Tin tức thế giới hôm nay 14/1: Tổng thống Putin ra lệnh tiêm đại trà vaccine Sputnik V từ 18/1

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga ra lệnh triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ ngày 18/1; Italia đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính phủ mới… là những tin quốc tế mới nhất trong ngày 14/1.

Nga sẽ triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V
Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh triển khai tiêm chủng Covid-19 đại trà từ tuần tới, nhấn mạnh vaccine Nga ưu việt hơn các loại của phương Tây.
Tổng thống Vladimir Putin 
"Tôi yêu cầu các bạn bắt đầu tiêm chủng đại trà cho toàn dân vào tuần tới", Tổng thống Putin nói với các quan chức tại một cuộc họp trực tuyến ngày 13/1 từ dinh thự Novo-Ogaryovo.
"Cảm ơn Chúa, vaccine của chúng ta không yêu cầu điều kiện khắt khe trong quá trình vận chuyển. Nó đơn giản hơn và hiệu quả hơn nhiều", Putin nói thêm, so sánh với các vaccine do phương Tây sản xuất. "Vaccine của Nga tốt nhất thế giới".
Phó Thủ tướng Tatyana Golikova trả lời Putin rằng Nga sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà từ 18/1.
Sputnik V được phê duyệt ngày 11/8, trở thành vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được chấp thuận.
Italia đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính phủ mới
Tối 13/1, lãnh đạo đảng Italia Viva (IV) Matteo Renzi thông báo hai bộ trưởng và một thứ trưởng thuộc đảng IV chính thức rút khỏi chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte, theo đó, Italia có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng chính phủ mới.
 Ảnh minh họa
Cựu Thủ tướng Matteo Renzi cho biết, hai bộ trưởng và một thứ trưởng thuộc đảng IV trong liên minh cầm quyền từ chức gồm: Bộ trưởng chính sách nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp Teresa Bellanova, Bộ trưởng Chính sách gia đình Elena Bonetti và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ivan Scanfarotto.
Căng thẳng giữa Thủ tướng Giuseppe Conte với cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã đẩy lên cao trào liên quan đến dự thảo Kế hoạch Phục hồi của Italia.
Cựu Thủ tướng Renzi mới đây đã gửi tối hậu thư tới Thủ tướng Conte và khẳng định sẽ rút đảng Italia Viva của ông khỏi liên minh của Thủ tướng Conte, trừ phi Chính phủ có những điều chỉnh trong dự thảo Kế hoạch Phục hồi.
Indonesia tích cực tìm kiếm chiếc hộp đen thứ 2
Gia đình các nạn nhân trên chuyến bay của hãng hàng không Sriwijaya Air của Indonesia bày tỏ hy vọng sẽ nhận được câu trả lời về nguyên nhân máy bay rơi sau khi 1 trong 2 hộp đen ghi dữ liệu hành trình bay đã được trục vớt.
 Mảnh vỡ của chiếc Boeing 737-500 chở 62 người rơi xuống biển Java chiều ngày 9/1.
Chiếc Boeing 737-500 chở 62 người đã rơi xuống biển Java vào chiều ngày 9/1, bốn phút sau khi cất cánh từ sân bay chính ở Jakarta. Nhóm tìm kiếm cứu nạn cho biết, họ sẽ đẩy mạnh chiến dịch tìm kiếm các nạn nhân và chiếc hộp đen thứ hai.
Trưởng nhóm tìm kiếm Rasman MS cho biết, lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục tìm kiếm trên không. Khu vực tìm kiếm khá rộng và một số mảnh vỡ, và nạn nân có thể bị sóng biển đánh trôi dạt ra xa.
Các thợ lặn tin rằng, họ sắp tìm thấy dưới đáy biển hộp đen ghi âm ở buồng lái.
Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia hy vọng, sẽ tải được dữ liệu từ chiếc hộp đen ghi hành trình bay trong vòng 2-5 ngày. Các nhà điều tra sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào 2 hộp đen để xác định nguyên nhân khiến máy bay rơi.
Lãnh đạo ECB lạc quan về triển vọng phục hồi của Eurozone
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 13/1, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde bày tỏ sự tin tưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ phục hồi trong năm 2021 bất chấp việc các nước trong khu vực tái áp đặt các biện pháp hạn chế và khởi đầu gian nan của chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.
 Chủ tịch ECB lạc quan về triển vọng phục hồi của Eurozone.
Tháng 12/2020, ECB dự báo nền kinh tế Eurozone với 19 nước thành viên sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2021, sau khi giảm 7,3% trong năm 2020.
Bà Lagarde khẳng định những dự báo của ECB về triển vọng kinh tế Eurozone vẫn đáng tin cậy và không có lý do gì để cho rằng dự báo đó là sai ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB nhấn mạnh dự báo trên chỉ tính đến trường hợp các biện pháp phong tỏa ngăn dịch bệnh được áp đặt cho đến cuối quý I/2021, và sẽ đáng lo ngại nếu các nước thành viên cần gia hạn lệnh phong tỏa sau thời điểm nói trên.
Theo bà Lagarde, Eurozone đang có nền tảng khởi động tích cực khi những vấn đề khó đoán định trước đây liên quan đến thỏa thuận thương mại Anh - EU hậu Brexit, hay kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, giờ đã rõ ràng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần