Tín hiệu chính sách từ phiên điều trần đầu tiên của tân Chủ tịch FED

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tân Chủ tịch FED Jerome Powell trong lần điều trần đầu tiên đã tuyên bố sẽ giữ cho nền kinh tế không tăng trưởng nóng và củng cố cam kết duy trì tăng dần lãi suất.

Phiên điều trần là tín hiệu đầu tiên của tân Chủ tịch FED rằng, kế hoạch chi tiêu và kế hoạch cải cách thuế lớn của Tổng thống Trump sẽ không gây ra bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách của FED. Từ khóa “tăng dần” lãi suất đã được sử dụng bởi người tiền nhiệm tại FED là bà Yellen, kể từ cuối năm 2015. 

Tuy nhiên, tân Chủ tịch FED trong phiên điều trần đầu tiên trước Hạ viện Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng của nền kinh tế Mỹ, qua đó, càng củng cố nhận định của các nhà đầu tư về việc FED sẽ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất trong năm 2018 so với thời của bà Yellen.

Tân Chủ tịch FED Jerome Powell.

FED dự kiến ​​sẽ đẩy mức tăng lần đầu tiên vào năm 2018 trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 3, khi cơ quan này cung cấp những dự báo kinh tế mới và ông Powell sẽ tổ chức cuộc họp báo đầu tiên của mình. Trước đó trong phiên họp chính sách vào tháng 12 năm ngoái, FED đã đưa ra dự báo về sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm 2018.

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Mỹ sau thời gian phục hồi đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng nhanh cùng đà tăng của tỷ lệ lạm phát. Phát biểu tại phiên họp, ông Powell khẳng định các chính sách tài khoá đã trở nên thuận lợi hơn, kèm theo đó là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới: “Một số lực cản đối mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt trong những năm trước đây, thì nay đã chuyển thành động lực cho tăng trưởng”.

Bên cạnh đó, việc tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang được duy trì ở 4,1%, mức thấp nhất trong 17 năm trở lại đây cũng được đánh giá là điểm sáng tích cực. Trong thời gian tới, ông Powell nhận định, FED sẽ áp dụng chính sách tiền tệ phù hợp đi kèm với tăng lãi suất để tạo sự cân bằng, nhằm tránh cho nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2%. Việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% là khi xét tới bối cảnh hiện tại, các số liệu về tăng trưởng kinh tế và việc làm của Mỹ hiện tại đã được cải thiện nhiều so với cuộc họp vào tháng 12, các chuyên gia cho rằng, FED cần đảm bảo tỷ lệ lạm phát khi tăng sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giới đầu tư và thị trường cho rằng FED sẽ áp dụng biện pháp nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018. Những lý do này khiến nhiều người càng thêm chắc chắn FED sẽ công bố kế hoạch nâng lãi suất đầu tiên vào tháng 3.

Powell đã có vài lần thể hiện quan điểm cá nhân trong buổi điều trần kéo dài 3 giờ đồng hồ. Điều này được đánh giá là tạo thêm sự đa dạng trong phương thức giao tiếp với công chúng của FED, khác hẳn với thời bà Yellen.

Kể từ lần gần nhất FED đưa ra các dự báo kinh tế, Quốc hội Mỹ đã có tới 2 thay đổi có thể thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Gói cải cách thuế 1.500 tỷ USD có tác dụng kích thích nền kinh tế, và mới đây là thỏa thuận ngân sách nâng mức trần chi tiêu công.

"Theo quan điểm cá nhân của tôi, đó là những lực đẩy có nhiều ý nghĩa sẽ tác động lên lực cầu, ít nhất là trong vài năm tới", ông nói.

Sự lạc quan của ông có thể làm dấy lên kỳ vọng FED sẽ chọn lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ 1 cách xông xáo hơn.

Phiên điều trần mỗi năm hai lần của Chủ tịch FED lần này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu vốn đang nỗ lực phục hồi sau đợt bán tháo mới đây. Trong đợt bán tháo đầu tháng này, Phố Wall đã rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh, giảm trên 10% từ mức đỉnh kỷ lục thiết lập vào hôm 26/1. Nỗi lo lãi suất tăng nhanh là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc bán tháo đó.

 Chốt phiên giao dịch ngày thứ bảy, cả 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán New York đều chìm trong sắc đỏ, trong đó các chỉ số như Dow Jones, S&P và Nasdaq đều giảm lần lượt là 1,16%, 1,27%, và 1,23%. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của các chỉ số chủ chốt chứng khoán Mỹ kể từ hôm 8/2.

 

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần