Tin tức thế giới hôm nay 1/10: Nga, Pháp kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ sẽ ban hành biện pháp mới để "duy trì trật tự" tại các cuộc tranh luận Trump - Biden sắp tới; Nga, Pháp kêu gọi ngừng bắn tại Nagorny - Karabakh… là những tin quốc tế nổi bật trong ngày 1/10.

Nga, Pháp kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn 'hoàn toàn'
Ngày 30/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron kêu gọi ngừng bắn "hoàn toàn" ở khu vực Nagorny - Karabakh, đồng thời cho biết sẵn sàng đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao giúp giải quyết những bất đồng. 
Baku cho rằng, Yerevan đã sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U trong xung đột Armenia-Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh.
Thông báo của Điện Kremlin cho biết: "Tổng thống Vladimir Putin và Emmanuel Macron kêu gọi các bên liên quan dừng toàn bộ giao tranh ngay khi có thể, giảm căng thẳng và thể hiện kiềm chế tối đa".
Theo thông báo, trong cuộc điện đàm theo đề xuất của Tổng thống Macron, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận "về những biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác, ưu tiên trong khuôn khổ cơ chế của Nhóm Minsk". Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ "sẵn sàng" thay mặt nhóm Minsk đưa ra thông báo kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức" và bắt đầu tiến hành đàm phán.
Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát ngày 27/9 liên quan khu vực Nagorny - Karabakh bước sang ngày thứ 4, trong đó hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng pháo hạng nặng. Theo thống kê, ít nhất 95 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, trong đó có 11 dân thường.
Mỹ sẽ thêm quy định để tranh luận Trump - Biden bớt hỗn loạn
Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ sẽ ban hành biện pháp mới để "duy trì trật tự" tại các cuộc tranh luận sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Khoảng 28,7 triệu người đã theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và Biden.
"Cuộc tranh luận tối qua cho thấy rõ rằng cần thêm công cụ vào định dạng của hai cuộc tranh luận còn lại để đảm bảo các cuộc thảo luận có trật tự hơn", Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ (CPD) ngày 30/9 ra tuyên bố, cho biết họ "đang cẩn thận cân nhắc" và "sẽ sớm công bố biện pháp mới".
CPD là ủy ban phi đảng phái đã tổ chức mọi cuộc tranh luận tổng thống từ năm 1988. Sau khi CPD ra tuyên bố, chiến dịch tranh cử của Trump cáo buộc ủy ban này "thay đổi luật chơi giữa trận đấu".
Khoảng 28,7 triệu người đã theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên trên ABC, CBS, NBC và Fox, thấp hơn mức 45 triệu người xem Trump tranh luận với cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton trên các kênh đó vào năm 2016.
Trump và Biden sẽ tiếp tục "so găng" lúc 21 giờ ngày 15/10 (8 giờ sáng 16/10 giờ Hà Nội) tại Florida, trong sự kiện do người dẫn chương trình của C-SPAN Steve Scully điều hành. Tranh luận lần cuối diễn ra vào 21 giờ ngày 22/10 (8 giờ sáng 23/10) tại Tennessee, người cầm trịch là nhà báo Kristen Welker của NBC News. 
Anh cân nhắc tăng cường biện pháp kiểm soát dịch Covid-19
Ngày 30/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo nước này có thể áp đặt thêm các biện pháp để kiềm chế đại dịch Covid-19 lây lan nếu tình hình tiếp tục xấu đi tại Anh. 
Anh cân nhắc tăng cường biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận: "Chúng tôi không phản đối việc triển khai thêm các biện pháp nếu tình hình dịch bệnh trở nên xấu đi. Hiện nước Anh đang ở thời điểm quan trọng". 
Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh cũng bảo vệ những biện pháp mới nhất mà chính phủ đưa ra trong cuộc chiến chống Covid-19. Thủ tướng Johnson cho rằng số lượng ca mới mắc Covid-19 và "sự gia tăng" về các trường hợp tử vong cho thấy "vai trò quan trọng của kế hoạch phòng chống dịch". Ông khẳng định: "Các biện pháp mới cần thời gian để hiệu quả. Vì vậy, tôi kêu gọi sự kiên nhẫn, chia sẻ và hợp tác".
Tuyên bố của Thủ tướng Johnson được đưa ra sau khi Anh thông báo có thêm 7.108 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 30/9, nâng tổng số ca tại nước này lên 453.264 ca. Trong khi đó, số ca thiệt mạng vì Covid-19 là 41.143 ca.
IAEA tiến hành kiểm tra cơ sở hạt nhân thứ hai của Iran
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 30/9 cho biết đã kiểm tra cơ sở thứ hai trong 2 cơ sở hạt nhân bí mật cũ bị nghi ngờ ở Iran theo đúng thỏa thuận giữa cơ quan này với Tehran hồi tháng trước nhằm chấm dứt sự bế tắc trong các cuộc đàm phán về việc tiếp cận các cơ sở này.
IAEA tiến hành kiểm tra cơ sở hạt nhân thứ hai của Iran.
Trong một tuyên bố, IAEA nhấn mạnh "Như một phần trong thỏa thuận với Iran để giải quyết các vấn đề thực thi an toàn do IAEA quy định, IAEA trong tuần này đã tiến hành một cuộc tiếp cận bổ sung tại cơ sở hạt nhân thứ hai ở Iran và lấy các mẫu xét nghiệm môi trường”.
Hồi tháng 6 năm nay, Hội đồng thống đốc gồm 35 thành viên của IAEA đã thông qua nghị quyết kêu gọi Iran cho phép các thanh sát viên của tổ chức này tiếp cận 2 cơ sở hạt nhân của quốc gia trên ở gần TP Shahreza và thủ đô Tehran.