, tư vấn đầu tư công nghệ, vay vốn ngân hàng… cho các DN tìm kiếm được thị trường mới, tập trung chế biến sản phẩm sau thu hoạch, XK chính ngạch, nhất là DN XK nông sản sang Trung Quốc. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích DN Việt Nam phát triển sản xuất hàng hóa cho người Việt Nam và tại Việt Nam.

"Các DN Việt Nam cần nhận thức rõ tình hình và cách tốt nhất là tìm những thị trường mới, chịu chấp nhận bán hàng với giá rẻ để mở rộng, khai phá các thị trường khác. Đây là tình hình rất cấp bách và cần có các biện pháp “không bình thường” để đối phó với một tình trạng không bình thường." - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư - TS Lê Đăng Doanh


Tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới tới cuối tháng 2. Bộ Công Thương đề nghị, đối với các loại nông sản XK tiểu ngạch (thanh long, dưa hấu), DN, người dân nên điều tiết sản lượng theo hướng không gia tăng sản lượng. Với những diện tích chưa gieo trồng nên chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn và chuyển đổi XK nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch.


"Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020, trong khi dịch nCoV có chiều hướng lan rộng, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai ngay các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thông thương thị trường, đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2020. Hỗ trợ DN tìm kiếm mở rộng thị trường XK. " - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng