Tìm lời giải giúp làng nghề hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên môn nhận định, việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào...

Kinhtedothi - Giới chuyên môn nhận định, việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các làng nghề. Do đó, muốn đạt hiệu quả cao trong hội nhập, các làng nghề phải không ngừng nâng cao sức cạnh tranh.

Cơ hội và thách thức

Khi tham gia AEC, ngoài cơ hội mở rộng thị trường ASEAN với 600 triệu dân, các làng nghề Việt Nam còn có thể tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn, vì ASEAN có một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… thông qua các thỏa thuận riêng rẽ. Cùng với đó, việc tự do di chuyển nguồn nhân lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của Việt Nam làm việc tại các nước ASEAN và ngược lại. Điều này sẽ thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, để nền kinh tế Việt Nam nói chung, làng nghề nói riêng trở nên năng động hơn.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề mây tre đan ở Phú Túc, huyện Phú Xuyên.	 Ảnh: Trần Việt
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề mây tre đan ở Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn, khi tham gia AEC, cùng với những cơ hội, DN Việt Nam nói chung, các làng nghề nói riêng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Ông Tuấn cho rằng: “Chúng ta có nguy cơ bị mất thị trường nội địa vào tay các DN ASEAN, bởi từ nhiều năm nay, hàng hóa của các nước trong khối đã tràn ngập thị trường Việt Nam. Mặt khác, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu nhờ lao động giá rẻ với các ngành dệt may, da giày và chế biến một số nông, thủy, hải sản, nhưng đa số các nước ASEAN khác cũng chú trọng vào các ngành này, ngoại trừ Singapore”. Trong khi đó, nhân lực của Việt Nam đang có nhiều nhược điểm như năng suất lao động thấp, thể lực yếu, tác phong công nghiệp chưa cao, tiếng Anh còn hạn chế… Một khó khăn nữa là các làng nghề hầu hết “mạnh ai nấy làm”, chưa có chiến lược dài hơi nên khó đạt hiệu quả cao khi hội nhập. Đơn cử như dẫn chứng mà PGS.TS Trần Mạnh Đạt đưa ra: “Thu nhập của làng nghề dệt lụa nổi tiếng Vạn Phúc hiện nay khoảng 27 tỷ đồng/năm, tương đương gần 1,4 triệu USD. Nhìn vào con số này, chúng ta vừa mừng, vừa lo khi nghĩ đến thực trạng đất trồng dâu tằm ngày càng thu hẹp trước làn sóng đô thị hóa và công nghiệp hóa”.

Nâng cao sức cạnh tranh

Trước những cơ hội và thách thức đó, vấn đề cấp bách đặt ra là nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từ đó tăng năng lực của mỗi làng nghề trên thị trường quốc tế. “Bởi thế, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề cần không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo. Đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu để giữ bản quyền đối với một số sản phẩm tiêu biểu của cơ sở, làng nghề, phố nghề” - ông Tuấn đưa ra giải pháp.

Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan - thành viên Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, các làng nghề cần đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ của người lao động, thực hiện các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ mới; đồng thời phát huy thế mạnh của các nghệ nhân trong việc cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ. Một số chuyên gia khác lại đánh giá cao việc bố trí lại bộ máy quản trị cơ sở. Tức là mỗi đơn vị sản xuất cần phân công cho từng người ở từng khâu và quy định trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật rõ ràng. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết giữa các cơ sở cùng nghề, cùng làng, phố nghề để hợp lực, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi cơ sở. Ngoài ra, các làng nghề cần thường xuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm mới qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từng bước tiến tới giao dịch, bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ để giảm bớt chi phí trung gian với giá cả công khai, minh bạch. Hoặc phát triển phương thức bán hàng trên internet, qua trang tin điện tử của cơ sở sản xuất, làng nghề, phố nghề, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam...

Bên cạnh sự nỗ lực của các làng nghề, sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước cũng rất cần thiết. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, những năm gần đây, các hợp đồng ngày càng ít, lao động thiếu việc làm, DN ngừng trệ hoặc đóng cửa, giải thể, có nơi gần như phải bỏ nghề. “Làng nghề gồm phần lớn là hộ gia đình, quy mô nhỏ, có nhiều yếu kém, do đó, tôi mong các cơ quan Nhà nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi có như vậy mới tạo thuận lợi cho các cơ sở làng nghề tăng sức “chiến đấu” và phát triển bền vững” - nghệ nhân Nguyễn Văn Trung bày tỏ.