Tín dụng tiêu dùng: Ngày càng dễ tiếp cận

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2017.

Đây là kênh hấp thụ vốn ngân hàng nhiều tiềm năng nhưng cũng khiến không ít ý kiến e ngại vì nếu không tỉnh táo sẽ tiếp tay cho bong bóng bất động sản.
Tín dụng chuyển hướng

Bên cạnh kích cầu tín dụng tiêu dùng, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% với cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống. Động thái này đã bật đèn xanh cho tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm có bán trả góp, vay tiêu dùng tại cửa hàng của Thế giới di động. Ảnh: Phạm Hùng

Cho tới thời điểm này, các ngân hàng chưa có kết quả kinh doanh 6 tháng, bởi vậy chưa thể khẳng định đà tăng mạnh mẽ của tín dụng trong 4 tháng đầu năm có duy trì phong độ hay không. Tuy nhiên, nhìn vào những động thái trên thị trường gần đây, giới kinh doanh và cả các chuyên gia kinh tế tin tưởng, tín dụng vẫn trong chu kỳ tăng trưởng mạnh. Bằng chứng là các ngân hàng tiếp tục đua tung ra các chương trình kích cầu tín dụng tiêu dùng, chạy đua thu hút khách hàng là DN có tiềm năng. Chẳng hạn SCB phân hạng khách hàng để có các chính sách ưu đãi như giảm lãi suất tiền vay, giảm phí; SeABank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn dành cho các khách hàng cá nhân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Thông thường lãi suất các ngân hàng áp dụng đối với cho vay tiêu dùng phổ biến 12 - 13%/năm. Một tỷ trọng lớn vốn vay dạng này đổ vào tín dụng nhà đất, sửa sang nhà, theo chia sẻ của cán bộ tín dụng nhiều ngân hàng. Đặc biệt, tâm lý cho rằng bất động sản tới đây khởi sắc, tiếp tục tăng giá, trong khi nhiều chủ đầu tư tung ra các chương trình khuyến mại khủng để bán nhà đã thu hút, kích thích một lượng tiền lớn đổ từ các nhà băng vào đây. Cũng có không ít trường hợp, lập phương án vay vốn kinh doanh nhưng tiền lại đổ vào bất động sản.

Linh hoạt các khoản vay

Nhằm thu hút khách hàng, các ngân hàng hiện đơn giản hóa thủ tục xét duyệt hồ sơ vay vốn, giải ngân. Thậm chí, có những đơn vị chỉ sau 2 ngày khách hàng đã được vay vốn. Theo TS Nguyễn Thùy Dung - Viện Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, các khoản vay tiêu dùng tại Việt Nam thường rất linh hoạt (từ 60 triệu đồng); thủ tục hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vòng 15 phút; lãi suất cũng cạnh tranh khi mô hình cho vay của các ngân hàng đang rất phát triển. Tuy nhiên, cho vay lĩnh vực giáo dục, y tế chưa được khai thác.

Những giải pháp như vậy được dự báo sẽ giúp gia tăng mạnh dư nợ tín dụng của các nhà băng. Nhu cầu vốn đầu vào do đó cũng tăng mạnh. Quan sát trên thị trường cho thấy, rất nhiều nhà băng đang triển khai chương trình khuyến mại cho khách hàng gửi tiền, như tặng quà, áp dụng các hình thức kỳ hạn linh hoạt, cộng thêm lãi suất… Theo ông Cấn Văn Lực - Cố vấn BIDV, càng về cuối năm, ngân hàng càng khát vốn, đặc biệt với định hướng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế và tín dụng, các nhà băng càng phải chạy sớm để dồi dào thanh khoản nửa cuối năm. Mùa khuyến mại tiền gửi năm nay, đến sớm hơn vài tháng so với các năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực như vậy, thị trường cũng dấy lên e ngại về việc tăng trưởng tín dụng có thể kích thích bong bóng tín dụng bất động sản. Nhìn vào số lượng các dự án khởi công mở bán dày đặc như hiện nay cũng như số liệu mới nhất của Công ty CBRE cho thấy, bất động sản đã thiết lập mặt bằng giá mới, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, nếu không giám sát chặt chẽ, nguy cơ nợ xấu bùng phát khi thị trường BĐS đảo chiều rất có thể lặp lại. Bên cạnh đó, việc DN thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản đứng đầu trong các ngành cũng cho một tín hiệu cảnh báo, vốn đang được tập trung quá lớn vào lĩnh vực nhiều rủi ro này.
Theo nghiên cứu của Viện Quản trị Kinh doanh, 3 thập kỉ phát triển của kinh tế Việt Nam dựa trên 3 yếu tố quan trọng: xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. Có 4 yếu tố quyết định người thắng cuộc trên thị trường tài chính tiêu dùng gồm: Thứ nhất, sản phẩm phải phù hợp và linh hoạt dành cho khách hàng có thu nhập trung bình; thứ hai, có mạng lưới phân phối phù hợp với quy mô dân số; thứ ba, quản trị rủi ro tốt; thứ tư, phát triển yếu tố con người (thu hút nhân tài, đào tạo kỹ năng cho nhân viên…).