Tín hiệu tích cực của nền kinh tế

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo chung trên thế giới, bên cạnh những thành tựu to lớn và toàn diện về kinh tế, chính trị, đối nội, đối ngoại đạt được trong năm 2017, trong 2 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực.

Khởi sắc trên mọi lĩnh vực
Kinh tế phát triển, sức mua thị trường mở rộng hơn, giá cả nhìn chung ổn định. Nhiều loại nông, thủy sản trúng mùa, được giá và sức mua thị trường đều tăng hơn năm trước, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đều tăng, đặc biệt là xuất siêu trên 1,08 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ của nhiều năm qua. Thu hút khách quốc tăng 29,7% ghi nhận ở tất cả các nguồn khách và kênh vận chuyển. Số DN đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động tăng cao. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng 9,7% và vốn góp, mua cổ phần tăng vọt tới 102,5%, báo hiệu một năm tiếp tục khởi sắc cho thị trường chứng khoán Việt.
 Bốc xếp hàng tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Công Hùng
Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường từ ngày đầu, tháng đầu, với việc ban hành một loạt nghị quyết và quyết định của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; về quản lý ATTP, về quản lý vốn Nhà nước tại DN; về tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, tháo bỏ những rào cản điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, siết chặt kỷ cương công vụ…

Ngoài Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết, nhiều cơ sở thuận lợi để tin rằng năm 2018 - 2019 sẽ có thể ký kết các hiệp định như, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)… Từ đó, mang đến nhiều cơ hội mới, mở ra không gian rộng lớn hơn cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước…

Cộng hưởng từ CPTPP

CPTPP khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giúp Việt Nam tăng từ 1 - 3% GDP vào năm 2030 và nhất là tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Đồng thời làm gia tăng động lực và tốc độ phát triển kinh tế, thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên khi CPTPP mở rộng thành viên.

CPTPP là dạng hiệp định mở, bất cứ nước nào mong muốn tham gia đều được hoan nghênh. Thực tế cho thấy, chủ trương "Nước Mỹ trước tiên" không phải là một nước Mỹ cô lập, mà luôn cần thu hút đầu tư nước ngoài và khai thác thị trường quốc tế để tiếp tục phát triển và cải thiện việc làm. Tham gia TPP hay CPTPP và thị trường châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn luôn có lợi cho kinh tế và tạo lập đồng minh chiến lược đối với Mỹ.
Bởi vậy, Tổng thống Mỹ Trump đã hơn một lần tuyên bố để ngỏ khả năng tham gia trở lại TPP, dù nhấn mạnh cần điều kiện thương lượng mới có lợi hơn cho Mỹ (tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 1/2018 và tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 23/2/2018). Thậm chí, 25 thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa của Mỹ còn ký “tâm thư” kêu gọi Tổng thống quay lại đàm phán TPP.

Những động thái Mỹ có thể quay lại TPP và triển vọng tham gia CPTPP của Anh, Hàn Quốc đang dần hiện hữu. Thúc đẩy ký kết, thực thi và khai thác CPTPP, cùng với các FTA khác, được kỳ vọng sẽ kéo theo những chuyển dịch mới cả về kinh tế và địa chính trị khu vực và thế giới…

Những tín hiệu vui đầu Xuân mới cho phép chúng ta củng cố lòng tin, quyết tâm và cả sự quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, triển khai hành động trong năm 2018, năm của “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Từ đó thúc đẩy cạnh tranh thị trường lành mạnh và giảm chi phí cho DN, bảo đảm ổn định vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước...