Tín dụng tiêu dùng: Nhiều cơ hội để tăng tốc

Lâm Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều công ty tài chính đã tạo được hướng đi bài bản để tăng tốc cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, để tránh tính trạng tăng trưởng nóng trong khi huy động tiết kiệm tăng chậm, tại cuộc Tọa đàm về “Phát triển tài chính bán lẻ - cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” do công ty truyền thông E. Life phối hợp với báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhưng chặt chẽ để phát triển cho vay tiêu dùng.

Người Việt “chuộng” vay tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách chiến lược, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho vay tiêu dùng đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao. Tỷ lệ này đạt khoảng 73% vào năm 2016. Tại khu vực châu Á, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cao nhất.

Báo cáo năm 2016 về tổng quan toàn ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam do StoxPlus thực hiện, thị trường tài chính tiêu dùng đã chứng kiến nhiều cú nhảy vọt đáng kinh ngạc trong những năm gần đây. Nhất là khi quy mô dân số của Việt Nam là trên 92 triệu dân nhưng có tới 70% dân số đang trong đố tuổi 15-64, trong đó khoảng 50-60% dân số có thu nhập trung bình thấp, nên có nhu cầu cao về tài chính tiêu dùng.
 Toàn cảnh cuộc tọa đàm

Nắm bắt được xu thế này, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển các hoạt động cho vay tiêu dùng thông qua các sản phẩm tín dụng của ngân hàng và của công ty tài chính trực thuộc. VPBank là một ví dụ. Ngoài phát triển các sản phẩm vay tiêu dùng của ngân hàng, công ty tài chính FE Credit cũng mang lại doanh thu lớn của ngân hàng này.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng tăng đi mua lại hoặc tăng vốn cho công ty tài chính tiêu dùng. Tiêu biểu như, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã hoàn tất việc thành lập Công ty Tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội, tiền thân là Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF) với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết, công ty sẽ đi vào hoạt động từ quý II và bắt đầu có doanh thu từ quý III với kế hoạch lợi nhuận là trên 100 tỷ, dự kiến trong năm sau lợi nhuận sẽ tăng trưởng vượt bậc.

Trước đó, thị trường cũng chứng kiến cuộc “hôn nhân” giữa HDBank và Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), sau khi chuyển nhượng 49% cổ phần cho Tập đoàn Crédit Saison (Nhật Bản), công ty đã được đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance). Ngoài ra, còn có thương vụ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa Chất, chuyển thành Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương; ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) mua lại Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may…

Lo tăng trưởng nóng

Ông Đặng Thành Hưng, đại diện FE Credit cho hay, bên cạnh những điều kiện thuận lợi đến từ môi trường kinh tế vĩ mô, các công ty tài chính đã biết hướng tới phân khúc thị trường tiềm năng, thường không phải nhóm khách hàng đáp ứng yêu cầu vay vốn tại ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, với sự thực thi của Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư 43/2016/TT-NHNN để điều chỉnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính đã có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện, đưa ra những sản phẩm tín dụng phù hợp. Ngoài ra, Công ty còn hướng tới đối tượng khách hàng vùng nông thôn, nên phải mở rộng đội ngũ nhân viên kinh doanh, hợp tác với các công ty bán lẻ.

Mặc dù nhiều công ty tài chính đã tạo được hướng đi bài bản để tăng tốc cho vay tiêu dùng. Nhưng trước sự phát triển vượt bậc của tín dụng tiêu dùng, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa đã cho rằng, tốc độ tăng cho vay tiêu dùng trên GDP là quá nhanh, trong khi huy động tiết kiệm chưa tốt. Thậm chí, theo ông Nghĩa, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP ở Việt Nam cao hơn nhiều nước Âu, Mỹ là không bình thường. “Hoạt động cho vay này tại Việt Nam chủ yếu là mua nhà và ô tô, nhưng một số tập đoàn bất động sản biến tướng cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, tạo nhu cầu ảo, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường. Do đó, nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng”, ông Nghĩa nêu rõ.

Vì thế, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất cần phải phát triển tín dụng tiêu dùng một cách bài bản, ít nhất là một dạng kinh doanh có điều kiện, đăng lý, kế toán, nộp thuế, giảm sát, điều kiện tối thiểu, lãi suất cho tự do. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Đề án 1726), các chuyên gia đã nhận xét, đây là đề án có tác động rất tích cực nên cần được thực hiện quyết liệt, bên cạnh đó, Việt Nam cần hình thành phát triển tài chính toàn diện, để mọi nhu cầu vay vốn được đáp ứng một cách hiệu quả, an toàn. Nhờ đó, hệ thống ngân hàng sẽ có thêm nguồn lực, lợi nhuận để phát triển, đầu tư hiệu quả hơn.