Tin giả mùa dịch bệnh - chuyện dài chưa dứt

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, tình trạng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh này cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, bất chấp hàng trăm trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý trước đó.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần thiết phải bị xử lý hình sự để răn đe mới có thể ngăn chặn được tình trạng tung tin giả giữa mùa dịch bệnh.
Nhan nhản tin giả lan truyền
Sau khi Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên, ngay lập tức thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 tái bùng phát trên mạng xã hội. Những thông tin vô lý, không căn cứ, thậm chí là bịa đặt liên tục xuất hiện trên mạng xã hội và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trong những ngày qua. Lý do thì muôn hình vạn trạng, người đưa tin muốn tỏ ra mình tiếp xúc được với nhiều nguồn tin, biết nhiều thông tin bí mật, khoe mẽ trong cộng đồng mạng.
  Những trường hợp tung tin sai về dịch bệnh bị xử lý.
Thậm chí, có người thì lý do chỉ muốn tăng lượng tương tác để bán hàng online thuận lợi. Các thông tin giả nhanh chóng xuất hiện rồi cũng nhanh chóng bị gỡ bỏ khi cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt xử lý.
Trong 2 ngày 29 - 30/7, Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với chủ tài khoản Facebook H.K.L. (trú tại phường Tân Phong, quận 7) vì thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, ngày 27/7, chủ tài khoản H.K.L. đã đăng trên mạng xã hội: “Có thông tin ở Đà Nẵng 1 ca chết rồi mọi người ơi. Nhiễm hơn 100 ca rồi, nghe nói mà không biết Sài Gòn có ai dính không nữa. Không thì toang luôn”. Cơ quan chức năng xác định, thời điểm đó, nội dung mà chủ tài khoản H.K.L. đăng tải là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam.
Trước đó, ngày 29/7, Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cũng ban hành quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với nữ ca sĩ Hòa Minzy vì chia sẻ thông tin giả mạo về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch Covid-19. Trước Hòa Minzy, các nghệ sĩ khác như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng cũng từng bị Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh xử phạt vì phát ngôn, chia sẻ những thông tin sai liên quan đến dịch Covid-19.
Liên quan nội dung thông tin giả mạo về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mới đây, hàng loạt chủ tài khoản cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Trong ngày 29/7, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với Đặng Thị Thu Sen (trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh), chủ tài khoản Mốt Ngọc Sen. Ngày 28/7, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với Vương Thị T.H. (SN 1995, trú tại TP Huế), chủ tài khoản facebook Vương Huyền Túi.
Khi Quảng Ngãi xuất hiện ca bệnh 419, việc bệnh nhân đi xe Thanh Hường, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng tải và chia sẻ danh sách 121 người và cho đó là số hành khách đi xe Thanh Hường. Công an Quảng Ngãi xác định, đây thực chất là danh sách bệnh nhân khám bệnh trong chiều 24/7, trùng thời điểm bệnh nhân 419 đi khám tại Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với hơn 10 chủ tài khoản facebook, xác định từng hành vi để xử lý.
Có thể bị xử lý hình sự
Theo Đại tá Trần Minh Hưng - Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ngãi, khi đọc được thông tin trên mạng phải bình tĩnh, kiểm chứng, chỉ chia sẻ thông tin chính thống, được xác định đúng sự thật. Những thông tin chưa xác định đúng sai sẽ bị xử lý. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã xử phạt hơn 20 người với số tiền hơn 100 triệu đồng do vi phạm Luật An ninh mạng, chủ yếu là những hành vi đưa tin sai sự thật trong đợt dịch Covid-19. Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng với những cú bấm like, share của mình.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, những hành vi chia sẻ tin giả, sai sự thật về dịch Covid-19 đều trái pháp luật đáng bị lên án. Những hành vi này ảnh hưởng rất lớn đến công tác đấu tranh phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ đang ra sức phát hiện. Với hành vi trái pháp luật như vậy, mức phạt được quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/4/2020.
Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 - 20 triệu đồng. Việc xử phạt người đăng tin đồn thất thiệt, sai sự thật là cần thiết nhằm răn đe, giáo dục chung cho người vi phạm. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người khác khi muốn đăng tin trên mạng.
Các chuyên gia pháp luật cũng nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi tung tin giả trong mùa dịch. Theo quy định của pháp luật hình sự, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh gây ra hậu quả xấu có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 200 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 288). Trường hợp người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch, người mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác.
Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 30 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 155). Ngoài ra, tùy vào mức độ xâm phạm của hành vi tung tin, người tung tin có thể phải gánh chịu các mức phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khác theo quy định.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu muốn đăng tin trên mạng xã hội, nên lựa chọn các thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các trang tin chính thống của Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động; tránh chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng về tính chính xác hoặc chưa được cơ quan nhà nước công bố.

Trường hợp người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch, người mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác. Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 30 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 155).