Tin tức thế giới hôm nay 24/9: Nga tuyên bố ông Navalny có thể về nước 'bất kỳ lúc nào'

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điện Kremlin: Ông Alexey Navalny có thể về nước 'bất cứ lúc nào'; nhiều nước lớn muốn tăng ghế thường trực Hội đồng Bảo an LHQ... là những tin quốc tế nổi bật trong ngày 24/9.

Nga nói ông Navalny có thể về nước 'bất cứ lúc nào'
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23/9 cho biết, lãnh đạo đối lập Alexey Navalny có thể trở lại Nga bất cứ lúc nào, sau khi ông này xuất viện ở Đức.
 Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. 
“Nếu bệnh nhân thực sự khỏe hơn, điều này thật tuyệt, chúng tôi chúc anh ấy bình phục sớm nhất. Đối với việc trở lại Moscow, giống như bất kỳ công dân Nga nào, ông ấy có thể tự do làm điều đó bất cứ lúc nào” - hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Peskov nói.
Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng không có cuộc họp chính thức nào được lên kế hoạch “trừ phi bệnh nhân muốn hoặc có kế hoạch bằng cách nào đó chia sẻ thông tin mà anh ta tích cực chia sẻ với các đồng nghiệp Đức và các nước khác với cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi”.
Bệnh viện Charite của Đức - nơi đã điều trị cho lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny, hôm 23/9 cho biết, tình trạng của ông đã cải thiện và đủ điều kiện xuất viện.
Nhiều nước lớn muốn tăng ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra, Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ tiếp tục bày tỏ mong muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Hôm 23/9, Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ kêu gọi tái khởi động ngay các cuộc đàm phán để cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ sau khi các cuộc đàm phán bị hoãn lại do đại dịch Covid-19.
 Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ kêu gọi tái khởi động ngay các cuộc đàm phán để cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ
Ngoại trưởng của các nước Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ có cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tuyên bố chung sau cuộc họp, các nước này nhấn mạnh "sự cấp bách của việc cải tổ LHQ và các cơ quan ra quyết định chính của tổ chức này, để phản ánh tốt hơn thực tế với tình hình hiện nay".
Hội đồng Bảo an hiện bao gồm 5 thành viên thường trực - Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, có quyền phủ quyết, quyền này có thể được dùng để phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào. Ngoài 5 thành viên thường trực, Hội đồng Bảo an bao gòm 10 thành viên không thường trực, được bầu với nhiệm kỳ hai năm.
Nhật Bản cho rằng Hội đồng Bảo an nên tăng số lượng đại diện. Số lượng của cơ quan này chỉ mới tăng một lần vào năm 1965, từ 11 lên 15 thành viên, bằng cách bổ sung thêm nhiều ghế không thường trực. Kể từ khi LHQ được thành lập năm 1945, tổ chức này đã tăng từ 51 lên 193 thành viên như hiện nay.
Lầu Năm Góc chuẩn bị kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan
Ngày 22/9, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đã bắt đầu lên kế hoạch để rút toàn bộ quân đội Mỹ ở Afghanistan vào mùa Xuân, mặc dù lệnh rút toàn bộ vẫn chưa được đưa ra.
Tại một phiên điều trần của Tiểu ban Giám sát và cải cách Hạ viện về An ninh quốc gia, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương David Helvey dẫn lời của Bộ trưởng Mỹ Mark Esper rằng chưa có lệnh cắt giảm quân đội xuống dưới mức 4.000 đến 5.000 ở Afghanistan, song Lầu Năm Góc đang thận trọng trong việc lập kế hoạch để rút toàn bộ quân lính vào tháng 5/2021 trong điều kiện cho phép.
 Binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã đề cập về việc rút quân Mỹ như một bằng chứng nhằm chứng tỏ nhà lãnh đạo này thực hiện lời hứa chấm dứt “các cuộc chiến tranh bất tận” của Mỹ.
Ngoại trưởng Đức tự cách ly do nhân viên an ninh mắc Covid-19
Ngày 23/9, Bộ Ngoại giao Đức cho biết Ngoại trưởng Heiko Maas đã tự cách ly sau khi một trong những nhân viên an ninh của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
 Ngoại trưởng Đức tự cách ly do nhân viên an ninh mắc Covid-19.
Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Bộ này đang làm việc với giới chức y tế công để xác định xem liệu có thêm người nào bị ảnh hưởng hay không cũng như tiến hành thêm các biện pháp cần thiết khác, đồng thời nhấn mạnh bất cứ ai có thể đã bị lây nhiễm sẽ được giới chức y tế nước này liên hệ.
Bà cũng cho biết kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu xác nhận Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có phản ứng âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trước đó hồi tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tự cách ly ở nhà trong hai tuần sau khi tiếp xúc với một nữ bác sĩ có kết quả xét nghiêm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các xét nghiệm của Thủ tướng Merkel sau đó đều cho kết quả âm tính với loại virus này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần