Tín hiệu lạc quan từ dòng vốn FDI

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng thêm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà đầu tư (NĐT) đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam và đẩy mạnh rót vốn, triển khai xây dựng các nhà máy, dự án tại Việt Nam.

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty SamSung Việt Nam. Ảnh: Trần Việt
Nhiều nhà đầu tư lớn đã chọn Việt Nam
Quý I/2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ. Ðây là mức tăng khá mạnh sau hai tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6%; vốn điều chỉnh tại các dự án tăng vốn đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4%.

Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD, chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Điều đáng nói, đó là vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 93,4% và 70,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này. Trong khi đó, Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…

Nhiều dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn trong quý I như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II tại Long An của NĐT Singapore với tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD; Tiếp theo là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, tại Cần Thơ. Bên cạnh đó, Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD...

Đặc biệt, đầu năm nay, còn có Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, bởi đã chứng minh mối quan tâm của “ông lớn” Apple tới thị trường Việt Nam.

Một điểm tích cực trong thu hút FDI của Việt Nam trong quý đầu năm đó là vốn giải ngân ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đánh giá về xu hướng dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhận định, đến nay, tình hình sản xuất - kinh doanh tích cực hơn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng thêm việc đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, đã khiến nhiều NĐT nước ngoài đẩy nhanh hơn việc triển khai xây dựng các nhà máy ở Việt Nam.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 58,21 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ, chiếm 75,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đáng nói tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực DN trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

Những tác động từ chủ trương, chính sách

Thực tế, Việt Nam đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với các NĐT quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ các FTA. Với GDP năm 2020 và quý I/2021, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới; đã củng cố niềm tin của các DN, các NĐT nước ngoài.

Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các NĐT quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp.

Đáng chú ý, Luật Đầu tư 2020 (thay thế cho Luật Đầu tư số 67/2014/QH13) có hiệu lực từ 1/1/2021 đã tạo ra “độ mở” lớn. Cụ thể, Luật Đầu tư 2020 có những thay đổi đáng chú ý về các chính sách ưu đãi đầu tư. Trong đó, cho phép áp dụng ưu đãi đặc biệt (tối đa thêm 50%) các ngành nghề ưu đãi đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam; được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho các NĐT tiềm năng, đặc biệt là các DN nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Những kết quả từ thu hút vốn FDI đã khẳng định những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ đã phát huy hiệu quả, có tầm nhìn. Rõ ràng, Việt Nam đang được biết đến là địa điểm hấp dẫn, thu hút các NĐT nước ngoài, trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút nhiều “ông lớn” của thế giới như Apple, Intel, Samsung, LG…
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút FDI. Thị trường lao động dồi dào, sức mạnh kinh tế, vị trí địa lý và thị trường tiềm năng, tích cực hội nhập toàn cầu, môi trường kinh doanh mở, điểm đến an toàn và ổn định… Việt Nam thực sự là điểm sáng của kinh tế khu vực; bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB – Nguyễn Minh Cường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần