Tìm kiếm cơ hội cho người khuyết tật

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với suy nghĩ chỉ có công nghệ và đổi mới sáng tạo mới có thể đem giáo dục đến nhanh nhất cho mọi người, kể cả người khuyết tật, anh Lê Đình Hiếu (SN 1988) đã sáng lập ra Học viện Đào tạo phương pháp tư duy và kỹ năng sống G.A.P, dạy tiếng Anh và Tin học cho người khuyết tật.

 Lê Đình Hiếu vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018.
Giấc mơ rút ngắn khoảng cách với thế giới

CEO G.A.P Lê Đình Hiếu cho biết, Học viện G.A.P (nghĩa là Giấc mơ rút ngắn khoảng cách của người Việt Nam với thế giới) ra đời từ kinh nghiệm làm quản lý các bạn trẻ. Trên cơ sở dạy các môn Toán, Lý, Hóa… bằng tiếng Anh, anh Hiếu và đồng nghiệp đã khơi dậy đam mê học hỏi trong mỗi học sinh.

Ban đầu, những giáo trình anh Hiếu đưa về từ các trường đại học UCLA, Stanford có vẻ không dễ tiếp thu, nhưng về lâu dài, đó là cơ sở để xây dựng nên những tiêu chuẩn quốc tế cho trẻ. Anh và các giảng viên của học viện luôn khao khát nuôi dưỡng một thế hệ “chuyên gia được công nhận toàn cầu” được đào tạo tại Việt Nam, xóa bỏ khoảng cách khác biệt giữa giảng đường đại học với môi trường làm việc thực tế.

Theo cơ chế, cứ 3 học viên đóng tiền thì có một học viên được học miễn phí, miễn phí hoàn toàn cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ vùng sâu vùng xa, từ 11 bạn nhỏ ban đầu, đến nay Học viện G.A.P phát triển lên đến 8.500 học viên trong vòng 3 năm. Tháng 4/2016, dự án mang tính xã hội được trở thành đối tác của UNESCO. Liên tiếp trong hai năm 2017, 2018, học viện được tổ chức giáo dục và đào tạo quốc tế UNESCO CEP chọn làm đối tác chiến lược cho dự án tìm kiếm tài năng trẻ Talent Generation kết nối 10.000 sinh viên. Mỗi năm dự án của anh hỗ trợ từ 100 - 200 suất học miễn phí cho người khiếm thính.

Miệt mài vì người khuyết tật

Mẹ là người khiếm thính nên Lê Đình Hiếu luôn thấu hiểu những khó khăn mà người câm điếc phải đối mặt hàng ngày. Anh chia sẻ, không ít người khuyết tật đã đặt chân vào đại học, đó là một nỗ lực đáng trân trọng. Dù vậy, họ không thể tốt nghiệp đại học chỉ vì không thể có chứng chỉ B tiếng Anh theo quy định. Vì vậy, anh Hiếu đã quyết định xây dựng một trung tâm dạy tiếng Anh cho người câm điếc, đồng thời tìm kiếm cơ hội thi chứng chỉ tiếng Anh cho họ mà không cần thực hiện phần thi nghe, nói.

Qua dự án cá nhân Hear.Us.Now, mỗi năm, cơ sở của anh Hiếu chỉ có thể hỗ trợ tiếng Anh cho khoảng 100 người câm điếc. Mới đây, anh cũng đã may mắn nhận được cơ hội tốt từ nguồn tài trợ 150 triệu đồng từ quỹ “Rút ngắn khoảng cách” của Trung tâm LIN để sản xuất các video dạy tiếng Anh miễn phí cho người câm điếc. Cơ hội đó càng tiếp thêm động lực để anh cho ra đời những dự án: Kết nối nguồn lực xây hồ bơi cho các em nhỏ ở Tiền Giang; lập tủ sách miễn phí. Đồng thời, hợp tác với một tập đoàn lớn tại Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm 300 học sinh phổ thông xuất sắc của cả nước để cung cấp những gói học bổng hấp dẫn, học liên thông ở nước ngoài; hướng đến video hóa bộ sách giáo khoa giúp đỡ người câm điếc có thể tiếp cận chương trình học…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần