Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tìm lời giải cho vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội

Kinhtedothi - Hiện nay, vấn đề vận tải hành khách bằng các phương tiện lớn ở Hà Nội còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và quản lý điều hành, việc bổ sung các giải pháp để phát triển loại hình này nhận được nhiều sự đồng tình.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 03 (năm 2013) và Nghị quyết số 01 (năm 2019), làm cơ sở để UBND và các ngành chức năng triển khai việc phát triển hệ thống giao thông vận tải nói chung và vận tải hành khách công cộng, song kết quả chưa thực sự được như mong muốn.
Mới đây, tại cuộc phản biện xã hội vào dự thảo: Tờ trình UBND TP và Nghị quyết của HĐND TP về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải” do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Thanh cho biết: Từ thực tế hiện nay, việc xây dựng Nghị quyết thay thế các Nghị quyết cũ của HĐND TP là nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo phát biểu tại hội nghị phản biện xã hội.
Đây cũng là giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, thu hút người dân tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhìn chung, các nhà khoa học, thành viên các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ TP đều cho rằng, nội dung của dự thảo Nghị quyết lần này đã có sự cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Từ đó, đã khắc phục được tình trạng mức hỗ trợ cho DN, người dân còn thấp, đối tượng và phạm vi áp dụng còn chưa được đề cập đầy đủ, toàn diện. Quan trọng là dự thảo Nghị quyết đã hệ thống được một số vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn để giải quyết.
Những vấn đề đặt ra
Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo, dự thảo cần làm rõ sự thống nhất giữa quy hoạch giao thông vận tải hành khách với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác.
Trong đề án đặt ra nguyên tắc, yêu cầu của hệ thống vận tải hành khách công cộng số lượng lớn phải đảm bảo tính kết nối, liên thông với các khu đô thị, khu dân cư và với phương tiện khác của người dân... Ý tưởng này là đúng đắn, song, thực tế ở Hà Nội hiện nay, hệ thống giao thông, bến bãi không đồng bộ; quy hoạch xây dựng không tuân thủ quy chuẩn và có xu hướng phát triển khó kiểm soát; phương tiện giao thông cá nhân phát triển quá nhanh... Giải quyết tình trạng mâu thuẫn trên như thế nào để đảm bảo sự kết nối như mục tiêu đề ra là không hề đơn giản.
Tại cuộc khảo sát thực tế của MTTQ TP Hà Nội tại quận Hoàng Mai và Tổng Công ty vận tải Hà Nội, nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên tất cả các quận, huyện của Hà Nội tham gia đầu tư các bãi đỗ xe ô tô và phương tiện cơ giới khác do cá nhân, hộ gia đình đầu tư trên phần nhà, đất sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật, không nên giới hạn ở 4 quận nội thành như dự thảo Nghị quyết đề ra. Vì thực tế cho thấy, yêu cầu về xây dựng bến bãi sẽ ngày càng lớn trên cả TP.
Riêng tại quận Hoàng Mai, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, tập trung nhiều dân cư tại các khu đô thị, nhà cao tầng đã được hình thành từ cách đây hơn 20 năm. Mặt khác, chủ trương của TP cũng đang di dời dân cư trong khu vực phố cổ ra các khu lân cận. Chưa kể, các huyện cũng có nhu cầu, khả năng, và quan trọng hơn, hệ thống vận tải hành khách của Thủ đô cũng không ngừng mở rộng. Vì vậy, việc khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng bãi đỗ xe trong khu vực dân cư tại các quận, huyện trên địa bàn TP là rất cần thiết.
Theo tờ trình, để thực hiện các cơ chế chính sách trong Nghị quyết mới, ngân sách TP cần bố trí bổ sung khoảng 71,95 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ phương tiện nhiên liệu sạch khoảng 12,35 tỷ đồng/năm; hỗ trợ miễn phí giá vé khoảng 17,3 tỷ đồng/năm; ngân sách TP duy trì hỗ trợ 100% chi phí cầu đường, bến bãi, phí sử dụng đường bộ, bảo hiểm hành khách thu hộ khoảng 12,3 tỷ đồng/năm; các chính sách hỗ trợ khác khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: lật xe đầu kéo trên Quốc lộ 1 khiến 3 người thương vong

Đắk Lắk: lật xe đầu kéo trên Quốc lộ 1 khiến 3 người thương vong

01 Jul, 08:56 PM

Kinhtedothi - Chiều 1/7, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên Quốc lộ 1, đoạn qua phường Đông Hòa, tỉnh Đắk Lắk. Một xe đầu kéo chở gỗ keo bất ngờ lật, khiến một bé trai 15 tuổi tử vong tại chỗ, hai người khác bị thương và ba phương tiện hư hỏng nặng.

Hợp tác thương mại hóa Camera giao thông AI kết nối 5G

Hợp tác thương mại hóa Camera giao thông AI kết nối 5G

01 Jul, 07:49 PM

Kinhtedothi - Ngày 1/7, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) và Công ty Cổ phần Biển Bạc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm phát triển Camera giao thông AI. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hợp tác giữa hai doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Yên Bái: đường nối Nguyễn Tất Thành - Âu Cơ mở ra không gian phát triển mới

Yên Bái: đường nối Nguyễn Tất Thành - Âu Cơ mở ra không gian phát triển mới

29 Jun, 11:42 AM

Kinhtedothi - Ngày 29/6, tại xã Văn Phú, TP Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lễ thông xe kỹ thuật công trình đường nối Nguyễn Tất Thành đến đường Âu Cơ góp phần mở rộng không gian phát triển đô thị Yên Bái và mang đến niềm vui cho người dân. Đây cũng là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm chào mừng Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2025).

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ