Tin tức thế giới hôm nay 30/9: Armenia, Azerbaijan từ chối đàm phán hạ nhiệt căng thẳng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Armenia và Azerbaijan từ chối tổ chức đối thoại theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế; Tổng thống Mỹ Trump lần thứ 3 được đề cử giải Nobel Hòa bình… là những tin quốc tế nổi bật trong ngày 30/9.

Armenia, Azerbaijan từ chối đàm phán
Lãnh đạo Armenia và Azerbaijan liên tục cáo buộc đối phương gây hấn, từ chối tổ chức đối thoại theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
Armenia tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí có bán kính hủy diệt lớn. 
"Sẽ không thể có đối thoại vì những yêu cầu của lãnh đạo Armenia là không thể chấp nhận được", Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói trong cuộc phỏng vấn của truyền hình Nga hôm 29/9.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 29/9 cho rằng "bầu không khí hiện nay không phù hợp với đàm phán" do các chiến dịch quân sự vẫn đang được tiến hành ở vùng Nagorno - Karabakh. Ông Pashinyan cáo buộc quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt ở Azerbaijan để chỉ đạo lính đánh thuê, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án và yêu cầu Ankara rút lực lượng khỏi khu vực.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan đã bước sang ngày thứ tư, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn từ Nga, Mỹ và nhiều nước, tổ chức quốc tế.
Xung đột vũ trang nổ ra từ ngày 27/9 khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, đánh dấu cuộc đụng độ tồi tệ nhất sau khi hai nước đồng ý ngừng bắn tháng 5/1994.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lần thứ 3 được đề cử giải Nobel Hòa bình
Một nhóm các giáo sư luật Australia đã đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình. Đây là lần thứ 3 ông Donald Trump được nhận đề cử cho giải thưởng này.
Tổng thống Mỹ Trump lần thứ 3 được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Giáo sư luật David Flint cho rằng Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi các cuộc chiến không hồi kết, những cuộc chiến không giúp đạt được gì mà khiến hàng nghìn người Mỹ trẻ tuổi thiệt mạng và mang lại khoản nợ khổng lồ cho nước Mỹ.
Giáo sư Flint nhấn mạnh, Tổng thống Donald Trump đang làm giảm xu hướng nước Mỹ tham gia vào mọi cuộc chiến trên thế giới. Giáo sư Flint cũng khen ngợi vai trò của Tổng thống Donald Trump trong việc trung gian hòa giải thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất.   
Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2020 bởi một thành viên quốc hội Na Uy do vai trò của ông trong thỏa thuận hòa bình Israel - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Một thành viên quốc hội Thụy Điển sau đó cũng đề cử ông Donald Trump cho giải thưởng này sau khi ông giúp đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo.
Giải Nobel Hòa bình 2020 sẽ được công bố ngày 9/10. 
Tân Quốc vương Kuwait Nawaf sẽ tuyên thệ trong ngày 30/9
Thái tử Nawaf Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã được bổ nhiệm làm Quốc vương nước này và Quốc vương mới sẽ tuyên thệ trong ngày 30/9.
Thái tử Nawaf Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã được bổ nhiệm làm Quốc vương Kuwait.
Ngày 29/9, chính phủ Kuwait  thông báo Thái tử Nawaf Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã được bổ nhiệm làm Quốc vương nước này.
Trong một tuyên bố, Phó Thủ tướng Kuwait Anas Al-Saleh cho biết Chính phủ Kuwait đã cầu nguyện cho sự thành công của tân Quốc vương Nawaf trong nỗ lực của ông nhằm đảm bảo an ninh và tăng trưởng của đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Kuwait Marzouq al-Ghanim, Quốc vương mới sẽ tuyên thệ trong ngày 30/9.
Trước đó cùng ngày 29/9, Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã qua đời ở tuổi 91. Cố Quốc vương Sabah là anh trai của tân Quốc vương Nawaf.
Triều Tiên khoe khả năng 'răn đe chiến tranh hiệu quả'
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp quốc khẳng định nước này đã sở hữu năng lực răn đe chiến tranh và sẽ tập trung phát triển kinh tế.
Đại sứ Kim Song phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 29/9.
"Hòa bình thật sự chỉ có thể được bảo đảm khi một nước sở hữu sức mạnh tuyệt đối nhằm ngăn chiến tranh xảy ra. Chúng tôi đã thắt lưng buộc bụng để phát triển khả năng răn đe chiến tranh hiệu quả và đáng tin cậy nhằm tự bảo vệ mình, giờ đây hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực đã được bảo đảm chắc chắn", đại sứ Triều Tiên Kim Song nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc hôm 29/9.
Quan chức Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang bị đe dọa bởi những khí tài quân sự hiện đại như tiêm kích tàng hình được Mỹ và đồng minh triển khai trong khu vực, cũng như "mọi loại đòn tấn công hạt nhân đang nhằm vào Triều Tiên".
Ông thừa nhận các lệnh cấm vận quốc tế đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, đồng thời những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn Covid-19 xâm nhập cũng làm Bình Nhưỡng hứng chịu thiệt hại nặng nề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần