Hà Nội thêm 3 ca mới nghi mắc Corona

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến nay, Hà Nội đã có 44 trường hợp nghi nhiễm virus nCoV. Trong đó, có 2 trường hợp mới nghi ngờ mắc Corona tại quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm. Trước đó, 1 trường hợp nghi ngờ mắc Corona tại quận Hoàn Kiếm.

Thông tin cập nhật mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội tính đến 18 giờ ngày 6/2, hiện trên địa bàn TP chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm viêm phổi cấp do nCoV.
Tính từ khi dịch bùng phát đến nay, tại Hà Nội đã có 44 trường hợp nghi nhiễm virus nCoV. Trong đó, có 2 trường hợp mới nghi ngờ mắc Corona tại quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm. Trước đó, 1 trường hợp nghi ngờ mắc Corona tại quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên đến thời điểm này, 38 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện tại, chỉ còn 4 ca nghi nhiễm vẫn đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ.
Ngoài ra, toàn TP còn có 14 trường hợp tiếp xúc gần với những người nghi mắc corona và 690 người đến từ vùng dịch được giám sát y tế.
 
* Chiều cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã có khuyến cáo về việc vệ sinh cá nhân trong phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Người dân cần lưu ý thực hiện theo 7 nội dung khuyến cáo dưới đây.
1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Trong trường hợp không có nước sạch và xà phòng thì có thể dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn).
2. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
3. Che kín mũi và miệng khi ho, khi hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay áo để làm giảm sự phát tán dịch tiết đường hô hấp ra môi trường. Bỏ khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng. Rửa ngay tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi ho, hắt hơi.
4. Duy trì thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục; tích cực vận động cơ thể; ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất; giữ ấm cơ thể, mũi, họng; nâng cao thể trạng.
5. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi…). Nếu phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế đúng cách và nên giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc.
6. Nếu bản thân có các biểu hiện viêm đường hô hấp như sốt, ho, khó thở… cần đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế gần nhất để được khám tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
7. Sử dụng khẩu trang:
7.1. Đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp sau đây:
- Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm, nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV.
- Khi có tiếp xúc gần với người có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính: ho, chảy nước mũi, hắt hơi, khó thở…
- Khi bản thân có các biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính: ho, chảy nước mũi, hắt hơi…
- Khi được chỉ định tự theo dõi cách ly tại nhà.
- Khi đi thăm hỏi, khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
  Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội.
7.2. Đeo khẩu trang vải thông thường:
Người khỏe mạnh, không có các biểu hiện viêm đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải thông thường đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Lưu ý khi dùng khẩu trang:
- Phải che kín hết mũi và miệng.
- Đối với khẩu trang y tế: Chỉ dùng một lần.
- Đối với khẩu trang vải: Cần phải thay hằng ngày, có thể dùng lại sau khi giặt bằng xà phòng và phơi khô.
Cũng theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, việc đeo khẩu trang y tế ở tất cả người dân là không cần thiết, gây lãng phí và có thể tạo cảm giác yên tâm “ảo”, khiến bản thân bỏ qua việc áp dụng các biện pháp bảo vệ vô cùng quan trọng đó là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng, vệ sinh nơi ở và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội công bố số máy điện thoại đường dây nóng để người dân có thể liên hệ khi cần thiết, với số liên hệ: 0969.082.115; 0949.396.115.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần