Tìm “thuốc” đẩy lùi tín dụng đen, giới chuyên gia hiến kế

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Gần nửa dân số Việt Nam đang đối mặt với các rào cản khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Nhu cầu vay lớn nhưng những giới hạn trong việc tiếp cận tín dụng thông qua các kênh chính thống đã vô tình để bỏ ngỏ một mảnh đất màu mỡ cho “tín dụng đen” khai thác”. Đó là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” ngày 15/3 tại Hà Nội.

Toàn cảnh tọa đàm.
Mảnh đất màu mỡ cho tín dụng đen
Tại tọa đàm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cung cấp số liệu từ StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.

“Cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới ngân hàng phát triển chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen”.

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Trần Kim Anh

Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tín dụng đen quá dễ tiếp cận. Trên cột điện, trên tường, trên trụ điện, chúng ta có thể dễ dàng thấy những mẩu quảng cáo được dán chồng chồng lớp lớp mời gọi vay nóng kèm số điện thoại liên lạc.
Phó Tổng Giám đốc Công ty FE Credit Nguyễn Thanh Phúc cũng dẫn số liệu để khẳng định, gần nửa dân số Việt Nam đang đối mặt với các rào cản khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Tỷ lệ này rơi vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình - thấp, không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập và dưới chuẩn cho vay của các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, thị trường nông thôn, vùng ven với khoảng 60 triệu dân vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các tổ chức tín dụng vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.
Lý giải dưới góc độ nguồn vốn và nhu cầu của người dân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Tú Anh cho rằng, gần đây, tín dụng đen đã bùng phát mạnh mẽ ở nước ta. Điều này cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này.
“Rộng đường” để cho vay tiêu dùng phát triển
Nói về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư Trần Kim Anh cho rằng, để từng bước đẩy lùi tín dụng đen, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.
Phía các công ty tài chính tiêu dùng, theo Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, công ty tài chính Home Credit Việt Nam Trịnh Bá Việt Xô, bản thân các công ty tài chính cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến “tín dụng đen”.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vay.
Ngoài ra, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo đảm sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam. Khi hành lang pháp lý về các công ty tài chính được hoàn thiện, sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty thông qua việc gia tăng quyền lợi để thu hút khách hàng sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng “dễ thở” hơn, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao.