Tin tức thế giới hôm nay 2/10: Ông Trump phản đối điều chỉnh quy tắc tranh luận

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Trump phản đối thay đổi quy tắc tranh luận; Nga, Mỹ, Pháp ra tuyên bố chung về xung đột Armenia - Azerbaijan… là những tin quốc tế nổi bật trong ngày 2/10.

Ông Trump phản đối thay đổi quy tắc tranh luận
Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ hôm 30/9 cho hay họ sẽ ban hành biện pháp mới để "duy trì trật tự" tại các cuộc tranh luận sắp tới giữa ông Donald Trump và ứng viên Joe Biden, dấu hiệu cho thấy sự thất vọng với kết quả tranh luận đầu tiên. Một trong những đề xuất phổ biến là trao quyền cho người điều hành tắt tiếng micro của ứng viên.
Ông Trump phản đối thay đổi quy tắc tranh luận.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ý kiến phản đối. "Tại sao tôi lại cho phép Ủy ban Tranh luận thay đổi các quy tắc đối với cuộc tranh luận thứ hai và thứ ba trong khi tôi đã chiến thắng dễ dàng trong cuộc đầu tiên", ông tweet ngày 1/10.
Kayleigh McEnany - người phát ngôn của ông Trump cho biết, thay đổi duy nhất mà Tổng thống đồng ý trong cuộc tranh luận tiếp theo là "đổi người dẫn dắt và đổi ứng viên đảng Dân chủ". "Ông ấy không muốn những quy tắc bao che cho việc một ứng viên nào đó không có khả năng thể hiện tốt", McEnany nói.
Cuộc tranh luận kế tiếp giữa ông Trump và ông Biden sẽ diễn ra ngày 15/10 tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Adrienne Arsht ở Miami và cuộc tranh luận thứ ba được tổ chức ngày 22/10 tại Đại học Belmont ở Nashville.
Nga, Mỹ và Pháp kêu gọi Armenia - Azerbaijan ngừng bắn lập tức
Ngày 1/10, Nga, Pháp và Mỹ đã ra tuyên bố chung về tình hình xung đột Armenia - Azerbaijan tại khu vực Nagorno - Karabakh trên cương vị đồng Chủ tịch nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Nga, Mỹ và Pháp kêu gọi Armenia - Azerbaijan ngừng bắn lập tức.
Trong tuyên bố, Tổng thống 3 nước kêu gọi "lập tức ngừng thù địch giữa các lực lượng quân sự liên quan" và "các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cam kết ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với thiện ý và vô điều kiện, dưới sự bảo trợ của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm trao đổi về chiến sự căng thẳng tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí sẽ phối hợp hành động để đưa các bên xung đột tại Nagorno-Karabakh ngồi lại vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc điện đàm với phía Nga.
Ấn Độ triển khai chiến dịch sơ tán công dân tiếp theo
Từ ngày 1/10, nước này đã bắt đầu triển khai giai đoạn 7 của sứ mệnh "Vande Bharat" để sơ tán các công dân từ 19 quốc gia về nước.
Phát biểu họp báo hàng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết, đã có 820 chuyến bay được lên lịch để đưa 150.000 công dân về nước.
Ấn Độ triển khai chiến dịch sơ tán công dân tiếp theo.
Tính đến ngày 30/9, sứ mệnh Vande Bharat đã hồi hương tổng cộng 1.645.000 công dân Ấn Độ thông qua các phương thức vận chuyển khác nhau. Trong giai đoạn 6 vừa kết thúc, Ấn Độ hồi hương khoảng 175.000 người từ 24 quốc gia.
Trước đó, Ấn Độ đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách thương mại từ ngày 25/3 sau khi ban hành lệnh phong tỏa trên toàn quốc để ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. Đúng 2 tháng sau, các chuyến bay nội địa mới dần được nối lại.
Hiện Ấn Độ đang có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới với gần 6.392.000 trường hợp, nhưng lại đang có tốc độ lây lan nhanh nhất với trung bình hơn 80.000 ca/ngày, gấp đôi tốc độ tăng ở Mỹ.
Hy Lạp bác bỏ đề xuất không trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ của EU
Tối 1/10, phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết Hy Lạp bác bỏ kế hoạch được đề xuất tại cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels về việc không đề cập đến lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ sau những hành động khiêu khích của Ankara vừa qua ở Đông Địa Trung Hải.
 Phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas.
Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh của nguyên thủ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong 2 ngày (1 - 2/10) thảo luận về các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và tình hình ở Đông Địa Trung Hải, khủng hoảng Belarus và mối quan hệ hiện nay với Trung Quốc.
Về vấn đề căng thẳng hiện nay ở Đông Địa Trung Hải, phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho rằng các vấn đề cốt lõi hiện nay là yêu cầu Ankara chấp dứt các hoạt động thăm dò trái phép và các hành động khiêu khích ở khu vực Đông Địa Trung Hải; nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thể hiện động thái tích cực để giảm leo thang thì EU cần có các biện pháp mạnh tay.
Ông Petsas khẳng định cuộc họp này cần thể hiện sự thống nhất của EU trước một đối tác quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ và cần có những cam kết rõ ràng từ Ankara trước hết là việc ngừng các hành động khiêu khích hiện nay tại khu vực này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần